Nội dung của cuốn sách này là câu chuyện về một di dân Phật tử người Mỹ gốc Á bắt đầu từ cuộc sống bên lề xã hội và chuyển sang trung tâm quyền lực chính trị, một cuộc hành trình được thực hiện nhờ “trái tim hồng” của mẹ cô.
Mazie Keiko Hirono, Thượng nghị sĩ của bang Hawaii |
Là người gốc Nhật, sinh năm 1947, trong một gia đình vô cùng khốn khó, nhưng sự đổi đời của Mazie trước hết là nhờ lòng can đảm và quyết tâm của người mẹ. Thuở ấu thơ, bà sống với ông bà ngoại trong một trang trại trồng lúa tại Fukushima (Nhật). Gia đình nghèo túng mà cha bà lại cờ bạc, nghiện ngập và bạo hành, đem cầm tư trang của vợ để nướng vào sòng bạc, một đứa con gái sinh ra thì bị chết yểu vì không được chạy chữa tốt. Thay vì cam chịu thân phận, mẹ bà âm thầm lập kế hoạch thoát ly, và khi bà lên tám tuổi, năm 1955, gia đình trốn đi bằng đường biển đến một nơi xa xôi, gọi là Hawaii thuộc nước Mỹ.
Cuộc sống mới cũng không dễ dàng. Ban đầu, người mẹ đi làm thợ sắp chữ cho một nhà in tờ báo tiếng Nhật vào ban ngày và làm công cho một cửa hàng phục vụ tiệc tùng vào ban đêm. Thế mà người đàn bà đơn thân đó đã nuôi con ăn học đàng hoàng. Hirono được nhập quốc tịch Hoa Kỳ vào năm 1959, năm Hawaii trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ. Sau khi học Đại học Hawaii, người con gái Mazie Keiko Hirino học tiếp Đại học luật nổi tiếng Georgetown University Law Center. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại bộ phận chống độc quyền của Văn phòng Tổng chưởng lý Hawaii.
Với tư cách là một chuyên gia về luật, bà đã giúp đỡ nhiều người dân đòi hỏi công lý, nhờ thế bà được khuyến khích ứng cử vào Hạ viện và bà đã trúng cử dân biểu bang này. Vinh quang tiếp tục đến với Mazie, khi bà được nhân dân Hawaii bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên và nữ Thượng nghị sĩ đầu tiên từ Hawaii, là người đã ủng hộ quyết liệt cho việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, cải cách nhập cư, công bằng chủng tộc và bình đẳng giới; đó cũng chính là những vấn nạn phủ lên cuộc đời bà từ thuở nhỏ.
Một dấu ấn trong cuộc đời chính trị của Mazie, đó là việc bà tuyên thệ nhậm chức dân biểu bang Hawaii. Một tranh luận đã bùng lên khi người ta đặt vấn đề những người không phải Cơ Đốc giáo nên tuyên thệ nhậm chức như thế nào, vì lâu nay thủ tục là có đặt tay lên Kinh Thánh. Bà đã xác định và thực hiện: “Là một Phật tử, tôi đã không dùng cuốn sách nào cả”.
Một câu chuyện ấn tượng khác. Năm 2015, Hirono được mời tham gia vào một trong những bữa ăn sáng cầu nguyện của Quốc hội, một hình thức Cơ Đốc giáo. Là diễn giả được chỉ định, bà có trách nhiệm chọn bài thánh ca cho buổi họp mặt, nhưng như bà lưu ý, “Là một Phật tử lâu đời, tôi biết rất ít bài thánh ca, và vì vậy tôi quyết định chúng ta sẽ hát bài ca yêu thích của tôi, We Shall Overcome” (Chúng ta sẽ vượt qua). Đối với bà, bài ca này gắn với truyền thống của senbazuru, đó là thực tập gấp một nghìn con hạc giấy origami, mỗi con tượng trưng cho một lời cầu nguyện về một tương lai tốt đẹp hơn. Bà nhớ lại “một điệp khúc của những giọng ca từ các bang màu đỏ, các bang màu tím và màu xanh, đồng thanh hát… Tôi không thể không tưởng tượng rằng người dân Mỹ có thể cùng nhau tạo nên một senbazuru, một chuỗi chắp cánh hy vọng và hàn gắn, một điều ước cho quốc gia chúng ta trở thành sự thật”.
Đối với chúng tôi, Phật giáo là một lối sống. Như mẹ tôi giải thích, bản chất Phật của chúng tôi liên tục được bộc lộ trong cách chúng tôi trải qua những ngày gian khổ của mình và trong cách chúng tôi cư xử với người khác. Mẹ thể hiện nền tảng niềm tin của chúng tôi bằng câu nói ngắn gọn thường thấy, ‘Hãy sống tử tế’.
Mazie tiếp nhận truyền thống Phật giáo từ bà ngoại. Khi còn nhỏ, cô bé đang học tiếng Anh và chuẩn bị vào trường tiểu học, ông bà và anh trai của cô đã cùng gia đình sống trong một căn lều cũ nát. Bà ngoại đã thiết lập một bàn thờ Phật với các lễ vật và tụng các câu thần chú Phật giáo trong khi lần chuỗi hạt cầu nguyện trên tay. Cô bé Mazie rất ấn tượng trước sự sùng kính của bà ngoại, nhưng chính niềm tin Phật giáo nhẹ nhàng của mẹ đã ảnh hưởng đến cô nhiều hơn: “Đối với chúng tôi, Phật giáo là một lối sống. Như mẹ tôi giải thích, bản chất Phật của chúng tôi liên tục được bộc lộ trong cách chúng tôi trải qua những ngày gian khổ của mình và trong cách chúng tôi cư xử với người khác. Mẹ thể hiện nền tảng niềm tin của chúng tôi bằng câu nói ngắn gọn thường thấy, ‘Hãy sống tử tế’”, Mazie cho biết.
Trong hơn 150 năm phát triển của Phật giáo người Mỹ gốc Á, những người nhập cư và con cháu của họ đã phải đấu tranh để tìm được vị trí của mình trên đất Mỹ. Ngày nay, Thượng nghị sĩ Hirono là một tấm gương sáng cho bất kỳ ai quan tâm đến việc hiện thực hóa một nước Mỹ gồm nhiều chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo. Đây là ngọn lửa tâm huyết mà bà được thừa hưởng từ mẹ mình, là hơi ấm của lòng nhân ái, làm sống động đạo pháp mà bà gìn giữ.