GN - "Cái gì đến rồi cũng đến, cho dù đau xót nhưng không bất ngờ. Một ngày không đẹp trời bọn quỷ sống lôi một cô gái vị thành niên vào nhà hoang thay phiên nhau hãm hiếp. Bảy đứa. Cô gái kiệt sức, ngất đi. Bọn trẻ vô tư về nhà ngủ.
Cảnh sát 113 nhận được tin đã tới hiện trường, kết hợp với công an địa phương lôi từng thằng nhóc con về trụ sở, chúng vẫn còn ngái ngủ”.
Trẻ em hào hứng tới chùa tham dự các khóa tu dành cho tuổi trẻ - Ảnh minh họa
Trên đây là một mẩu tin lấy từ báo chí đầu tháng 5 vừa rồi. Đọc bản tin mà buồn.
Buồn vì kẻ phạm tội chỉ là bọn nhóc trẻ con mà đã phạm tội tày trời. Buồn vì chúng thản nhiên đi về nhà ngủ sau khi phạm tội ác. Buồn vì người lớn cũng không thấy hết những lỗi lầm kinh khủng của bọn trẻ, có người còn bào chữa cho con.
“Còn buồn hơn khi kết thúc phần xét hỏi của các thẩm phán, phụ huynh các bị cáo mếu máo phát biểu: con tôi có làm gì đâu, con nhỏ đó có hề hấn gì! Có người mẹ kẻ ác còn bào chữa cho con: con nhỏ đó không phải dân đàng hoàng, ai con gái mà đi đâu khuya khoắt thế!”.
Còn nạn nhân và gia đình nạn nhân?
“Tôi nhìn thấy cô gái nước mắt chảy tràn, người cha còm cõi quê mùa thì cúi mặt xuống.
Mỗi bị cáo nhận mười mấy năm tù giam, nhưng có cảm giác bằng ấy hình phạt vẫn chưa xứng tội chúng. Tôi đã nghĩ vậy khi cố nhìn cha con cô gái bị hại.
Cô ấy đi đêm khuya khoắt như thế vì đang lang thang ra chợ tìm việc. Gần đấy có một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Và cô hết tiền để mướn nhà trọ qua đêm…”.
Thật là buồn. Nhưng buồn nhất là:
“Xóm có tới ba cái chùa, nhưng ít thấy các khóa giảng pháp, người dân xung quanh cũng không mấy hiểu về đạo”.
Thế đã rõ, trách nhiệm là của xã hội, nhưng trách nhiệm là của chúng ta và trước hết là của ba nhà chùa trong địa bàn. Giá mà các vị tu sĩ trong ba ngôi chùa ấy biết kết hợp giữa đạo và đời mà dấn thân vào đời thì xã hội vơi bớt đau khổ. Tôi cũng biết điều này không hề đơn giản. Nhưng đọc lại kinh Phật ta vẫn thấy người xưa có cách giải quyết vấn đề.
“Một hôm Phú-lâu-na - một trong những đệ tử lớn của Đức Phật phát nguyện xin sang truyền giáo cho một xứ mọi rợ gần đấy, rợ này có tiếng dữ tợn lắm, hay hại người.
Phật muốn can ngăn, nói với Tôn giả Phú-lâu-na rằng: “Người rợ Tô-na-bà-lan-đà hung tợn độc ác lắm. Ngươi đến nơi mà chúng nói độc nói ác chửi rủa ngươi thì ngươi nghĩ sao”. Tôn giả Phú-lâu-na đáp: “Nếu người rợ nói độc nói ác chửi rủa con thì con nghĩ rằng chắc họ là người lành người tốt vì họ không đánh con bằng tay, ném con bằng đá”. -“Nhưng họ đánh con bằng tay, ném con bằng đá thì con nghĩ sao?” - “Con nghĩ họ là người lành người tốt vì họ không đánh con bằng gậy đâm con bằng gươm”. - “Nếu họ đánh con bằng gậy đâm con gươm thì con nghĩ sao?” - “Con nghĩ rằng họ vẫn là người lành người tốt vì họ không đánh con đến chết”. - “Nhưng nếu người ta đánh con đến chết thì con nghĩ sao?” - “Con nghĩ rằng họ còn tốt vì nhờ họ mà con khỏi phải đau khổ mà thoát được cái bọc thịt thối là tấm thân ô uế này”.
Đức Phật bây giờ nói rằng: “Được, Phú-lâu-na, con có tính nhẫn nhục như vậy thời con đến xứ rợ được. Ta cho phép con đi”.
Tôn giả Phú-lâu-na đến rợ Tô-na-bà-lan-đà để truyền giáo. Không bao lâu người dân thuần lại cả và quy theo Phật hết.
(Theo “Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế”
- Thích Trung Hậu & Thích Hải Ấn biên soạn, Nxb Văn Hóa Sài Gòn)
So với rợ Tô-na-bà-lan-đà thì dân ở khu vực nói trên còn “hiền” hơn nhiều. Thế mà Tôn giả Phú-lâu-na không sợ vì ngài tin vào khả năng chuyển hóa của con người. Với tinh thần vô úy, với hành trang là lòng từ bi và nhất là niềm tin vào trí tuệ, Tôn giả Phú-lâu-na đã chuyển hóa con người từ dữ tợn thành người tốt biết quy y Phật.
Người xưa đã làm được, lẽ nào với truyền thông hiện đại như hiện nay không làm được? Các vị thầy trong ba ngôi chùa nghĩ sao? Phật giáo chúng nghĩ sao về tình trạng đạo đức xuống cấp đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay?