Một số vấn đề về giới tính, tình yêu & hôn nhân

Một số vấn đề về giới tính, tình yêu & hôn nhân

GN - Ni sư Thubten Chodron (thế danh Cherry Green), sinh năm 1950, lớn lên gần vùng Los Angeles (Hoa Kỳ). Ni sư hoàn thành Cử nhân Lịch sử tại Đại học UCLA năm 1971. Sau khi du lịch qua châu Âu, Bắc Phi và châu Á trong khoảng một năm rưỡi, Ni sư trở về Mỹ, lấy chứng chỉ Sư phạm, theo học chương trình sau đại học tại Đại học USC (University Southern California) về Giáo dục và dạy học ở hệ thống các trường tại Los Angeles.

Năm 1975, Ni sư tham dự một khóa tu thiền của ngài Lama Yeshe và ngài Zopa Rinpoche. Sau đó Ni sư qua Nepal tiếp tục tu học và hành thiền tại vu viện Kopan.  Năm 1977, Ni sư được ngài Kyabje Ling Rinpoche cho xuất gia tại Dharamsala, Ấn Độ, và năm 1986 Ni sư thọ Đại giới tại Đài Loan.

Ni sư Thubten Chodron thường chú trọng đến việc áp dụng những điều Phật dạy vào đời sống hàng ngày của chúng ta và đặc biệt thiện xảo trong việc giải thích chúng bằng những phương cách dễ hiểu và dễ thực hành. Ni sư rất nổi tiếng với những bài pháp đầy ý nhị, nhẹ nhàng, giải đáp các vấn đề gần gũi và thiết thực trong đời sống.

GN xin giới thiệu một số thảo luận, giải đáp Phật pháp của Ni sư Thubten Chodron liên quan đến giới tính, tình yêu và hôn nhân đến với độc giả.

Hỏi: Phật giáo quan niệm thế nào về tình yêu và hôn nhân?

Trả lời: Trong kinh Sigalovada, Đức Phật giảng về những phương cách mà hai nhân tố trong một cuộc hôn nhân cần quan tâm đến. Căn bản đó là sự tôn trọng lẫn nhau, sự quan tâm chân thành, kiên nhẫn, và trao đổi cởi mở là những yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ dài lâu.

Để duy trì các mối quan hệ tình cảm lành mạnh, chúng ta cần nhiều thứ hơn là chỉ có tình yêu. Ta cần phải thương yêu đối tượng như là một con người và như một người bạn. Sự thu hút về giới tính mà tình yêu thường dựa vào là một yếu tố không đầy đủ để thiết lập một mối quan hệ dài lâu. Sự quan tâm sâu sắc và tình thương yêu cũng như trách nhiệm và lòng tin cũng cần phải được vun trồng.

Chúng ta không hoàn toàn hiểu hết bản thân, thì nói gì đến người khác. Đối với chúng ta, họ còn bí mật hơn nhiều. Do đó, đừng khư khư cho rằng bạn biết tất cả về đối tượng của mình vì hai người đã ở bên nhau quá lâu. Nếu bạn ý thức rằng đối tượng vẫn là một huyền bí đối với mình, bạn sẽ tiếp tục lưu tâm, để ý đến người đó. Sự quan tâm muốn tìm hiểu đối tượng này là chìa khóa đưa đến một mối quan hệ vững bền.

Sự tin tưởng lẫn nhau cũng rất quan trọng, nên cần được xây đắp bởi cả hai đối tượng bằng cách quan tâm đến nhau và có bổn phận thực hiện những lời hứa của mình. Với sự thay đổi về trách nhiệm của nam nữ trong xã hội ngày nay, các cặp vợ chồng cần chia công việc chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái một cách công bằng, với sự đồng ý của cả hai. Sau đó mỗi người phải làm tròn bổn phận của mình, nhờ đó phát triển thêm sự tin tưởng giữa hai người.

Lòng tin cũng được xây đắp bằng cách chân thật với nhau. Do đó, tốt nhất là tránh làm những việc mà chúng ta phải che giấu về chúng. Nếu có lầm lỗi, hãy xin lỗi. Mặt khác, chúng ta cũng nên tha thứ cho người đã biết lỗi, và hãy bỏ qua những tình cảm bị tổn thương hay ý muốn trả thù. Tha thứ cho ai đó không có nghĩa là chúng ta chấp nhận hành động của họ. Đúng hơn, chúng ta chỉ để cho lòng sân hận qua đi.

Sự thực hành tâm linh và việc khiến cho Pháp trở thành trung tâm của một mối quan hệ sẽ khiến cho vợ chồng trở nên gắn bó về nhiều mặt. Khi cả hai đều muốn vun trồng các đức hạnh nơi bản thân và giúp người phối ngẫu cũng làm như thế, thì mọi sinh hoạt hàng ngày của họ cũng trở nên tốt hơn. Hãy xem người bạn đời của mình như là một người có Phật tính. Sau đó ngay cả khi bạn đời của mình không được tốt đẹp, bạn cũng sẽ nhìn người đó như tạm thời bị vô minh che lấp nhưng vẫn có những điều tốt và những khía cạnh tuyệt vời trong họ.

Một số người muốn có những mối liên hệ hôn nhân, một số không muốn. Sự lựa chọn nào cũng tốt. Các bậc cha mẹ áp lực con cái phải lập gia đình hay tạo dựng gia đình là điều không nên.

Hỏi: Phật giáo quan niệm thế nào về vấn đề ly dị? Làm sao chúng ta có thể sử dụng giáo lý của Đức Phật để đối mặt với những trạng thái tâm lý bất ổn nơi con cái và bản thân chúng ta khi ly dị xảy ra?

Đáp: Đối với Phật giáo, hôn nhân và ly dị là những vấn đề thế tục. Nếu người tại gia muốn lập gia đình, đó là sự lựa chọn của họ. Nếu họ muốn ly dị, đó cũng là lựa chọn của họ.

Tuy nhiên, để tránh ly dị, giải pháp tốt nhất là chuẩn bị thật tốt cho cuộc hôn nhân. Đôi khi các phim ảnh cho chúng ta thấy những hình ảnh không thực tế về những mối quan hệ lãng mạn, dễ dẫn người ta đến việc có những đòi hỏi hay mong đợi vô lý. Tốt hơn hết nên coi hôn nhân như là một sự hợp doanh chứ không phải là sự lãng mạn có thể trường tồn mãi mãi. Hãy bỏ thời gian để tìm hiểu về đối tượng thật kỹ - quan sát người đó ở trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và ở những thời điểm khác nhau - trước khi kết hôn và bắt đầu đời sống gia đình.

Sự xung đột là tự nhiên thôi, vì thế hãy phát triển thói quen trao đổi, tạo sự truyền thông tốt và các kỹ thuật để giải quyết những khác biệt cùng nhau. Hãy xem người phối ngẫu của mình là quý báu và nuôi dưỡng những đức tính tốt ở nơi người đó.

Ly dị là điều đau khổ cho tất cả mọi người liên quan, và nó cần có thời gian để lắng đọng. Thông thường có người sẵn sàng làm lại cuộc đời, còn người kia thì không, vì thế sự kiên nhẫn và chịu đựng là rất cần thiết. Nếu hai vợ chồng có con cái, điều quan trọng là không nên nói xấu về người vợ/chồng trước đó của mình, vì điều đó ảnh hưởng xấu đến con cái.

Có thể bạn không cần có sự liên hệ lâu dài với người đã chia tay, nhưng con cái của bạn cần có sự liên hệ cả đời với cả hai cha mẹ. Đừng đem con cái vào cuộc, khiến chúng phải đứng về phía người này để chống lại người kia. Thay vào đó hãy hợp tác với người phối ngẫu, người đã chia tay để tạo nên một không khí tốt cho con cái. 

Có Phật tử đã nói với tôi rằng việc giữ được năm giới dành cho người cư sĩ và chánh niệm để tránh mười điều ác đã giúp cô rất nhiều trong thời kỳ ly dị. Thay vì uống rượu để làm chai đi nỗi đau, cô đã đối mặt với hoàn cảnh. Thay vì lừa dối và nói quá về những gì người chồng trước của mình đã làm, cô thành thật và công bằng. Chánh niệm để tránh chỉ trích chồng cô với người khác, cô đã gìn giữ ngôn ngữ của mình. Cô thực sự hàm ân và dựa vào sự thực hành giáo lý để đối mặt với những thăng trầm trong giai đoạn ly dị.

Hỏi: Quan điểm của Phật giáo về đồng tính ở người nam và người nữ như thế nào?  Điều gì được coi là những hành vi tính dục không khôn ngoan?

Đáp: Kinh điển Pali không nói gì về sự đồng tính như là những hành vi tính dục không khôn ngoan. Đối với người xuất gia, tất cả mọi hành động tính dục đều là nguồn gốc của sự thất bại. Kinh không nói rõ về giới tính của người nào. Va-xu-ban-du (Vasubandhu), một vị thầy đến sau Đức Phật vài thế kỷ, đã không tán đồng đồng tính.  Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là động lực phía sau của việc chúng ta sử dụng tính dục của mình như thế nào. Nói cách khác, nếu người ta dùng tính dục một cách không khôn ngoan hay không tử tế, thì không quan trọng là điều đó xảy ra đối với người cùng giới hay khác giới.

Có vài người trong nhóm Phật giáo của chúng tôi ở Seattle là người đồng tính. Họ nói với tôi rằng họ biết họ đồng tính khi còn rất trẻ. Như thế, đó không phải là do họ đã huân tập. Đó chỉ là nghiệp của họ đã phát ra như thế nào mà thôi. Tôi cảm thấy rằng việc chỉ trích hay bài bác chống lại những người đồng tính là ngược lại với hành vi của tình thương yêu và từ bi mà Đức Phật rất muốn tất cả những người theo Ngài phải vun trồng.

Vấn đề này nói rộng hơn sẽ liên quan đến giới thứ ba, là giới liên quan đến những hành vi tính dục không khôn ngoan. Tôi không nghĩ rằng giới này quan tâm về những chi tiết như điều đó đã xảy ra ở đâu, khi nào, và với ai mà chúng ta có thể có những mối liên hệ tính dục. Giới này thực ra nghiêng về những hành vi và động lực cơ bản của ta, là chúng ta có sử dụng tính dục một cách khôn ngoan và tử tế hay không.

Nếu tính dục bị sử dụng bừa bãi - thí dụ, người có thể truyền bệnh qua hoạt động tính dục, không có những biện pháp ngăn ngừa khi giao hợp với người - đó là sử dụng tính dục không khôn ngoan vì hành động như thế có thể làm hại người khác hay hại chính mình. Nếu người ta lợi dụng người tình vì những lợi ích của riêng họ, hay để thỏa lòng tự mãn, thì đó là việc sử dụng tính dục không khôn ngoan vì điều này có thể đưa đến kết quả là người kia sẽ cảm thấy bị xúc phạm hay bị sỉ nhục.

Hoạt động tính dục với trẻ con thì rõ ràng là không khôn ngoan vì điều đó rất nguy hại cho đứa trẻ. Nếu là những người lớn có trách nhiệm, người ta phải suy nghĩ cẩn thận về những gì họ làm, và có thái độ tử tế đối với người tình của mình. Họ sẽ sử dụng tính dục một cách khôn ngoan, tử tế, dầu cho họ có là người đồng tính hay không.

Thật ra câu hỏi căn bản mà người ta cần phải tự hỏi là: Tôi sử dụng tính dục của mình như thế nào? Tôi có luôn luôn nhìn vào thân thể của người khác và phán đoán họ qua đó không? Tôi có thật sự nhìn vào trong tâm của đối tượng và chấp nhận họ như là một con người? Hay là tôi luôn luôn lột trần họ trong tâm mình vì tôi có rất nhiều năng lượng tính dục? Tôi có tôn trọng người tình của mình và đối xử với họ một cách khôn ngoan và tử tế không?

Thí dụ, dầu cho một người là đồng tính hay không, thì việc có nhiều mối quan hệ tình cảm với nhiều người cùng lúc là không khôn ngoan vì điều đó đem lại tai hại cho bản thân và cho gia đình. Thông thường, người ta nghĩ rằng chừng nào mà không có ai biết về điều gì đó và sự vụng trộm được giữ bí mật, cẩn thận thì không có gì xảy ra. Tôi không thể nói với bạn là đã có bao nhiêu người nói với tôi rằng họ biết cha/mẹ của họ đã ngoại tình khi họ còn nhỏ.

Trẻ con rất khôn ngoan, chúng đã biết điều gì xảy ra nhưng chúng không thể nói ra lúc đó. Tuy vậy, chúng có thể cảm nhận không khí căng thẳng trong gia đình vì người cha/mẹ ngoại tình với người khác. Những hành động như thế về phía cha mẹ là rất tai hại cho trẻ con. Trước sau gì sự thật cũng sẽ phơi bày. Rất khó để giữ những điều như thế trong bí mật được lâu.

Ngoài ra, nếu bạn có gia đình và bạn có ý định ngoại tình với ai đó ở ngoài, điều này chứng tỏ rằng bạn và người phối ngẫu của bạn cần phải phát triển sự truyền thông tốt hơn trong gia đình, trong hôn nhân. Quan hệ với người khác không thể chữa được những vấn đề trong hôn nhân của bạn.

Hỏi: Vợ chồng xây dựng và duy trì một mối quan hệ lành mạnh hay một cuộc hôn nhân lành mạnh như thế nào?

Đáp: Nếu bạn đánh giá cao cuộc sống gia đình, và muốn giữ mái ấm gia đình, bạn cần phải trao đổi các vấn đề với người phối ngẫu và chấp nhận rằng có những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Nếu bạn cần tư vấn, hãy tìm người tư vấn, hoặc là một mình hay cùng với người phối ngẫu. Hãy cố gắng trong việc phát triển mối quan hệ với người bạn đã kết hôn.

Hai vợ chồng cần cố gắng để giữ cho mối quan hệ của mình được tốt đẹp. Bạn cần phải thực sự tạo ra và duy trì một mối quan hệ tốt, chứ không chỉ mong đợi rằng mọi thứ rồi sẽ suôn sẻ vì giờ bạn đã kết hôn. Bạn cần phải học cách diễn tả, trao đổi với người phối ngẫu về những vấn đề đôi khi bạn khó nói hay khó nhận ra, như là lỗi của mình hay những khiếm khuyết về cá tính.

Bạn cũng cần học lắng nghe người bạn đời nói gì và thật sự cố gắng để nghe người đó với trái tim của bạn. Hãy cố gắng kiên nhẫn khi người bạn đời của bạn có những khó khăn thay vì phản ứng hay chống đối. Mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp ngay dầu chỉ có một bên biết làm thế nào để giữ bình tĩnh, vững chãi và không phản ứng khi người khác hành động đầy cảm xúc. Nếu bạn phản ứng mà không suy nghĩ rõ ràng, sáng suốt khi người bạn đời của bạn làm điều gì đó, thì không có sự trao đổi xây dựng nhiều.

Nếu người bạn đời của bạn đang khó chịu về việc gì đó, hãy nghĩ, “Ngay bây giờ, công việc của tôi là lắng nghe và giúp vợ/chồng của tôi trầm tĩnh lại”. Muốn thế, chúng ta không thể bảo người kia phải làm điều gì nhưng phải dành cho người đó không gian để diễn tả điều mà họ đang cảm xúc và trao đổi, chia sẻ về những cảm xúc này một cách hợp lý. Hãy tỏ ra ủng hộ người kia thay vì phản ứng lại với những gì người đó đang phải trải qua.

Tương tự, khi bạn cảm nhận một cảm xúc mạnh mẽ như là giận dữ, hãy biết rằng bạn đang giận và cố gắng để trầm tĩnh lại trước khi nói chuyện với người kia. Khi bạn trầm tĩnh hơn và tâm bạn sáng suốt hơn, hãy nói với người bạn đời những cảm xúc của mình và có một cuộc trao đổi xây dựng. Điều đó có nghĩa là nói cho người bạn đời biết bạn đang cảm giác như thế nào thay vì giận dữ và khư khư giữ lập trường của mình.

Ngoài ra cũng cần quán sát bản thân và nếu bạn thấy rằng bạn có những thói quen xấu, hãy nhận thức điều đó, và cố gắng để sửa đổi chúng. Hãy trao đổi với người phối ngẫu, vì người đó cũng là một người bạn cho nên người đó có thể ủng hộ những cố gắng sửa đổi của bạn để trở nên tốt hơn. Tóm lại, hãy cẩn thận đừng tái diễn những thói quen xấu hay tiêu cực mà bạn có thể đã chứng kiến trong mối quan hệ của cha mẹ bạn.

Hỏi: Phật giáo quan niệm như thế nào về tình dục trước hôn nhân?

Đáp: Đức Phật không nói rõ ràng về vấn đề này. Cơ chế xã hội về hôn nhân rất khác trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Hôn nhân lúc đó thường được gia đình chọn lựa và vì mục đích nối dõi. Nam giới có nhiều vợ hay thiếp và điều này được chấp nhận vào thời đó. Ở Tây Tạng, một phụ nữ có thể kết hôn với các anh em trong cùng gia đình; việc này là để giữ đất đai trong gia đình. Những loại hôn nhân như thế không được chấp nhận đối với đạo đức văn hóa hiện thời của chúng ta.

Về những hoạt động tính dục trước hôn nhân, tôi nghĩ là nếu người ta có trách nhiệm và cẩn thận để không gây hại cho bản thân và người khác về sinh lý hay tâm lý thì tình dục trước hôn nhân có thể được chấp nhận. Tuy nhiên tôi tin rằng điều này chỉ nên xảy ra trong một mối quan hệ có sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau. Lợi dụng người khác để thỏa mãn dục vọng của mình hay để tăng thêm ngã mạn thì chắc chắn không phải là hành động của lòng tử tế!

Những người có đời sống tình dục phóng túng có thể nghĩ rằng điều đó không quan trọng và không có những ảnh hưởng gì ghê gớm. Nhưng nếu nhìn sâu vào tâm họ về lâu về dài, họ sẽ thấy rằng việc đó có một ảnh hưởng không tốt. Tương tự, nếu mới chỉ gặp người nào đó mà sẵn sàng đi vào giường với người ta, thường tạo ra những lúng túng và đau khổ cho cả hai người. Ngoài ra, người ta cần phải dùng biện pháp ngừa thai nếu họ không muốn có con cái.

NS.THUBTEN CHODRON
Diệu Liên Lý Thu Linh
chuyển ngữ
(Trích dịch từ 
Dealing With Life’s Isues, do tu viện Kong Meng San Phor Kark See xuất bản 2010)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày