GN - "Đời người như bóng câu qua cửa sổ”. Quả thật, đối với tôi thời gian xa Trường Bồ Đề đã hơn 40 năm “như bóng câu qua cửa sổ” vậy! Một kỷ niệm, một khoảng lặng đủ dài so với đời người đã qua đi với bao xót xa mất mát hụt hẫng. Hôm nay lại có dịp trở về gặm nhấm ký ức của một thời buồn vui ấy.
Hơn 40 năm trước, tôi được giao duyên với môi trường giáo dục trong hệ thống tư thục Bồ Đề của Phật giáo miền Nam (trước năm 1975). Rồi như một quy luật “sắc-không”, tôi phải xa trường xa học trò, xa mái ấm trung học Bồ Đề - Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay) với vai trò quản lý gần 1.000 học sinh từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhất (lớp 6-12). Với chừng ấy con người có trình độ nhận thức, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình khác nhau, trong khi thầy hiệu trưởng lại ở tận Sài Gòn, vì thế mặc nhiên tôi và thầy giám học là những người trực tiếp “đứng mũi chịu sào”, điều hành xử lý công việc đối nội cũng như đối ngoại của trường.
Thuở ấy, tôi còn non trẻ lắm! Nhưng có lẽ để tròn “vai”, tôi đã biết cách ứng xử cương nhu tùy theo từng sự vụ. Cũng có lúc tỏ ra mềm mỏng nhẹ nhàng gần gũi thân thiện với học trò, ngược lại cũng có lúc lạnh lùng đến khắt khe khó chịu. Nếu tôi không khế cơ khế lý, không nắm vững tâm tính của học trò để có thái độ nghiêm cẩn trong vai trò ấy thì chắc hẳn sẽ bị “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” ăn hiếp rồi! Trong vai trò của mình, tôi được quyền dùng đến hình phạt với nhiều hình thức, nhẹ thì nhắc nhở cảnh cáo toàn trường, chép phạt, làm vệ sinh lớp học, nặng hơn có thể dùng đến đòn roi, nặng nhất là đuổi học. Tôi đã không ít lần phải sử dụng các biện pháp ấy trong khi thi hành nhiệm vụ mà không sợ bị phụ huynh hoặc học sinh trách giận hay hành hung, ngược lại tôi còn nhận được sự đồng tình hoan hỷ, ủng hộ theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”.
Tôi còn nhớ, một cậu học trò cá biệt lớp đệ tam (lớp 10) hay vi phạm kỷ luật, tôi viết thư mời phụ huynh tới để trao đổi về chuyện học tập và hạnh kiểm của em ở trường, mục đích nhờ phụ huynh theo dõi uốn nắn con em mình. Nhưng em không đưa thư về gia đình, khi tới trường gặp tôi em còn nói láo là: “Ba mẹ em bận không đến gặp thầy được đâu”. Sau nhiều lần như vậy, tôi làm thư mời khác và nhờ người đưa tới nhà em ấy. Sau đó phụ huynh của em đã đến gặp tôi, tôi thông báo cho phụ huynh ấy biết về hạnh kiểm cũng như học tập của em. Nghe qua, ông đề nghị tôi gọi em lên văn phòng. Vừa bước vào văn phòng thấy phụ huynh của mình đang có mặt thì em rất bối rối, mặt biến sắc, miệng chào thưa ấp a ấp úng nói không ra lời. Tôi chỉ cho em ngồi xuống ghế để lấy lại bình tĩnh, nhưng em vẫn bị khựng lại đứng ngây ra như người mất hồn vậy! Ba của em đã nhắc lại những gì mà tôi vừa trò chuyện, em lặng thinh đứng nghe như xác nhận những việc làm sai trái của mình và bất ngờ ông đề nghị tôi dùng hình phạt đánh đòn roi mây bằng thái độ hết sức cương quyết. Tôi đề nghị phụ huynh coi đây là sự cảnh cáo, sau này nếu em tái phạm sẽ áp dụng hình phạt đòn roi ấy cũng không muộn. Nhưng ông ta một mực không đồng ý mà nằng nặc đề nghị tôi phải xử phạt đúng nội quy của nhà trường. Tôi buộc lòng phải làm thỏa mãn yêu cầu của ông. Trước khi ra về, ông còn chân thành cảm ơn tôi rối rít...
Sau hơn 40 năm, nhân ngày 20-11, số cựu học sinh thuộc mái ấm Bồ Đề tổ chức buổi gặp mặt nhớ ơn thầy cô, tôi vinh hạnh được mời tham dự, như một cách ôn cố tri tân. Thật là cảm động biết bao khi có dịp gặp lại một số thầy cô giáo từng tham gia giảng dạy ở đây cũng như được gặp lại một số học trò cũ.
Có người nay đã chuyển xuống Cần Thơ, qua Tiền Giang, hoặc lên Sài Gòn sinh sống hay những cô cậu học trò còn ở lại quê nhà Bến Tre. Tất cả với tấm lòng tâm huyết đã dành thời gian về dự buổi họp mặt mang ý nghĩa biểu trưng này. Nó như khơi lại bếp lửa hồng mái ấm Bồ Đề mà tưởng chừng như đã lạnh, tro đã tàn của một thời xa ngái. Tất cả cùng về đây, nói lên tâm huyết, tình cảm sâu nặng thấm đậm chất Bồ Đề của những cựu học sinh Trung học Bồ Đề - Kiến Hòa xưa kia.
Tôi thực sự xúc động, ấm áp và hạnh phúc bởi tấm lòng của những cô gái, chàng trai xứ dừa đã dành tặng cho chúng tôi. Như thầm nhắc nhở nhau có một thời để nhớ và có nhiều điều đáng quý tồn tại mãi trên thế gian này!