Một xã có tới 3 “báu vật”

Đó là xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy - Hải Phòng, nơi có 3 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào đối với người dân xã Đông Phương, đồng thời cũng khẳng định ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử này.

 

Một xã có tới 3 “báu vật” ảnh 1

Vườn tháp ở chùa Lạng Côn

Ẩn sau những lùm cây cổ thụ là chùa Đại Trà mang nhiều dấu ấn lịch sử của vương triều Mạc. Không chỉ mang tên một làng của xã Đông Phương, chùa còn có tên chữ là Đại Linh Tự.

Theo truyền ngôn, chùa được xây dựng vào thế kỷ 13, nhưng được tôn tạo, xây dựng bề thế nhất vào đời nhà Mạc. Chùa gồm tổng cộng 50 gian gỗ lim, có nhà bia với 60 bia lớn, nhỏ khác nhau. Chùa là nơi lui tới của các quan khách triều Mạc. Trải những biến cố lịch sử, qua nhiều đời, chùa tiếp tục được tu bổ.

Đến ngày nay, chùa vẫn bảo tồn nguyên dáng dấp của kiểu kiến trúc đầu thời Nguyễn, đặc biệt là bậc thềm bước lên gian bảo điện và một số hoa văn trang trí trong chùa. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều bia đá và tượng có giá trị về lịch sử, văn hóa.

Tượng thân vương nhà Mạc ngồi trên ngai rồng, được tạc từ phiến đá liền khối, hình khối đơn giản nhưng gợi tả sự từ tâm, tính phóng khoáng, nét mặt cương quyết và tràn đầy niềm tin.

Tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên núi đá có từ thế kỷ 17, mang nét độc đáo riêng. Tại chùa còn lưu giữ 7 bia đá trong đó có 5 bia thời Lê (thế kỷ 17-18), 2 bia thời Nguyễn (thế kỷ 19). Nội dung một số tấm bia nêu công đức của vị sư họ Đào được coi là vị tổ thứ nhất của chùa. Các bia “Đại Linh tự bia ký”, “Tín thí điền bia ký” cho biết tên những người có công, có ruộng hiến cho chùa. 

Một xã có tới 3 “báu vật” ảnh 2

Tượng vua Mạc ở chùa Đại Trà

Ngôi chùa nổi tiếng thứ hai ở Đông Phương là chùa Lạng Côn, còn gọi là Sùng Khánh tự. Chùa Lạng Côn làm theo hướng Tây, hướng được coi là hợp cách nhất trong kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam. Tương truyền chùa cũng được xây dựng vào thời Lý - Trần. Trước kia, đình và chùa Lạng Côn xây dựng trong một khuôn viên theo lối “tiền thánh, hậu Phật”. Hiện đình không còn, phía trước chùa là một hồ trồng sen, hình chữ nhật.

Toà Phật điện kiến trúc theo kiểu chữ đinh, quay hướng Tây, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Phía sau chùa có 3 tháp cổ, mỗi tháp 3 tầng. Cổng chùa hình nhất môn, có hai tầng tám mái đao cong, với đôi câu đối: “Cửa từ bi đông khách siêu phương/ Đức trí tuệ soi đường bác ái” và “Hoa bốn mùa chào đón phật đài/ Cây trăm thước dựng nên thiền cảnh”.

Một xã có tới 3 “báu vật” ảnh 3

Chùa Lạng Côn

Chùa Lạng Côn qua 5 lần tôn tạo, mới đây là đợt trùng tu quy mô lớn, khang trang, bề thế, nhưng không vì thế mà mất dáng dấp cổ xưa. Sư thầy Thích Đàm Chi, trụ trì chùa cho biết, ngôi bảo điện chính được làm toàn bằng đá xanh, cửa chính, cửa võng , các cột trong chùa làm bằng gỗ quý, được các nghệ nhân chạm khắc hoa văn tinh tế.

 

Trong chùa còn bảo tồn  nhiều di vật lịch sử quý. Đó là 7 bức tượng cổ, một chiếc chuông đồng có niên đại cuối thế kỷ 18, tòa cửu long bằng gỗ từ thế kỷ 15, có hình hộp theo kiểu lá đề, phía trong tạo hình bài vị, trên đỉnh có hình mặt nguyệt vòm chạm 9 rồng. Đặc biệt, có cây thạch đài trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706); bia đá “Sùng Khánh tự bi ký” dựng vào năm Chính Hoà thứ 4 (1683) và bia “Hậu Phật bi ký” dựng vào năm Gia Long thứ nhất (1802) nói về việc hưng công xây dựng chùa.

 

Cách chùa Đại Trà vài trăm mét là đình Đại Trà, thờ hai vị thành hoàng. Một là Chu Xích, người gốc Hoa, đến định cư tại Đại Trà mở trường dạy học, sau giúp vua Lê Hoàn đánh quân Chiêm. Một là Trần Quốc Thi,  thân vương đời Trần có công đánh giặc Nguyên Mông. Các cụ cao tuổi kể lại, tại đình làng, xưa có lệ thi đốt pháo.

 

Làng nào trong xã Đông Phương cũng rước pháo vào đình làm lễ, xong mang ra đốt, làng nào pháo nổ to là thắng cuộc. Ngoài lệ đốt pháo, đình làng còn có hội thi thả diều mùa thu. Đây là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thể hiện mong ước quê hương, đất nước thanh bình.

 

Tại đình làng ngày nay vẫn còn chiếc hương án cổ trang trí cầu kỳ bằng hoa văn nổi hình rồng, hoa lá, nai điểu, hạc trên lưng rùa, cá bơi trong nước… kê chính giữa đình.

 

Đặc biệt, tại đình Đại Trà, con nghê gỗ được đặt trên hương án. Thông thường, nghê được làm bằng đá hoặc bằng đồng, được đặt ở phủ, điện, từ đường.

 

Trong đình còn có di vật cổ như 3 chiếc ngai thờ với hình ảnh rồng trên yên ngựa cùng những tia lửa lưỡi mác; bài vị thờ Chu Xích; sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá, bốn mặt trang trí hổ phù, long mã chầu…

 

Đặc biệt quý giá là tại đình làng còn lưu giữ được 24 sắc phong từ đời Lê Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Cảnh Thịnh, các vua triều Nguyễn…

 

Cụm di tích lịch sử văn hóa ở xã Đông Phương gồm chùa Lạng Côn, đình và chùa Đại Trà là những di tích quý ở địa phương. Với giá trị văn hóa và nghệ thuật của các di vật lịch sử còn lưu giữ tại các đình, chùa này, có thể coi Đông Phương là một “bảo tàng” thu nhỏ ấn tượng và hấp dẫn du khách đến tham quan. Đặc biệt, địa phương thường xuyên đón các đoàn nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ đến tìm hiểu, nghiên cứu. Mới đây nhất, đoàn cán bộ Đại học Mỹ thuật Hà Nội về chùa Đại Trà khảo sát thực tế và nghiên cứu những di vật lưu giữ ở đây.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày