"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", ngẫm ra, cái lý của các cụ, lại là khoa học hẳn hoi. Sau cả năm bận bịu những công những việc, rồi nhất là cái Tháng Chạp tối tăm mặt mũi, người ta phải có cái "pha" trùng lại tí chút.
Có những năm ra Giêng rồi mà cái rét vẫn cứ hành hạ con người, nhưng đã là người Việt, cái rét sau vẫn cứ khác cái rét trước Tết, được cho là ấm cúng hơn. Và mưa sau Tết, bất luận là mưa dầm trong gió bấc căm căm đi chăng nữa, vẫn cứ được gọi là "mưa ấm Tháng Giêng". Vào lúc này, tâm trạng người ta thay đổi, người ta "thiên vị" cho thời tiết. Ấy là vì người ta đang mong chờ cái mới mẻ, tốt đẹp hơn đang đến. Và trong lúc cái tâm người ta đang trùng lại ấy, việc thường làm nhất của đại đa số những người Việt, là đi lễ chùa...
Những ngôi chùa càng có tiếng thì những ngày đầu năm thường chật ních người. Có nhiều người thích hòa vào dòng người trảy hội chùa Hương, trảy về Yên Tử... Nhưng có những người, lại tìm về vùng quê, để đến những ngôi chùa làng. Dẫu ngày Xuân đang đến, dẫu không khí hội hè cũng đã rộn ràng, nhưng những ngôi chùa ấy, vẫn còn nguyên vẻ u tịch. Lác đác mới thấy bóng các bà các chị những tiếng lầm rầm khấn vái như một gia vị đủ làm người ta cảm thấy chốn thiêng vẫn có chút gần gũi với đời.
Với riêng tôi, dạo bước trên những lối đi mà rêu đang lên màu xanh dưới những hạt mưa tháng Giêng luôn đem lại những cảm xúc lạ kỳ. Cái rét đầu năm thường thì vẫn cứ ngọt lịm, nhưng khói hương tỏa ra từ những ban thờ Phật hòa vào sương khói của thiên nhiên làm ấm lên không gian của cửa thiền. Hẳn nếu một chỗ đông người, khó lòng được ngắm những khói cùng sương như tơ như lụa giăng trên những đầu đao, trên những lùm cây trong sân chùa như thế. Và cũng nhờ sự vắng vẻ thường thấy ở những ngôi chùa làng, mà lòng người mới tĩnh lại để ngắm nhìn sức sống của thiên nhiên. Những cây mộc vẫm đâm hoa trong cái giá rét, tỏa vào không khí hương nồng, và kia, những chồi non đang được thân cây mẹ gom sức đợi ngày bật lên...
Đôi lần trong những lúc như thế, tôi lẩm nhẩm lại câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: "Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai" để thử tìm ra cái vi diệu của câu thơ, bài kệ này. Phải chăng, khi đã "ngộ", thì dù xuân tàn, lòng người mai vẫn nở? Lại miên man nghĩ đến đạo - đời. Ở nhiều quốc gia, người ta tìm đến sự tu hành trên núi cao hay trong hang đá, lánh mọi sự đời. Còn ở đất Việt, có mấy nhà sư như thế? Các vị cao tăng xưa nay, thường không mấy khi lánh đời, mà nhập thế, để lo việc của thiên hạ. Thế mới biết, với người Việt, trách nhiệm với đất nước luôn được song hành với đạo pháp...
Trong cái dòng miên man suy nghĩ ấy, cái đích rốt ráo của những con người phàm tục, là nghĩ đến mình, đến những công việc thường ngày. Các cụ bảo, "tháng ăn chơi", nhưng chính các cụ cũng phê phán "Ăn no rồi lại nằm khòeo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem", mà trống chèo thường chỉ có ở lễ hội Xuân là gì. Tháng Giêng cho ta trùng lại, nói theo ngôn ngữ hiện đại, để xả "xì-trét", để sau đó mới có hưng phấn bắt đầu công việc của năm mới.