Mưa dầm miền Trung…

0:00 / 0:00
0:00

GN - Tôi dân chính gốc miền Trung, sinh ra, lớn lên nơi vùng đồng đất quê nghèo năm nào cũng có một mùa mưa lê thê tưởng như không bao giờ dứt. Miền Bắc có mưa phùn, miền Nam có mưa rào thì miền Trung cũng có “đặc sản mưa” riêng: mưa dầm!

Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây…

hue mua 1.jpg

Ảnh minh họa từ internet

Bốn câu thơ ấy của người thơ Nguyễn Bính đã ít nhiều khái quát được cảnh mưa dầm quê Trung. Mưa dầm quê Trung bắt đầu khoảng tháng 11 dương lịch. Sau những cơn giông đầu mùa mưa đất trời ngoằng ngoặc dọc ngang sấm chớp; sau những cơn bão thường niên mà miền Trung hay gánh chịu là gió bấc ào ạt đổ về kèm theo mưa dầm rỉ rả, lê thê. Mưa, mưa và mưa. Mưa kéo hết ngày này sang ngày khác. “Chiếc vung trời” úp thấp, xám xịt nặng nề ngao ngán một loài mây như lời thơ Nguyễn Bính. Và lạnh. Gió bấc về mang theo cái lạnh - ban đầu là se sắt rồi dần chuyển tái tê. Không sao! Lạnh - ít nhiều là dấu hiệu “báo yên” cho những thiên tai.

Ngày còn sống, cứ đến mỗi mùa mưa, bước sang tháng 11 mà chưa nghe trời trở lạnh là mẹ tôi lo lắng lắm. Mẹ hay bảo: Trời còn “rực” (tức nóng bức, ngột ngạt) là còn nguy cơ bão… Chính vậy nên mỗi khi nghe hơi lạnh đầu mùa lùa về theo gió bấc, đường nào mẹ cũng thở phào, chắp tay tạ ơn Trời Phật rất thành tâm! Ban đầu tôi không mấy tin; nhưng dần lớn lên, trải qua nhiều những mùa mưa quê Trung mới nghiệm ra rằng mẹ nói… gần đúng! Trở lạnh rồi là nguy cơ hứng bão xuống thấp; lâu lâu chỉ họa hoằn sót một cơn “bão rớt” mà đường nào cũng bị hóa giải nhanh bởi áp cao do không khí lạnh tràn về. Vậy nhưng không khí lạnh “đuổi” bão đi cũng lại mang mưa về đất quê Trung. Mưa dầm…

Ngày nhỏ, thấy mưa dầm là… mừng bởi biết sắp được hưởng rất nhiều cái thú: trời mưa mẹ không đi làm được nên sẽ ở nhà suốt, tha hồ lẽo đẽo theo bên “làm nhỏ” (nhõng nhẽo, mè nheo). Chưa hết, rảnh rỗi mẹ sẽ ra tay chế biến vài món ăn chơi khoái khẩu mùa mưa: đúc bánh xèo, rang bắp, làm bánh tai vạc, bánh ít trần và v.v… những món ăn mà ngày thường có muốn chiều con mẹ cũng “thua” bởi công việc bộn bề. Mùa mưa ăn cơm với mắm còn ngon huống chi là mấy món “thượng đẳng” kể trên?

Thử tưởng tượng cảnh mẹ con quây quần trong căn bếp mùa đông lửa hồng ấm sực trong khi bên ngoài rỉ rả mưa dầm hun hút gió bấc. Ấm áp, có món ăn ngon, lại còn có mẹ - đương nhiên lạc thú phải tầm sánh ngang với được lên… thiên đường! Lớn lên thêm chút, được cắp sách đến trường, mùa mưa dầm còn thêm cái thú được… đội mưa đi học. Quần xăn đến gối, sùm sụp áo mưa; vừa dò dẫm trên con đường lầy lội vừa lắng nghe tiếng mưa rơi bồm bộp trên đầu trên cổ trên vai, tận hưởng cái diệu kỳ của cảm giác đi về trong mưa mà không bị ướt mưa (?). Còn nữa, đêm về giấc ngủ cũng ngon hơn khi cuộn mình rúc sâu trong ấm áp chăn mền nghe bên ngoài rỉ rả tiếng mưa rơi. Mưa như điệu nhạc trời ru đứa trẻ thơ thiếp dần vào cõi mộng. Có lần tôi to nhỏ với chị Hai: Trông (mong) trời cứ mưa dầm miết thì hay chị Hai hen? Mẹ nghe, quát: Mưa hoài không đi làm được, tao rầu thúi ruột thúi gan bây trông cái nỗi gì!

Kịp tới khi tôi lớn để hiểu nổi vì sao mẹ “rầu thúi ruột thúi gan” thì mẹ đã không còn. Giờ tôi cũng hệt mẹ ngày xưa, sợ mưa dầm quá đỗi. Công việc buộc phải ngược xuôi ngoài đường, mùa mưa luôn “chịu trận” những cơn mưa dầm đuổi theo liên tu bất tận. Vậy nhưng đôi khi nhọc nhằn tạm ngơi đi, buổi sáng mùa đông ngồi quán cà-phê ngó mông lung ra đường không có mưa rơi tự nhiên thấy lòng nhơ nhớ…

Tạp bút Y Nguyên / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày