Mùa mít quê nội

GN - Mùa hè là dịp để chúng tôi được tha hồ thoải mái bên vườn cây của nội. Nhà nội trồng toàn là mít, nên mỗi dịp được trở về khu vườn ấy, anh em chúng tôi lại rộn ràng khôn xiết.

mit.jpg

Những cây mít to, bằng cả cái ôm của anh lớn, thân xù xì. Cứ độ hè về lại sai trĩu quả. Những hôm mới được nghỉ hè, quả mít chỉ bằng ngón tay cái, anh em hái xuống, làm một chén muối ớt. Cứ được quả nào là cắn đầu chuôi, chấm muối ớt, ăn ngon lành. Vị quả mít non chan chát, thơm thơm, quyến rũ đến lạ. Ăn xong mít non, thè lưỡi ra, đứa nào cũng đen ngòm một màu. Hết lượt mít non ở quanh gốc, anh em chúng tôi lại nhặt lá vàng làm con trâu kéo cày. Chiếc lá được tách làm hai phía trên đầu cuống để làm hai cái sừng.

Thân lá được buộc lại thành hình tròn làm thân con trâu, rồi luồn một sợi dây từ cuống lá chui qua cái thân. Vậy là đã có một con trâu, ngúc ngắc, ngúc ngắc cái đầu bởi sợi dây. Mấy anh em chơi cả buổi, xong nắng lên thì kiếm cây sào dài, cuốn cuốn mủ mít vào đầu mũi sào rồi đi bắt ve. Cứ đợi con ve say sưa hát hò, chỉ cần dí cây sào vào là nó dính ngay, không thể thoát được.

Rồi tới lúc mít to lên cỡ bằng cái bát tô đựng canh thì nội cắt xuống vài trái, làm sạch hết vỏ, băm nhỏ và cho vào hũ muối làm món nhút đặc sản quê nhà. Chỉ chừng hai hũ sành mít muối, anh em chúng tôi có món ăn đưa cơm hết luôn mấy tháng hè. Nhút xào với hành tăm, nhút nấu canh với tép, nhút làm nộm… đủ món nội làm khiến ba đứa say mê.

Những ngày ở quê với nội thật êm đềm. Sáng sáng tỉnh dậy đã nghe tiếng chim hót líu lo bên cửa sổ, ánh nắng chan hòa ngập tràn vào phòng. Không khí lành lạnh, man mát khiến chúng tôi khoan khoái dễ chịu. Suốt ngày chỉ quanh quẩn bên nội, rồi ra đồng bắt cua, chạy theo lũ trẻ ở quê chơi trò trốn tìm. Cả khoảng trời thơ bé thu gọn lại trong những tháng hè. Cảm giác ở quê, thời gian trôi thật là nhanh.

Thấm thoắt mít bắt đầu bói quả chín. Anh Hai cầm sào đi thị sát một vòng quanh vườn. Gõ lên từng trái một, trái nào nghe tiếng bịch bịch là trái đó có thể vào bụng ngon lành. Có khi cao quá không hái tới, anh hai tự trèo lên cây rồi ngồi trên đó chén một bụng no căng, xong mới bò xuống, nằm xả hơi trên chõng tre của nội. Khi ăn hết múi, những hạt mít được làm sạch, luộc chín lên. Cứ tối tối ba anh em lại quây quần bên nội, bóc hạt mít ăn và nghe nội kể chuyện thời xửa xừa xưa. Nội thường bắt đầu câu chuyện bằng một lời nhẹ nhàng, đầy ma lực. Thỉnh thoảng trong lời kể ấy, cứ rù rù vài chuyện tâm linh, làm anh em chúng tôi sợ té đái, trời hè mà cứ chui tọt vào chăn co ro vì sợ. Anh đẩy em, em đẩy anh, loạn hết cả một góc phòng. Nội cười hiền từ, móm mém nhai trầu. Bàn tay đồi mồi, ram ráp xoa lên đầu từng đứa một. Giấc ngủ ngọt ngào đến lúc nào không hay.

Dịch bệnh đến nhanh như một cơn lũ, nội ở quê cứ ngóng ra cửa chờ đợi. Ba anh em chúng tôi được nghỉ nhưng không được về, lòng nôn nao nhớ nội. Mỗi khi nội gọi điện lên, ba đứa lại xúm xít vây quanh chiếc điện thoại để được nhìn nội rõ hơn. Nội đi ra phía sau vườn, giơ chiếc điện thoại lên cho anh em chúng tôi nhìn vườn mít. Từng quả, từng quả xanh mướt, tròn căng, chỉ chờ tay người hái. Nội kêu “ráng qua mùa dịch rồi về với nội nghe, mâm cơm quê nhà lúc nào cũng sẵn sàng chờ các con”. Chúng tôi tắt máy, lòng đầy rưng rưng, nghẹn ngào. Cũng sắp tới hè rồi, lại đúng đợt cả nước đang gồng mình lên chống dịch. Anh em chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần để bắt tay vào việc học bù và ôn tập. Mùa hè năm nay chắc sẽ lỗi hẹn với nội, với vườn mít thân thương trĩu quả. Nhưng chúng tôi biết, nội vẫn sẽ luôn ngồi ở bậu cửa, chờ chúng tôi trở về.

Tản văn của Ngô Nữ Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày