Mùa thi, ba mẹ đồng hành với buồn vui của con

Giác Ngộ - Mặc thời tiết miền Trung mùa này nắng nóng như lửa, nhưng ở ngoài cổng các cụm thi, các bậc phụ huynh vẫn tập trung rất đông để "tiếp sức" cho con em mình... 

Bên ngoài các phòng thi, thấp thoáng những bóng dáng cha mẹ cả một đời cặm cụi chuẩn bị hành trang tri thức cho con cái mình. Trong đó có nhiều người mệt mỏi do thời gian chờ đợi con em mình thi khá lâu. Lang thang một ngày tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chúng tôi nhặt được những câu chuyện không rời xa chủ đề thi cử… 

Đi theo con những bước đầu đời

Nhiều phụ huynh đã ngủ trên những chiếc xe máy bên lề đường với những đống giấy lộn. Số khác "giết" thời gian bằng cách đọc báo hoặc ngồi tại các quán trà đá, cà phê vỉa hè, hay trên những đống vật liệu dang dở,... Ở một góc khác bên kia đường dưới bóng cây râm mát, những người đàn ông với khuôn mặt sạm lại vì nắng gió quê đồng đang chia nhau từng điếu thuốc, những câu chuyện không đầu, không cuối cũng vui vẻ cho thời gian chờ đợi. Khi chỉ còn ít phút nữa là hết giờ thi, đã có vài thí sinh lác đác ra ngoài.

Picture 263.jpg

Đi thi cùng con - Ảnh: H.C. - V.L.

Mọi ánh mắt đều hướng nhìn những thí sinh bước ra, các vị phụ huynh chạy lại vồ vập hỏi han chuyện đề dễ hay khó, rồi thẫn thờ lo lắng không biết con mình có làm được bài không. Mỗi lần như vậy, câu chuyện bị đứt đoạn trong vài phút rồi lại hào hứng sôi nổi như mới bắt đầu! Gần đó có những bà mẹ với khuôn mặt khắc khổ lặng lẽ nhìn vào trong khoảng sân trường thi vắng lặng, chỉ thầm mong con mình đỗ đại học, để thoát khỏi lũy tre làng, thoát phận đời lam lũ...

Không ồn ã như những bậc phụ huynh làm cha, thường tụ tập tại các quán trà đá vỉa hè bàn chuyện đầu ra khi sĩ tử trong phòng thi, câu chuyện của các phụ nữ chỉ là hạt lúa, củ khoai quê nhà, hay những chi phí đắt đỏ trong ngày ở thành phố mà với không ít người vẫn còn xa lạ. 

Trên những khuôn mặt hốc hác hằn rõ ánh mắt mệt mỏi của những người phụ nữ, họ thường ngồi lại với nhau thành một góc dưới tán cây hoặc lều trại của sinh viên tình nguyện. Trong những câu chuyện trong ngày chờ con thi xong, có cả mùa gặt, vụ cấy, và những khoản chi phí “vô tội vạ” một mình giữa chốn đông người xa lạ này.

Thử làm một phép tính đơn giản, với hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm nay, chí ít cũng phải có hơn một triệu phụ huynh đi theo, và cũng sẽ có hơn một triệu nỗi lo âu, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ khác nhau, nhưng lại giống nhau ở một điểm là nỗi niềm thấp thỏm đợi mong, hy vọng và chờ đợi một tương lai tươi sáng cho con cái mình. Sau mỗi buổi thi, những bước chân quê lại hối hả tìm con... 

Chị Lương, quê Bắc Trà My, Quảng Nam luôn miệng nhắc giá cơm đắt quá, chị không chịu nổi đành mượn nồi niêu của chủ nhà rồi góp gạo với mấy người cùng trọ nấu nồi cơm chung. Trong lưng vốn 2 triệu mang con đi thi, mới chỉ có 2 ngày đã tiêu tốn gần 500 nghìn đồng, chị bảo: “Với tôi, số tiền đó bằng cả tháng ở nhà”.

Trời miền Trung buổi chiều càng oi nóng, cảm giác khó chịu lên tới đỉnh điểm khi thí sinh bắt đầu bước vào giờ thi. Nhưng có lẽ, chính những câu chuyện không chủ đề rõ ràng, câu chuyện được đặt ra thì ai cũng có thể tham gia nên những câu chuyện như vậy kéo dài không dứt, để rút ngắn lại sự chờ đợi khó chịu trong cái nắng oi bức ồn ào và bụi bặm của chốn thị thành.

Đội nắng chờ con vượt vũ môn

Mặc cho cái nóng như thiêu như đốt, phụ huynh sĩ tử vẫn kiên trì bám trụ trường thi. Hình ảnh ấy làm nao lòng bao người đi đường. Đằng sau cuộc hành trình vượt vũ môn của sĩ tử, luôn có những hy sinh lặng thầm vì tương lai của con mình. Các bậc phụ huynh đưa con em đi thi, đều cố gắng lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, lo chuyện cơm nước, chuyện sức khỏe để con mình có sức làm bài thi. Còn về phần mình thì chẳng ai có thể ngủ được vì lo lắng. 

Trong mỗi buổi thi, họ âm thầm bám trụ suốt 3 tiếng đồng hồ, trông con hết đứng lại ngồi, mắt các bậc phụ huynh không lúc nào rời khỏi cổng trường thi chỉ với một nỗi thấp thỏm: “Không biết con có làm được bài không?”. Vẫn biết sức khỏe là vàng, nhưng họ không ngại nắng mưa, chúng tôi thấy họ ngồi giữa trời nắng gắt, họ ngồi bất kỳ đâu, lề đường hay góc tường. Lòng cha lo lắng trăm bề, lòng mẹ cũng ngổn nang mọi mối, đợi con hết đứng lại ngồi, chỉ chờ mong nụ cười trên mặt con sau mỗi buổi thi.

Picture 266.jpg
Chỉ có cha mẹ mới có sự kiên nhẫn chờ con hàng giờ trước cổng trường thi,
bên những hàng quán nơi phố lạ như thế! - Ảnh: H.C. - V.L.

Bác Hoàng Vũ Lập, quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, lặng lẽ ngồi đợi con trong một góc khuất gần trường thi: “Chẳng biết trong đó nó làm bài được không. Hai cha con trong quê lặn lội vào đây thi, mới ba bữa tốn hơn nửa triệu bạc rồi. Biết là đi hai người tốn kém lắm, nhưng phải theo động viên con, lạ nước lạ cái có cha có con vẫn hơn. Từ đầu năm đến giờ tôi đi làm phụ hồ chắt chiu lộ phí cho con đi thi. Chi tiêu cả nhà thì trông vào tiền bán lúa sào ruộng con ở nhà. Hắn không học được thì thôi, chớ đậu được học được, cầm nhà tui cũng lo cho hắn đi học” - bác Lập chia sẻ khi ánh mắt luôn hướng về phía cổng trường.

Bác Nguyễn Thị Hoà cùng cô con gái là Huỳnh Thị Cẩm, từ Đức Phổ, Quảng Ngãi ra thì kiên trì bám trụ suốt 3 giờ đồng hồ trước cổng trường thi, bởi nỗi lòng người mẹ người cha nào cũng giống nhau: “Đứng đây đợi cho yên lòng, chớ về nhà trọ đợi cũng giống như đứng ngồi trên đống lửa!”.

Một góc xa là hai ông bố, bác Đông (quê ở Quế Sơn, Quảng Nam ) và bác Xuân, từ huyện Anh Sơn, Nghệ An đưa con vào thi ngồi ngay trên vỉa hè ngóng con. Dường như cái nắng nóng như thiêu đốt của trời trưa miền Trung chẳng có chút đáng bận tâm nào trong lòng những người làm cha làm mẹ. Hai bác nhanh chóng làm quen, và câu chuyện chỉ xoay quanh một chủ đề ruộng vườn được mất, rồi chuyện con cái học hành mà lúc nào cũng lo “chẳng biết đề dễ hay khó”… 

Bác Xuân lo lắng: “Mong nó đậu năm nay. Chứ sang năm thấy bảo thi cử còn khó khăn nhiều hơn nữa. Nhỡ hỏng thì sang năm chả biết thế nào”…

Thử làm một phép tính đơn giản, với hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm nay, chí ít cũng phải có hơn một triệu phụ huynh đi theo, và cũng sẽ có hơn một triệu nỗi lo âu, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ khác nhau, nhưng lại giống nhau ở một điểm là nỗi niềm thấp thỏm đợi mong, hy vọng và chờ đợi một tương lai tươi sáng cho con cái mình. Sau mỗi buổi thi, những bước chân quê lại hối hả tìm con... 

Không biết, các em có hiểu rằng: mình chính là tương lai, là khát vọng thoát nghèo của mẹ cha, sống cuộc đời nông dân lam lũ...

Cảm ơn mùa thi

Cảm ơn mùa thi vì mùa thi đã dạy cho tôi bài học về tình người vì bất kỳ ở đâu có điểm thi, có thí sinh lặn lội đường xa, từ quê lên phố đi thi là lại có những bàn tay sẵn lòng chìa ra tiếp sức. Đặc biệt là những người trẻ, những bạn sinh viên đã hòa vào mùa thi trong màu áo xanh tình nguyện, sẻ chia với những ước mơ của đàn em…

Picture 272.jpg    Picture 2751.jpg

Ngóng con - Ảnh: H.C. - V.L.

Cảm ơn mùa thi đã dạy tôi bài học về tình mẹ con, cha con khi ở đâu đó, trên những trang báo, mạng internet lại có những hình ảnh ba mẹ chờ con đi thi với đủ cung bậc: lo lắng, chờ đợi, vỡ òa cùng con... Trong những hình ảnh ấy, tôi bắt gặp có người cha khăn gói từ Bắc vào Nam để “đi thi” cùng con, có bà mẹ miền Trung phải bán mấy chục ang lúa để đưa con đi “vượt vũ môn”. 

Thương lắm và cũng trân trọng lắm, bởi từ tình thương hôm nay của các bậc làm cha, làm mẹ sẽ nuôi lớn niềm tin, ý chí trong những người con - lớp trẻ mới lớn lên. Để rồi từ “chiếc nôi” đầu đời này họ sẽ bước vào đời bằng sự vững chãi, thành đạt và ra sức giúp đời, giúp người…

BỐI BỐI


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày