Mùa xuân nói chuyện văn hóa tâm linh

GN - Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt thật phong phú và sinh động. Có thể nói mỗi một vùng miền, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi dòng họ lại có những phong tục tập quán, lễ hội, những quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Và mỗi quan niệm, ý niệm tâm linh ấy lại thường xuất phát từ thế giới thần linh mà họ ngưỡng vọng.

Điểm qua những nét khái quát về đời sống văn hóa tâm linh của một vài dân tộc, vùng miền có thể cho ta cái nhìn toàn cục về một nền văn hóa đặc sắc, giàu sức sống của một dân tộc với 4.000 năm lịch sử, dẫu bao sóng gió chông gai, kẻ thù hòng muốn đồng hóa vẫn không lung lay khuất phục...

le chua 2.jpg

Một mùa xuân mới lại về, mùa của lễ hội, của những sinh hoạt tâm linh sống động

Với dân tộc Kinh ở hầu hết các vùng miền trong nước, tín ngưỡng dân gian truyền thống là phong tục “thờ cúng tổ tiên”. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ xa xưa trong lịch sử gắn với truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy từ thời đại Hùng Vương. Và ngày nay trải qua bao thăng trầm lịch sử đã được nâng lên thành Đại lễ Quốc gia (Quốc lễ): Giỗ Tổ Hùng Vương mà chúng ta vừa được tổ chức Liên Hiệp Quốc công nhận tín lễ thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại...

Với người Kinh (người Việt chiếm đại đa số), bàn thờ gia tiên là nơi trang trọng nhất, thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình, dòng họ. Rồi cứ ngày lễ Tết truyền thống, ngày rằm mồng một (chủ yếu ở các tỉnh miền Nam) hay là ngày húy kỵ, giỗ chạp, người ta thường có hoa quả, mâm cơm cùng hương khói thắp lên nghi ngút nhớ thương.

Trong khi đó, các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc hay miền Trung cũng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm màu sắc thần thoại. Nhìn chung, mỗi một dân tộc thiểu số lại có nghi lễ và cách thức, quan niệm khác nhau trong đời sống tâm linh. Người H’Mông ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) là một trường hợp khá tiêu biểu, một ví dụ cụ thể. Với người H’Mông ở Suối Giàng thì “khái niệm về tổ tiên và thờ cúng tổ tiên không rõ nét, người H’Mông không làm bàn thờ tổ tiên riêng biệt và thờ cúng hàng ngày như người Kinh...” (theo tạp chí Văn hóa các dân tộc, số 12 - 2011).

Song cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, có lẽ trong tâm thức của người H’Mông vẫn luôn có ý niệm về thế giới tổ tiên ông bà nơi chín suối như một điểm tựa tinh thần cho con cháu có bổn phận thờ cúng để còn thể hiện lòng hiếu thảo. Phải chăng thế mà họ có những quy ước nhất định, chẳng hạn, riêng với “họ Thào thờ người thân tới đời thứ 5”. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng như các dân tộc thiểu số khác là một yếu tố tâm linh thuần khiết, một biểu hiện sinh động của đời sống văn hóa tâm linh. Và trong tâm thức của người Việt đã thành nếp nghĩ, nếp sống, nếp sinh hoạt khá đặc sắc có tính nhân văn trong đời sống tinh thần của dân tộc, góp phần làm nên bản sắc, diện mạo văn hóa của dân tộc Việt Nam suốt 4.000 năm văn hiến.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Kinh và số một dân tộc thiểu số khác ở miền núi phía Bắc, miền Trung hay miền Nam, với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thế giới tâm linh trong ý niệm của họ là Giàng (trời) cùng các vị thần mặt trời, thần sông, thần núi... (Giàng trong ý niệm, quan niệm của đồng bào Tây Nguyên hẳn khác với Chúa Trời theo niềm tin con chiên của đạo Thiên Chúa). Từ ý niệm thần linh ấy mà trong đời sống dân gian luôn gắn liền với những sinh hoạt văn hóa lễ hội đậm chất tâm linh, giàu liên tưởng mà chất phác mộc mạc (lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng...).

Nếu lễ cúng Giàng, lễ cầu mưa, cúng cơm mới,... đậm chất dân gian cùng dấu ấn niềm tin và ước vọng về một cuộc sống bình yên, sức khỏe, ngô lúa đầy nương thì lễ hội cồng chiêng hay những đêm kể khan (Sử thi) lại giàu chất suy tưởng, chất nhạc, chất thơ của một vùng văn hóa sử thi sống động, hẳn là có một không hai trong đời sống văn hóa dân gian của các tộc người Tây Nguyên. Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa - lễ hội đặc sắc, một diện mạo đời sống tinh thần trẻ trung và giàu sức sống, sức lan tỏa, góp phần làm nên những nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc trong quá trình lịch sử cũng như hội nhập ngày nay.

Nói đến đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc không thể không nói đến đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân các tỉnh đồng bằng duyên hải. Với đặc điểm địa lý của một quốc gia có bờ biển dài hơn 3.000m, lại có nhiều cảng lớn, cảng nước sâu - nơi trung chuyển ra vào của nhiều tàu thương mại nước ngoài cũng như nền kinh tế biển đang ngày càng được chú trọng phát triển, ngư dân nước ta nói chung và ở các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng vốn có đời sống tâm linh với những lễ hội đặc sắc sinh động.

Cuộc sống của họ luôn gắn liền với biển cả, với những vui buồn từ những chuyến ra khơi. Biển cả cho họ nhiều cá tôm, cả sự giàu có mà cũng lấy đi nhiều thứ, kể cả tính mạng con người. Trước biển cả vô tận, con người quả là bất lực và nhỏ nhoi như hạt cát. Nhưng chưa bao giờ hết niềm tin và ước vọng! Và điều ấy được thể hiện qua những lễ hội đặc sắc của ngư dân miền biển. Đó chính là tín ngưỡng thờ cá voi/cá ông và lễ hội Cầu ngư. Khánh Hòa là một trong những địa phương tiêu biểu với lễ hội Cầu ngư cùng tín ngưỡng thờ cá voi/cá ông. Trong tâm thức của ngư dân vạn chài, làng biển vẫn xem cá ông là con vật thiêng phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày, nhất là khi biển động thuyền chìm. Đây là con vật có đặc điểm “... đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc cạn...” (theo ThS.Nguyễn Duy Trường, tạp chí Công tác Tôn giáo số 6, 6 - 2011). 

le chua 1.jpg

Thiếu nữ đi chùa ngày xuân - Ảnh minh họa

Trong thực tế, cá ông từng giải cứu cho biết bao người gặp nạn khi đi biển, cho họ cơ hội thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Chính vì thế, càng tin vào sự phù trợ của cá ông, ngư dân lại càng tổ chức việc thờ cúng trang trọng, thành kính. Có lẽ lễ hội Cầu ngư - nghênh Ông đã có từ xa xưa trong lịch sử khi gắn liền với nghề khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta. Trong cuộc sống lao động, sinh hoạt của mình, họ coi cá ông như một vị thần độ mạng, một chỗ dựa tinh thần quý giá. Và người ta đã lập lăng để thờ cúng, gọi là Lăng Ông. Được biết, hiện ở Khánh Hòa có khoảng 50 Lăng Ông dọc theo các huyện, thị ven biển như Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh,...

Có thể nói, lễ hội Cầu ngư - nghênh Ông là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của ngư dân vạn chài, làng biển nước ta, vừa minh chứng cho đời sống văn hóa tinh thần sinh động, giàu sức sống, vừa thể hiện ước vọng to lớn của nhân dân trong đời sống lao động và mưu sinh đầy bất trắc của mình. Và đây chỉ là một vài sinh hoạt mang yếu tố văn hóa tâm linh của một số dân tộc, vùng miền trong cả nước.

Bên cạnh tính tích cực, thuần phong của đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, đã có những biểu hiện tiêu cực, thái quá trái với quan điểm, đường lối xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “... tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.

Có thể nói, mặt trái của kinh tế thị trường là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát, thiếu tính thiện,... Và chính điều ấy là mầm móng của những ngờ vực, thiếu niềm tin vào thực tại cuộc sống, dọn đường cho người ta tìm đến thế giới ảo hay thế giới tâm linh với niềm tin mơ hồ về đấng siêu nhân mới có thể hóa giải những khó khăn, bất trắc hoặc có khi lại là những ước vọng xa vời không xuất phát từ nhu cầu đời sống thực mà xuất phát từ lòng tham, sự ghen ghét vô lối của con người. Và điều ấy cũng cắt nghĩa phần nào là vì sao ngày càng có nhiều người đi lễ chùa không vì mục đích tu học mà chỉ để cúng vái; rồi còn đi xem bói, xem số, thậm chí còn tin vào những điều nhảm nhí mà kẻ xấu đã biết lợi dụng sự cả tin của một số người để trục lợi như chữa bệnh không cần dùng thuốc mà chỉ cần ấn nhẹ vào người hay chỉ uống nước rồi đọc câu thần chú,...

Một trong những biểu hiện tiêu cực, thái quá đáng kể trong đời sống tâm linh những năm gần đây là người ta đốt nhiều đồ mã, vàng mã tại các đền chùa miếu mạo có đặt am thờ hoặc trong nhiều gia đình dòng họ, nhất là vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Điều muốn nói, người ta chỉ biết cầu mong cho riêng mình mà quên đi cái lợi chung hay là những tác động xấu tới cộng đồng (mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người,...).

Như vậy, đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, thái quá ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống dân tộc, nhìn chung là lành mạnh, tích cực với những mỹ tục thuần phong thật đáng trân trọng. Chính những mỹ tục thuần phong ấy là căn cốt của đời sống tinh thần, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, của sức sống dân tộc trong tiến trình lịch sử với những ước vọng, niềm tin vào thế giới tâm linh vừa gần gũi mà cũng thật xa vời.

Một mùa xuân mới lại về, mùa của lễ hội, của những sinh hoạt tâm linh sống động. Một đời sống văn hóa tâm linh đẹp đẽ luôn là thông điệp muốn gửi tới mỗi một mùa xuân sang. Và nhiệm vụ của chúng ta, trước hết là của cơ quan chức năng là cần làm gì để hạn chế những mặt tiêu cực trong đời sống tâm linh. Đồng thời phát huy hơn nữa những ảnh hưởng tích cực từ những mỹ tục thuần phong để góp phần xây dựng một đời sống văn hóa lành mạnh, giàu ý nghĩa nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày