Mùa xuân tảo mộ

Tảo mộ ngày xuân - nét đẹp văn hóa của người Việt - ảnh Tuổi Trẻ
Tảo mộ ngày xuân - nét đẹp văn hóa của người Việt - ảnh Tuổi Trẻ

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh...

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

 Những ngày cuối năm trong cái không khí se se lạnh của trời đất chuyển mùa, khi từng làn gió xuân trở lại vuốt nhẹ qua môi, qua má, mấy câu thơ của nhà thi hào xưa bỗng chợt hiện về. Mới nhớ làm sao những ngày Tết quê nhà, nhớ làm sao không khí sum vầy vào ngày đầu xuân, mấy anh chị em trong gia đình cùng đi tảo mộ ở mảnh vườn nhỏ sau nhà.

Gia đình tôi cũng người gốc quê. Má tôi lấy chồng rồi về thành phố sinh sống, làm việc nên ba chị em tôi sống ở thành phố là chính. Chỉ có gia đình ông cậu ruột là sống ở quê, canh tác, chăn nuôi trên mảnh đất ông bà để lại, hưởng luôn phần đất hương hỏa, nơi chôn cất mọi người trong dòng họ.

Trên mảnh đất làm khu mộ này, ông bà ngoại, má, dì, cậu mợ tôi đã cùng yên nghỉ từ nhiều năm nay. Mấy đứa em con cậu lớn lên, đứa nào cũng ăn nên làm ra nên ra công chăm sóc khu mộ gia đình chỉn chu lắm. Tiết Thanh minh hằng năm, dù mấy đứa ở thành phố có về hay không, mấy đứa em ở quê cũng quét vôi, làm cỏ mộ và cúng bái đều khắp các mộ. Đặc biệt là ngày Tết, đúng ngày mồng một, anh em chúng tôi dù ở đâu cũng cố tìm về quê, tảo mộ ông bà cha mẹ và ăn bữa cơm sum họp đại gia đình cùng nhau. Đứa con gái lớn của ông cậu tôi thường nói: “Thanh minh mình cúng theo Trung Quốc, còn Tết mình cúng theo tục lệ người Việt mình. Cũng phải cho ông bà ăn Tết nữa chứ”. Ấy vậy là cùng với việc thắt mấy dây nơ đỏ thắm khắp các cành cây trước nhà cho “cây ăn Tết”, mấy đứa em con cậu tôi chuẩn bị mọi thứ để cả nhà “Tảo mộ ngày xuân”.

Sáng sớm mồng một, anh em con cháu tề tựu đủ mặt, mỗi người một thứ, tay xách tay mang đồ lễ ra mộ. Mười mấy ngôi mộ gia đình đã được thằng em họ quét vôi sạch sẽ mấy ngày trước đó, con đường ra mộ cỏ mọc um tùm cũng được nó làm sạch. Mỗi đứa chỉ ngồi xuống trước mộ, nhổ những cọng cỏ loe hoe còn sót lại rồi bày đồ cúng, thắp hương khấn vái trên tất cả mộ phần.

Đồ cúng trước mộ cũng đơn giản thôi, khi còn sống người đó thích ăn gì thì khi mất con cháu nhớ cúng món đó. Bởi vậy, trước mộ má tôi thường là bánh patéchaud, bánh sữa trong khi mộ bà ngoại là mè láo Vũng Thơm, bên mộ cậu mợ là bánh tét, bánh pía... Ngồi trong hương nhang nghi ngút, thơm lừng, mấy anh em hàn huyên bao chuyện chưa nói được trong năm. Những tất bật thường ngày khiến anh em lâu ngày không gặp, không thân thiết gắn bó như thời trẻ thơ nhưng tôi biết, tận trong lòng chúng tôi, chốn quê xưa vẫn nằm đó trong tim như sợi lạt mềm buộc chặt từng đòn bánh tét ngày nào cả bọn cùng ngồi canh lửa những đêm giao thừa năm cũ.

Cúng xong, bao giờ thằng em tôi cũng đốt ít giấy tiền vàng bạc và đốt cho mỗi người một bộ quần áo, có bộ đàn ông, bộ đàn bà riêng biệt. Nó còn ghi tên họ, năm sinh, năm mất vào những bộ đồ giấy để “khỏi lẫn lộn”.

Ngày Tết Nguyên đán, buổi sáng đầu năm, chúng tôi ngồi đó, quanh phần mộ gia đình, cùng nhau “ôn cố tri tân”, cùng nhau nhớ lại bao kỷ niệm một thời qua, lòng nhẹ tênh trong không khí đầm ấm thân thương. Được đón mừng năm mới như thế, chẳng phải hạnh phúc lắm sao?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày