Mùa xuân xuất trần…

GN - “Thuở bé chưa từng rõ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng”.

(Điều ngự Giác hoàng - Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm)

Vậy là đã bảy mùa xuân tôi được sống trong cửa thiền, đầy hỷ lạc, an vui. Bảy lần xuân không phải là dài, đó chỉ là một con số lẻ, dường như mới hôm qua nhưng đọng lại trong tôi biết bao hoài niệm, ký ức.
111.jpg
Có duyên với cửa Thiền - Ảnh minh họa

Bảy năm trôi qua, bảy cái Tết tôi được sống trong nhà thiền cũng là bảy cung bậc cảm xúc khác nhau. In đậm sâu trong tâm trí là cái xuân đầu tiên, xuân mà tôi rời nhà vô chùa để thực hiện ước mơ của mình.

Ngày Đà Lạt bắt đầu với những cơn gió lạnh cuối năm, tôi xin gia đình cho đi tu, nội và cô đều không đồng ý nhưng tôi đã tự ý về chùa xin thầy: cho con xuất gia. Ngày 30 Tết, vì tôi là Phật tử đi chùa lạy Phật đã nhiều năm, rành rẽ kinh kệ và quyết tâm xuất trần quá mạnh nên thầy quyết định cho xuống tóc xuất gia, cạo bỏ tóc xanh trên mái đầu, khoác lên mình chiếc áo của người xuất sĩ. Tối giao thừa hôm ấy, với tiếng chuông trống Bát-nhã hùng tráng đón giờ phút chuyển giao tiếp nối của năm cũ sang năm mới, thầy đã làm lễ thế phát cho tôi. Khi đó, tôi nghe rõ giọng trì bài kệ trầm bổng của các sư anh:

“Cạo sạch mái tóc
Nguyện cho mọi người
Dứt hết phiền não
Độ thoát cho đời”.

Giây phút ấy thiêng liêng làm sao, không một ngòi bút nào có thể tả được cảm giác ấy, chỉ những ai đã trải qua giây phút được thế phát mới nhớ mãi về giây phút đó. Nhưng khi đến đoạn thầy nói: “Con quay về hướng Tây bái vọng kính lễ Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc lần cuối” - thì tôi đã khóc, khóc vì tủi thân - hôm nay là ngày quan trọng nhất cuộc đời nhưng bên cạnh không có ai là huyết thống, không bóng dáng người thân. Tối ấy, tôi tràn ngập trong nước mắt, một phần vì hạnh phúc và phần vì tủi thân, hai cảm xúc ấy hòa lẫn vào nhau. Sư anh là người an ủi, chỉ dẫn cho tôi lúc đó, rằng con đường phía trước của người xuất sĩ - con đường ấy dài và phải gặp nhiều việc khó vượt qua hơn là chuyện tủi thân, mặc cảm. “Chúng ta phải vượt qua được cảm xúc thường tình chi phối bản thân mình để hướng đến một con đường phụng sự phía trước”, sư anh nói.

*

Sáng mai thức dậy, chào đón ngày đầu tiên của một năm mới, tôi thấy lạ lạ, vui vui khi mọi người gọi mình là “Chú” - một cách gọi thân thương đối với người mới xuất gia. Rồi tôi được nhận lì xì, mấy cô Phật tử vui lắm vì chùa có thêm thành viên mới. Tôi cũng dần quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ nội, nhớ cô, thay vào đó là tình cảm của thầy, của các sư anh. Đó là cái Tết đầu tiên nơi cửa thiền của tôi, bảy năm đã trôi qua và chắc là sẽ không bao giờ quên được...

Thích Chơn Pháp
(Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt
 - tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi viết Bến bờ nhân gian)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày