Mừng xuân, nói về nghệ thuật múa lân sư rồng

GN Xuân - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngoài những hoạt động mừng xuân như chợ hoa, viếng cảnh chùa, hành hương thập tự…, có một sinh hoạt theo tập quán người Hoa cũng rôm rả không kém, đó là những màn trình diễn nghệ thuật của các đoàn lân sư rồng trong và ngoài thành phố.

mualan (2).jpg
Hình ảnh quen thuộc ngày xuân


Hầu hết hiện nay, ngoài việc tập trung ở TP.Hồ Chí Minh, các quận, huyện đều có các đoàn múa lân lớn nhỏ tùy theo quy mô đầu tư. Trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao TP có các đoàn nghệ thuật lân sư rồng như Đoàn Thắng Đường (Q.11), Tinh Anh Đường (Q.11), Đoàn Nghĩa Đường (Q.10), Nhơn Nghĩa Đường (Q.11)…

Một trong các đoàn nghệ thuật trên đã từng đoạt nhiều giải thưởng của cuộc thi cấp thành phố là đoàn nghệ thuật lân, sư, rồng Đoàn Thắng Đường. Được thành lập vào năm 1982, Đoàn Thắng Đường do ông Giang Trí Văn, người Quảng Đông phụ trách điều hành sinh hoạt.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, ba con lân (kỳ lân); sư (sư tử) và rồng đều là những con linh vật mang nét hùng mạnh, may mắn tròn đầy và cát tường như ý. Trong những ngày trước và trong Tết, phải múa đủ bộ 3 con để mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ. Một đoàn lân sư rồng phải có 60 người trở lên và chia theo từng tốp để hoạt động gồm: tốp múa mai hoa thung, tốp trống hội, tốp sư tử hí cầu, tốp rồng và tốp lao động phổ thông. Trong các tốp trên, tốp múa mai hoa thung là tiết mục “đinh” nhất, nguy hiểm và tốn hao công sức nhất.

Mai hoa thung (cọc gỗ mai hoa) là một công phu tập luyện của võ thuật Trung Hoa, xuất xứ từ Ngũ Mai lão ni thuộc Thiếu Lâm tự. Mai hoa thung ngày nay được biến tấu để phù hợp trong biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng. Để biểu diễn thành thục, người múa phải trải qua quá trình khổ luyện rất lâu, với tiêu chuẩn sức khỏe dẻo dai, chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt và nhất là thần kinh phải vững vàng trước những đe dọa của tai nạn nghề nghiệp như bể đầu, gãy tay… nếu sơ suất nhỏ xảy ra. Con lân múa trên dàn mai hoa thung là lân lông trắng, kim sa bạc. Phải là lân lông trắng vì đó là con lân đã già, có kinh nghiệm, có “đủ tuổi” chinh phục mai hoa thung. Hình ảnh con lân trắng với 2 người múa rất uy nghi, dũng mảnh trên mai hoa thung cho người xem cảm nghĩ con linh vật đang vượt núi mang tài lộc về cho gia chủ.

Thông thường, chương trình múa lân sư rồng chuyên nghiệp gồm: Biểu diễn mai hoa thung; trống hội mừng xuân, tứ quý lân, múa rồng nghệ thuật, biểu diễn khí công, rồng lân cây pháo hoa, song lân lên cột và cuối cùng là tụ hội tất cả con vật chúc mừng xuân mới. Tất cả các tiết mục biểu diễn thường trong vòng 2 giờ là kết thúc.

Đoàn nghệ thuật Đoàn Thắng Đường đã múa biểu diễn phục vụ cho khánh thành các công trình nhà nước, múa khai trương siêu thị AEON Nhật (Tân Phú), đoạt giải lân sư rồng ở Parkson Lê Đại Hành (Q.11)... Mỗi cuối năm, một số doanh nghiệp, mạnh thường quân đều tập họp lại để tặng 10 con rồng, 20 con lân và 1 cặp sư tử cho Đoàn Thắng Đường. Sau đó, ông Giang Trí Văn sẽ tổ chức khai quang điểm nhãn cho tất cả những con vật này bằng cách thỉnh châu sa từ Bà Thiên Hậu, sau đó trao cho các mạnh thường quân điểm nhãn nhằm mang đến những linh khí cho những linh vật. Từ khi khai quang điểm nhãn đến lúc đầu các con vật hư hỏng là khoảng 2, 3 năm, cần phải thay mới hoàn toàn. Và nguồn tạo ra sản phẩm mới từ đâu, chúng tôi sẽ đề cập bên dưới.

Sau khi biểu diễn, thời gian còn lại các thành viên trong đoàn làm gì? Điều này, Đoàn Thắng Đường đã giải quyết công ăn việc làm cho thành viên bằng cách tổ chức dạy nghề làm lân, sư, rồng cho họ nhằm đảm bảo một phần đời sống cá nhân. Những sản phẩm làm ra được bán tại Việt Nam và xuất khẩu qua Singapore, Mã Lai, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và Mỹ.

Nghề làm lân sư rồng

Các con trai ông Giang Trí Văn đều theo nghề của cha, cho đến 30 tuổi là phải “về hưu”, tức là không được múa nữa. Giang Vi Viên năm nay 33 tuổi là một trong số đó. Sau khi không múa nữa, Viên đã là nghệ nhân chuyên tạo tác đầu lân, sư, rồng. Viên tâm sự: “19 năm trước, tôi 14 tuổi, khi đó cha tôi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu đầu lân, sư, rồng cho các khách nước ngoài vì làm không kịp, tôi bức xúc xin ba tháo cái đầu lân ra để quan sát và tập làm. Hồi đó, không có vật liệu mây, chỉ chuốt tre để làm khung sườn, những con lân đầu tiên phải bỏ vì còn vụng về, chưa sắc sảo. Đến con lân thứ tư thì tôi thành công, có nghĩa là xuất khẩu được”.

mualan (3).jpg


Rồng múa cột - Ảnh: Trần Công Đức

mualan (4).jpg
Giang Trí Văn đang hình thành đầu rồng - Ảnh: Trần Công Đức

Một cái đầu lân khi tạo tác qua những công đoạn như tạo khung sườn, dán vải mùng với giấy trộn keo, kế đến là vẽ và cuối cùng là lên lông, râu cho con vật. Một cái đầu lân kích thước đường vòng phải chuẩn là 138cm, làm hoàn chỉnh mất từ 8 đến 10 ngày. Con số 138cm là con số “hên” theo người Trung Quốc trong việc thiết kế đầu lân, tức là cái đầu lân phải lọt xuống hai vai người múa. Một cái đầu lân khi tạo tác phải làm thành nhiều bộ phận rồi sau đó mới ráp lại thành phẩm, vì vậy công việc rất tốn công sức và phải kỳ công tỉ mỉ vô cùng.

Còn về rồng, Giang Vi Viên cho biết mỗi năm phải làm 2 kiểu rồng mới để thu hút khách. Độ dài nguyên con rồng là 18,3m (theo tiêu chuẩn quốc tế) gồm đầu rồng, thân bằng vải và đuôi rồng. Trong tiết mục múa leo cột của rồng, lân, cây cột cao nhất là 12m và thấp nhất là 9m.

Trong sở thích và thưởng thức nghệ thuật, không có sự phân biệt cao hay thấp và đúng hay sai. Xã hội có những tầng lớp khác nhau và mỗi tầng lớp đều có “khẩu vị” riêng trong thưởng ngoạn. Dầu vậy, nghệ thuật múa lân sư rồng là loại hình nghệ thuật phục vụ hội hè, lễ Tết… mang tính đại chúng và có lịch sử riêng với truyền thuyết riêng, nên được công chúng đa phần theo dõi thích thú xen lẫn hồi hộp, nhất là màn múa mai hoa thung hay múa leo cột của rồng, lân. Những tiết mục trong nghệ thuật múa lân sư rồng đều mang đậm tính dân gian và trên hết là toát ra không khí sinh hoạt của ngày lễ, hội, mang đến niềm vui tươi, phấn khởi trong những ngày đón xuân về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày