Mứt Tết không bình ổn

GN - Cầm cọng mứt dừa non có màu trắng trong, thơm mùi sữa tươi, chị Oanh đưa lên đầu lưỡi nếm thử rồi gật gù tâm đắc. Chị đưa tay mân mê những viên mứt me mềm dẻo, mứt khoai lang thì có màu đỏ cam nguyên thủy rất đẹp. Chị bảo, năm nào cũng vậy, cứ mồng 5 tháng Chạp, chị đến tịnh xá Ngọc Phương mua mứt Tết, một phần để dành cúng tất niên, giao thừa, phần còn lại gia đình ăn lai rai… 

Nguyên liệu tăng giá

Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường bánh mứt Tết đã vào mùa cao điểm, tuy nhiên qua khảo sát ở một số chợ tại TP.HCM, nhiều tiểu thương cho biết sức mua vẫn còn yếu. Bánh mứt Tết là thị trường có thể bùng phát sức mua trong những ngày cuối năm, thế nhưng, ở một phân khúc nhỏ của thị trường, bánh mứt Tết do cơ sở của chùa sản xuất đã vào “mùa sôi động”.

H3.JPG
Mứt gừng, me chua cay là "đặc sản" tại tịnh xá Ngọc Phương

Theo các chủ sạp bánh mứt tại chợ Thái Bình, quận 1, TP.HCM, giá bánh mứt Tết trên thị trường năm nay tăng cao hơn năm trước từ 5% đến 20%. Nếu như ngoài thị trường, khách hàng còn phân vân chưa mua nhiều bởi chất lượng “bất ổn”của sản phẩm bánh mứt Tết truyền thống, thì những khách hàng quen ở những ngôi chùa sản xuất bánh mứt không ngại mua sớm hơn.

Nguyên nhân chính của sự thu hút này do một số cơ sở sản xuất nhỏ tại các tự viện TP.HCM giữ uy tín, chất lượng cho sản phẩm, nguyên liệu trượt giá nên các cơ sở chỉ sản xuất với số lượng có hạn.

NS.Thích nữ Tuấn Liên, chủ cơ sở bánh mứt Ngọc Phương (tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, giá đường năm nay nằm trong danh sách “bình ổn giá” nhưng một số nguyên liệu tươi sống thì giá tăng rất cao. Muốn giữ được uy tín, bắt buộc cơ sở phải sản xuất sản phẩm chất lượng nên phải mua nguyên liệu chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

BM (1).jpg
Bánh mứt Ngọc Phương rất được người tiêu dùng ưu chuộng

Trên thị trường hiện nay, giá củ năng tươi tăng gấp 10 lần, giá gừng tươi tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Năm nay, nguyên liệu bí, khoai lang giá ổn định, hạt sen không tăng giá nhiều, bột mì không tăng giá tuy nhiên vừa qua thông tin bột mì trên thị trường có hóa chất nên Ngọc Phương phải đặt mua bột mì chất lượng cao từ miền Bắc và phải “đội” thêm phí vận chuyển. Ni sư cũng cho biết, có nguyên liệu phải hút chân không dự trữ từ tháng 9 ÂL vì càng gần đến cuối năm giá càng tăng cao.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số thị trường bánh mứt Tết, giá bánh mứt tại các tự viện có một số sản phẩm Tết nhỉnh hơn bên ngoài. Tuy vậy, khách hàng đến đây mua sản phẩm, đa số là khách hàng thân quen nhiều năm liền, khách hàng là Phật tử nên vẫn chọn mua vì sự tin tưởng và uy tín của cơ sở.

Không “bắt tay” trong sự thống nhất chung nhưng một số cơ sở nhỏ thuộc tự viện tại TP.HCM cùng quan điểm “thà sản xuất ít mà giữ được chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách hàng và bảo vệ thương hiệu”.

Nâng cao chất lượng đặc sản

Năm nay, các công ty lớn sản xuất mứt Tết, bánh hộp cao cấp đưa sản phẩm của họ chủ yếu vào siêu thị. Bánh mứt tại các chợ đa số là sản phẩm bậc “tầm trung” dành cho khách hàng có thu nhập trung bình, thấp.

Trong khi đó, thị trường vẫn còn bánh mứt Tết kém chất lượng, màu sắc lòe loẹt, không rõ nguồn gốc. Không như mọi năm, các chủ sạp không chào mời rôm rả bánh mứt Trung Quốc có tại sạp mà chủ yếu chào khách mua có tính chất âm thầm hơn vì người tiêu dùng có tâm lý ngại mua hàng từ Trung Quốc, xuất xứ không rõ ràng.

Trong khi đó, các cơ sản xuất thủ công tại các tự viện TP.HCM vẫn trung thành sản xuất với phương châm “ít mà chắc”, nâng chất lượng các sản phẩm bánh mứt truyền thống của cơ sở, giữ khách hàng bằng những sản phẩm mứt Tết truyền thống có chất lượng cao.

BM (2).jpg
NS.Thích nữ Tuấn Liên đóng bánh phục linh đi thị trường miền Bắc

NS.Thích nữ Tuấn Liên cho biết thêm, năm nay giá nguyên liệu tươi sống tăng cao, “không bình ổn” nên Ngọc Phương chỉ sản xuất khoảng 3 tấn sản phẩm với khoảng 30 chủng loại cho mùa Tết này. Ngoài các loại sản phẩm thông thường, Ngọc Phương chủ trương nâng cao chất lượng những loại mứt mang tính đặc sản, là hàng “độc quyền” của cơ sở.

Hiện nay, tại tịnh xá Ngọc Phương đang khẩn trương sản xuất các mứt: gừng, me, mãng cầu, dừa non nấu sữa tươi… là những loại mứt “độc quyền”, đặc biệt thơm ngon chỉ có ở Ngọc Phương. Trong số những loại mứt này, có loại giá nguyên liệu rất cao, cộng thêm phí chất đốt, giấy kiếng gói… thành ra làm sản phẩm chủ yếu để giữ khách hàng và giữ truyền thống của cơ sở chứ không có lời.

Năm nay, sản phẩm của cơ sở Ngọc Phương cũng hạn chế xuất khẩu vì trả tiền chậm do ảnh hưởng tình hình khủng hoảng kinh tế, chủ yếu cơ sở sản xuất một số loại bánh mứt đặc trưng của miền Nam đi ra thị trường các tỉnh miền Bắc.

Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, tịnh xá Ngọc Phương tập trung sản xuất, tuy nhiên cơ sở mới mở cửa bắt đầu bán sản phẩm Tết vào mồng 2 tháng Chạp. Chỉ sau một tuần mở cửa, khách hàng đã ồ ạt đến mua vì sợ bánh mứt ở đây không còn. So với sức mua các năm trước tại Cơ sở Ngọc Phương, thì đến ngày 23 tháng Chạp tại đây đã cạn hàng.

Năm nay, cơ sở sản xuất bánh mứt Tết ở chùa cũng chịu yếu tố “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng, tuy nhiên, NS.Thích nữ Tuấn Liên vẫn tự tin rằng, dù thị trường bất ổn nhưng bánh mứt Tết Ngọc Phương vẫn ổn định, không những vẫn bán ra “vèo vèo” mà có thể cạn hàng sớm hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày