Mưu sinh khó nhọc…

GN - Những ngày đầu năm học mới, bà Nguyễn Thị Huỳnh (quận 5, TP.HCM) có thêm nhiều nỗi lo...

Cả cuộc đời chịu thương, chịu khó

Chúng tôi tìm đến chung cư Hùng Vương (Q.5) hỏi về bà Huỳnh. Đang loay hoay hỏi thăm thì chú giữ xe của chung cư liền chỉ: “Đi theo thằng Tường mặc áo đỏ đó, nó đang lên nhà đó, nó là con của bà Huỳnh, thằng bị tâm thần đó”.

Thấy chúng tôi lúng túng, chú bảo vệ liền tiếp lời: “Không ngờ nó bị tâm thần phải không? Nhìn ở ngoài không ai biết nó tâm thần đâu, mà lại gần mới biết. Cái bịch nó đang xách nhìn sang trọng vậy chứ giở ra toàn giấy, rác không đó. Không tin lên nhà xem, đồ nó lụm chất một góc nhà. Nó tâm thần vậy chứ chỉ khi lên cơn thì nó mới kỳ cục”.

Hình ảnh đầu tiên khi đến nhà bà Huỳnh, đó là hình ảnh chị Nga, con gái của bà Huỳnh đang ngồi thẩn thờ trước hành lang chung cư. Hỏi ra mới biết, chị vừa dọn dẹp phòng xong bị mệt, sức khỏe kém, hễ làm việc nặng là chị ngồi nghỉ rất lâu.

Biết có khách đến nhà, cố gắng lắm, mãi một lúc sau bà Huỳnh mới ngồi dậy nổi, vì cả ngày buôn bán mệt mỏi, lưng đau buốt. Dù đứng hay ngồi, bà đều khom người xuống đất, không ngước lên được lâu. Đều như “vắt chanh”, mỗi ngày bà ngủ nhiều nhất chỉ được 5 tiếng, từ 3g chiều đến khoảng 20g tối. Có ngày chỉ nằm đó, đau quá không chợp mắt được.

Câ.JPG

Bà Quỳnh và chị Nga cân nếp để chuẩn bị nấu xôi đem bán

Làm gì thì làm, đến 22g đêm, con trai bà Huỳnh (anh Tường, bị tâm thần nhẹ) chở bà ra chợ mua bánh ướt, chả và các loại nguyên liệu làm nhân xôi. Đúng 6g sáng, bà Huỳnh và anh Tường xách từng món đồ từ tầng 4 xuống đường Nguyễn Trãi giao với Tản Đà, quận 5 để bán.

Nghe bà Huỳnh kể mà thương, một ngày bà bán tới ba chập. Chập từ 6g sáng đến 6g45phút thì bán cho học sinh, sinh viên; từ 7g30 đến 8g thì bán cho người đi làm; từ 11g đến 12g trưa bán cho học sinh tan học, với người lao động ăn trưa. Thời gian còn lại, bà bán lắc nhắc cho người đi đường mua.

 “Một ngày bán lời dữ lắm được năm, ba trăm ngàn. Có bữa bán huề vốn, có hôm thối tiền lộn, mất hết tiền lời. Rồi có bữa bán ế, đến 14g chiều mà chưa bán hết, dọn đồ về nhà 15g là quăng đồ đó rồi ngủ luôn”, bà Huỳnh nói mà khóe mắt rưng rưng.

Nghe bà trải lòng, thì mới hiểu được vì sao hàng xóm bà nói “cuộc đời của bà Huỳnh, sống là để lo”. Bà Huỳnh không chỉ làm lụng vất vả cả đời để nuôi các con của mình, mà nuôi con riêng của chồng từ lúc vài tuổi cho đến trưởng thành, an bề gia thất. Hai đứa con lớn đã ấm êm, thì bà phải lo cho đứa con gái sức khỏe kém, đứa con trai bị tâm thần nhẹ, đứa cháu ngoại ham học và ông chồng bị tai biến.

Vậy đó, mà khi hỏi bà lấy đâu ra sức và tinh thần để lo, bà nói rất nhẹ nhàng: “Từ xưa đến giờ, có chuyện buồn nào đến là nuốt nước mắt vào trong, mình không bỏ được thì phải làm sao để thương được. Thương thì mới lo được, mới không để cái ác chiếm lấy mình, lòng mới không đau khổ”.

Nghe bà nói bấy nhiêu cũng đủ hiểu về lòng bao dung của bà Huỳnh. Lúc anh Tường bị tâm thần nhẹ, bà Huỳnh chạy chữa hết chỗ này đến chỗ khác, phải vay mượn khắp nơi, tiền cứ thế ra đi mà bệnh thì không hết. Có nhiều người kêu đưa vô trại tâm thần, nhưng thấy con còn nhẹ, chưa đến nỗi nào, lại xót con nên bà không đưa vô.

Hàng ngày, để anh Tường bớt “nổi sân”, bà Huỳnh đều “dụ” bằng tiền. Như chở bà Huỳnh đi chợ, bà cho 50 ngàn; sáng xách đồ phụ xuống nhà, đầu giờ chiều dọn thau, nồi lên phụ thì cho thêm mấy chục; rồi tiền đổ xăng, tiền quà bánh, một tháng tiền hưu trí của bà Huỳnh coi như đưa trọn hết cho anh Tường.

Thế nhưng, đối với bà Huỳnh, đó là những ngày bình yên nhất. Khi anh Tường “lên cơn” thì nỗi lo kéo dài. Bà Huỳnh chua chát kể: “Không có tiền hay nó khó chịu thì người trong nhà, từ lớn tới nhỏ ai nó cũng chửi được. Chạy xe chỗ nào gồ ghề hay cái cục đá nhô lên là nó chạy lên, tưng cái xe làm tui đau muốn chết. Rồi có khi nó chạy nhanh, ngồi phía sau lo lắm, có khi làm tui té luôn. Hai mẹ con lăn cù mèo, đã đau chồng thêm đau, vừa khổ tâm vừa đau thân thể, đó mới là lúc khổ nhất”.

Mưu sinh nuôi cháu đến trường

Tiền lời từ bán xôi, bán bánh ướt hàng ngày, bà Huỳnh trang trải sinh hoạt, cơm nước cho cả nhà, tiền học cho cháu ngoại. Chị Nga sau khi ly dị chồng, về sống chung, bà Huỳnh phải lo vì con gái còn bệnh hơn bà, thân thể còn ốm yếu hơn.

Nhìn cháu ngoại, bà kể: “Có bữa nó ra chỗ bán, nó lụm cái miếng giấy gói bánh bông lan, người ta ăn xong vứt dưới đất, nó đưa lên ngửi rồi nói, ngoại ơi con thèm ăn bánh này nè ngoại. Nghe mà muốn đứt ruột, thấy tội quá, chịu không nổi, tui phải mua cho nó ăn. Nó ngoan, thông minh lắm. Nó nói, ngoại ơi ngoại, ngoại ráng nuôi con học nha ngoại. Thương cháu, tui cũng ráng”.

Vì gánh nặng trên vai nhiều quá, vậy nên nhiều khi nhức cái lưng lắm, bệnh sốt mệt người, buồn ngủ chỉ muốn gục, bà Huỳnh chỉ biết cắn răng mà ráng. Chừng nào hết nổi thì bà Huỳnh mới nghỉ, bà cũng sợ đi khám, vì sợ khám sẽ lòi ra nhiều bệnh. Chỉ có ngày Chủ nhật là bà Huỳnh nghỉ, ở nhà giữ bé Ngân (cháu ngoại) để chị Nga đi xếp đồ, ủi đồ cho người ta kiếm vài trăm, lo tiền ăn uống thêm cho cháu. Làm gì thì làm chứ bà Huỳnh không dám bỏ cháu ngoại ở nhà một mình, vì sợ có gì thì tội nó.

Bé Ngân năm nay vào lớp 2, chuẩn bị đến ngày nhập học, chị Nga gõ cửa khắp nơi xin học bổng cho con, nhưng phải chờ đợi và hy vọng. Khát khao con được đến trường lóe lên từ sâu trong ánh mắt chị Nga. Dù mới xin được cái cặp mới, được người ta thương cho đôi giày mới, hay mua được quyển truyện cho bé Ngân, chị Nga cũng khoe “mừng lắm”.

Vì chị Nga biết, đó là cách duy nhất để sau này con đỡ khổ hơn mình. Bà Huỳnh cũng nghĩ như chị Nga, chỉ có cho bé Ngân đi học thì ngày mai của cháu mới tươi sáng, nên những người phụ nữ trong gia đình cùng nhau cố gắng, lấy đó làm động lực để phấn đấu, dìu nhau để cùng thấy mặt trời của ngày mới. Bước chân ra về, cũng là lúc bà Huỳnh soạn đồ, chuẩn bị đi chợ.

Chúng tôi ám ảnh mãi câu nói của bà, “gánh con thì gánh cả cuộc đời, khổ cực gì mà giúp được cho con, đánh đổi điều gì mà đem lại hạnh phúc cho con, cho cháu tui thấy cũng đáng cả. Giờ biểu tui hy sinh bất kể điều gì để làm dịu những cơn điên loạn của thằng Tường xuống, cho con Nga có sức khỏe mà sống tốt nuôi con, tui cũng chịu...”. Người đời thường an ủi nhau, khổ tận cam lai, đời đâu ai khổ hoài, nhưng có lẽ ngày “cam lai” với bà Quỳnh còn xa xôi lắm.

Đã 70 tuổi rồi, sức khỏe đã kém dần từng ngày, đôi bàn tay mỗi lần nhúng nước là lạnh run, mỗi lần nhấc đi được một bước chân là cái đau từ gối buốt lên tới cột sống. Đi đã khó, “thân cò” làm sao một mình cáng đáng, gánh nổi cả gia đình…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày