Khi tới Bagan và nhận phòng khách sạn, tôi đã được chào đón ngay từ đầu bởi lũ sóc nhảy nhót tưng bừng trên tán cây cổ thụ sau vườn. Ở một mình trong căn phòng lát gỗ có bancông nhìn ra vườn là một điều rất tuyệt.
Dấu xưa xe ngựa…
Càng tuyệt hơn với cảm giác ngồi chễm chệ trên chiếc xe ngựa bon qua những con đường yên ả để tới thăm các công trình Phật giáo kỳ vĩ của nơi đã từng đóng vai trò kinh đô cổ đại của Myanmar. Giai đoạn quan trọng này vẫn được giới sử học gọi là “Thời kỳ Bagan” kéo dài từ năm 1047 tới 1287 đã hình thành nên một quần thể hơn 3.000 công trình chùa tháp, một con số không thể tưởng tượng nổi, và may mắn thay, kể cả khi quân viễn chinh Nguyên Mông tràn tới và kéo dài cho tới ngày nay, sau bao biến động, Bagan vẫn còn hiện hữu các ngôi chùa tuyệt đẹp pha trộn phong cách Ấn Độ giáo và văn minh Angkor. Chỉ với 10.000 kyat (10 USD) tôi đã có một chiếc xe ngựa chạy lóc cóc, một gã lái xe kiêm hướng dẫn nói tiếng Anh cực tốt để du ngoạn khắp một vùng được gọi là “Bagan cũ”. Đó là một vùng hoang vắng, hầu như không có cư dân sinh sống, chỉ có lô xô mái chùa và lụp xụp các sạp bán hàng lưu niệm bám trụ kiên cường trước những công trình quan trọng. Không từ chối những điếu thuốc lá được mời, gã lái xe đen nhẻm vận xà rông của tôi cười khành khạch khi tôi nhất quyết đòi ghé ngay lập tức vào những ngôi chùa nằm bên đường, khi mới rời khỏi khách sạn.
“Tôi đảm bảo anh sẽ thấy chúng không là gì cả”.
Và đúng là không gì cả, những ngôi chùa trong mắt tôi đã đẹp lắm rồi. Trời đất ơi! Nếu có biết bao nhiêu cảm thán trên đời thì tôi sẽ bật ra hết khi lần đầu tiên được đứng trước vẻ kỳ vĩ của chùa Ananda, vẻ cổ kính của chùa Schwesandaw và liên tiếp cả chục ngôi chùa lớn nhỏ khác trên miền đất nắng cháy cỏ cây khô cằn này. Không thể tin những công trình này đều đa phần được tạo dựng từ thế kỷ 11, 12 với chất liệu chủ đạo là đá và gạch. Còn nguyên vẹn những ngọn tháp kiêu hãnh vút lên trời xanh, còn nguyên biết bao tầng bậc xưa kia đã từng gánh đỡ bước chân của các tăng lữ chầm chậm đặt lên với niềm thành kính, và ngày nay chuyên đón du khách. Tập tục bắt buộc của Phật giáo Myanmar với mọi người khi đến chùa đều phải cởi bỏ giày dép, chỉ bước vào bằng chân không ngay từ bậc thềm đầu tiên. Dưới ánh nắng gay gắt, lớp gạch lát sân và lối đi lên tháp nóng rẫy, cộng thêm các vụn gạch đá đôi khi hành hạ bàn chân của du khách, nhưng chắc không ai lấy đó làm điều cực khổ nếu nghĩ tới công sức của hàng triệu con người xưa kia đã bỏ ra để tạo nên thánh địa huy hoàng.
Ấn tượng Bagan
Trong đa số các đền chùa được liệt kê trong sách hướng dẫn đều có người bán hàng, cộng thêm khá nhiều hoạ sĩ. Những bức tranh được vẽ miệt mài với môtýp quen thuộc về sư tăng, chùa, khung cảnh thiên nhiên được thể hiện theo đường lối giống nhau, ít đột phá, nhưng bù lại, giá rất rẻ, trung bình 1.000 kyat cho một bức, và hoạ sĩ đôi khi có thể bỏ giấy bút dắt khách đi lòng vòng quanh chùa, trèo lên các bậc thang, chui vào các hầm tối để ngắm mái vàng rực rỡ hoặc những bức bích hoạ đã có tuổi gần 1.000 năm.
Miệt mài theo những con đường mòn ngoắt ngoéo chi chít cây gai, xe ngựa đưa tôi đến hơn chục đền chùa cô tịch của Bagan cũ. Vắng lặng đến hoang tàn, và cũng kỳ vĩ đến choáng ngợp, đó là ấn tượng của du khách về thánh địa trong mùa nắng. Cái nóng bao trùm mọi cảnh vật, sự khô khát hun cháy các sinh vật, nhưng điều đó càng làm tăng thêm cảm xúc của tôi về thành phố nhiều xe ngựa này. Để thay đổi, ngày hôm sau tôi đòi đi xe jeep, loại xe made in Myanmar cực khoẻ và thích hợp cho những cung đường lầm bụi. Đi xe jeep nhanh hơn nhiều so với xe ngựa, nhưng tất nhiên giá cả đắt hơn nhiều, tới 30.000 kyat cho một ngày rong ruổi. Với chiếc xe jeep và bác tài rất kém tiếng Anh, tôi đã lặn lội vào chợ địa phương tại Bagan mới, ngắm nghía các bà các cô bán hàng ngủ gật và mua bán dưới nắng, rúc vào ngôi làng địa phương để gặp những gã đàn ông hoặc càu nhàu xua đuổi hoặc hớn hở “hello”. Nhưng những bữa ăn trưa của Bagan mới là điều đáng nhớ, nhất là khi ăn với vai trò khách du lịch đeo lủng lẳng máy ảnh trên người.
Nếu như gã đánh xe ngựa đã dắt tôi vào ăn một nhà hàng địa phương chỉ có 1.000 kyat cho một người thì ông chủ xe jeep cũng giới thiệu một nhà hàng mà theo lời giới thiệu trước là “rất đắt”, nhưng sạch sẽ. Trời ơi, cái “rất đắt” đó chỉ là 3.000 kyat, tức 3 USD cho một người với hơn mười món ăn. Tràn ngập khắp bàn là những càri bò, heo, dê, rau xào, các loại mắm, salad, cơm canh và tráng miệng. Một đại tiệc ngay cả với tôi, vậy mà chủ quán vẫn luôn tiếp thêm món ăn trước khi khách hàng chính thức buông thìa nĩa. Rẻ và ngon đến không ngờ với một bữa trưa trong cái nóng oi nồng. Chỉ có bia là đắt, trên khắp đất nước Myanmar tôi thường khốn khổ vì những cơn thèm bia, bởi một chai bia Myanmar khá ngon luôn được bán với giá 2.000 kyat, tức gấp đôi một bữa trưa thông thường.