Nắm gạo tình thương ở vùng sâu

Giác Ngộ - Nguồn gạo sẻ chia trong dân ở xã Tân Bình từ gần trăm kg đến nay là 1 tấn/tháng. Theo đó, số hộ gia đình neo đơn, khuyết tật được nhận gạo trong và ngoài xã cũng tăng từ 75 đến 105 hộ.

Các nhà hảo tâm cũng tự nguyện góp tiền để hỗ trợ bà con điều trị bệnh, phẫu thuật mắt bị đục thủy tinh thể, lợp lại nhà dột nát, cất nhà tình thương… với số tiền tự nguyện đóng góp hàng tháng từ 4 triệu đồng đến nay đã gần 30 triệu/tháng.

"Nắm gạo tình thương" của các thành viên Ban Bảo trợ xã hội xã Tân Bình, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) trở thành nét đẹp tình người trong làng xã. Mới đầu các thành viên đi vận động các hiệu buôn, bà con tiểu thương tùy hỷ đóng góp, tiền quyên góp được anh em mua bao nylon và kéo lụa hàng chữ "Nắm gạo tình thương". Sau đó đem phát từng nhà đồng thời giải thích ý nghĩa và mục đích của "nắm gạo tình thương". Ngày rằm mỗi tháng anh em đến gom về phân phối cho các đối tượng khó khăn. Từ vài người tâm huyết ban đầu, đến nay Ban Bảo trợ xã hội xã Tân Bình đã có 23 thành viên. Họ là những nông dân chân chất, những người sản xuất, mua bán nhỏ, lao động làm thuê. Năm 2005, "Nắm gạo tình thương" chỉ mới thực hiện ở 2 ấp nhưng phải chia cho 5 ấp trong toàn xã. Qua vận động của các thành viên, đến nay phong trào ở 7 ấp đã được xây dựng đều khắp.

IMG_0445.JPG
Các thành viên Ban Bảo trợ xã hội xã Tân Bình
gom gạo về phân phối cho các hộ người già neo đơn

Vạn sự khởi đầu nan, cô bác rất hoan hỷ chia sẻ nắm gạo mỗi bữa cho người nghèo nhưng cũng còn một ít người e dè nghi ngại gạo không đến đúng đối tượng. Ông Võ Ngọc Lâu, Trưởng ban BTXH xã Tân Bình cho biết : "Phải có uy tín, có cái tâm và mục đích rõ ràng bà con mới tin mình. Chi phí ăn uống, đổ xăng đi vận động anh em đều tự bỏ tiền túi. Chúng tôi không có nguồn quỹ sinh hoạt và không có tồn quỹ, gạo tập kết về là xúm nhau phân chia mỗi bao 10kg, phân phối dứt điểm theo danh sách mình đi xác minh qua các đơn xin của Hội Chữ thập đỏ huyện. Tiền cũng vậy, tổng số quyên góp được công khai sổ sách, thu bao nhiêu chi hết cho từng địa chỉ nhân đạo mình phát hiện hoặc qua báo đài nêu".

Cụ bà Nguyễn Thị Xinh, 83 tuổi còm cõi nhận gạo rồi ríu rít cảm ơn. Bà cho biết trước đây bà bơi xuồng mỗi ngày năm bảy cây số , mua trúc về chẻ làm chân nhang và giũ nhang kiếm sống, con cháu nghèo đi tứ tán làm thuê. Mấy năm gần đây, tuổi già sức yếu không lặn lội nổi bà sống nhờ gạo từ thiện. Bà nói: "Không có gạo từ thiện mỗi tháng chắc tôi chết khô lâu rồi!". Được biết dịp gom gạo hàng tháng hay tổng kết cuối năm, các thành viên hùn nhau tự lo chi phí. Có thể nói, chữ tín của một đơn vị nhỏ đã khơi dậy truyền thống nhân ái của bà con, đến ngày góp gạo nhiều hộ vắng nhà đã gởi gạo cho lối xóm để anh em đến nhận. Hộ nghèo thì 1 – 2 lon, hộ khá giả thì 1 thùng, 1 giạ. Anh Nguyễn Văn Ngươn, thành viên Ban BTXH xã cởi mở: "Nắm gạo tình thương được tồn tại và lớn mạnh bằng chữ tín, mình tự nguyện bỏ công bỏ của ra làm để không bị ngã vì danh. Là người tu nhân học Phật, tôi nghĩ phải bố thí để diệt trừ tham vọng, nhỏ nhen". Trên tinh thần đó, hàng trăm ca mổ mắt mỗi năm cho bà con mù nghèo cùng những hoàn cảnh thắt ngặt nhất trong tỉnh đều được Ban BTXH Tân Bình tìm đến giúp đỡ.

"Nắm gạo tình thương" ở Tân Bình có sức bền bỉ và lan tỏa đến vậy chính là nhờ tấm lòng biết sẻ chia của các gia đình và công sức khởi đầu của những người hiền lương, mộc mạc như tên gọi Tư Kinh Tài, Năm Lâu, Ba Cửu, Hai Lúa... đã tự nguyện xốc vác vì những người kém may mắn hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày