Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu

Chơi tranh là thú vui tao nhã ngày xuân. Đọc lại mấy khổ thơ trong bài Chợ Tết của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ mới biết thú chơi này đã gắn kết với người dân Việt từ bao đời:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dọn bán”

Hay:

“Ngày xuân trẻ bức tranh gà,
Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau”
(Chơi xuân – Đoàn Văn Cừ)

Thú chơi tranh Tết trong dân gian không chỉ dành cho những nhà khá giả, mà cho cả giới bình dân. Bình phẩm về thú chơi này, nhà thơ Tố Hữu có đôi câu nhận xét:

“Ta còn nghèo phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết”
(Bài ca xuân 61)

Tranh Tết được coi như một “món ăn tinh thần” truyền thống của Tết Việt. Chơi tranh Tết mang nét đẹp của một thú chơi thanh nhã, vừa sang trọng nhưng cũng thật dung dị và đậm chất dân gian. Chất dân gian trong tranh Tết thể hiện rõ nét nhất ở dòng tranh Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ còn gọi là tranh mộc bản, vì loại tranh này được làm theo phương thức khắc bản gỗ in do dân gian sản xuất. Cách sản xuất tranh Đông Hồ rất đơn giản, nghệ nhân khắc đường nét lên gỗ cứng (thường dùng gỗ cây thị), tiếp đến bôi màu lên bản khắc, rồi in lên giấy. Giấy được hồ sẵn bột phấn trắng chế tạo bởi vỏ sò điệp cho nên gọi là phấn điệp. Chính vì thế tranh có đường nét giản dị, tự do với cách thể hiện mộc mạc dễ cảm.

Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 1
Cưỡi trâu thả diều - tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ có màu sắc rực rỡ, trong đó chú trọng nhất là đường nét đen chạy viền; bố cục không gò bó, là sự thể hiện và gắn liền với đời sống văn hóa của người dân:

“Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Trong kho tàng tranh dân gian ấy có không ít bức vẽ hình ảnh con trâu với nét tươi vui, khoan khoái như: Tranh cưỡi trâu che lá sen, Cưỡi trâu thổi sáo… vì trâu vừa là một trong 12 con giáp lại vừa rất thân thiết với người nông dân. Nhưng treo tranh trâu ngày Tết còn có ý nghĩa văn hóa tâm linh khác. Nó xuất phát từ việc ngày xưa người ta có tục cưỡi lên mình trâu đánh cho trâu chạy lồng lên để xua đuổi khí âm lạnh lẽo, đón khí dương ấm áp của mùa xuân trở về.

Sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian Đông Hồ trong cách vẽ tranh trâu làm cho hình ảnh con trâu sống động hơn, gần gũi hơn, thấm đượm sự quý trọng đối với con vật được mệnh danh là "đầu cơ nghiệp" của nhà nông.

Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 2
Thư giãn - tranh Đông Hồ

Tranh mộc bản màu sắc tươi vui, nét tạo hình mạnh mẽ, mộc mạc thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo của người Việt Nam hiền hòa, chất phác. Chính vì thế mỗi bức tranh Đông Hồ như thêm vào không khí của gia đình một tiếng cười hồn nhiên trong ba ngày Tết.

 Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 3
Cưỡi trâu thổi sáo - tranh Đông Hồ

Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sỹ nổi tiếng như họa sỹ Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, Nguyễn Tư Nghiêm với tranh Con nghé (1957) hay hình ảnh con trâu trong Mười hai con vật tượng trưng cho năm, ngay cả trong tranh Bùi Xuân Phái cũng không thiếu bóng dáng của con trâu.

Con trâu trong hội họa Việt Nam “biến hình” từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là sơn dầu.

Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 4
Hội mùa xuân - tranh lụa của Trần Đắc 

 Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 5
Trâu - tranh sơn dầu của Hiếu Đệ

Tết đến xuân về, các họa sỹ lại tìm được cảm hứng sáng tác, thổi hồn mình vào những bức tranh ngày Tết. Với họa sỹ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), Tết Kỷ Sửu là một dịp đặc biệt vì ông cầm tinh con trâu và năm nay lại là trâu 60, theo ông thì: “Tuổi trâu vất vả, đi hoài, làm suốt nhưng không thể không đi, không làm được. Và có đi và làm vì nghệ thuật thì đó lại là một cái thú”.

Có lẽ, vì thế mà bộ tranh trâu của ông trong dịp Tết Kỷ Sửu mang nét vẽ mạnh mẽ với những mảng màu khỏe khoắn, thể hiện sự từng trải của những ngày đã qua, nét tươi vui của ngày mới đầy lạc quan và tràn trề sức sống:

Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 6
Năm Sửu nói chuyện tranh trâu và họa sỹ vẽ trâu ảnh 7

Xem tranh Tết lại nhớ đến đôi câu thơ của Trần Tế Xương ngày trước, nắm bắt được cái thần của một cái Tết đầy thanh âm và sắc màu:

“Đì đạch ngoài sân tràng pháo chuột,
Đỏ lòm trên vách bức tranh gà”...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày