Nạn đánh cắp tượng thờ trong các chùa làng

Giác Ngộ - Ở thôn Tứ Kỳ hạ, xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, có một ngôi chùa bị mất 12 pho tượng cổ trong khoảng hơn một năm trước. Chúng tôi không muốn đi sâu vào việc phản ánh những pho tượng đã bị mất mà chỉ canh cánh về số tượng còn lại cũng có nguy cơ bị lấy cắp vì ý thức hời hợt về vốn quý và việc bảo vệ di sản còn đang bỏ ngỏ.

Trở lại chuyện cũ, ông Đắc Văn Ngư, 71 tuổi, người được giao nhiệm vụ trông coi ngôi chùa nói trên cho biết, sáng sớm mùng 4 Tết, tức ngày 17-2-2010, từ nhà ra chùa ông đã hoảng hốt khi thấy cổng ngôi chùa đã bị cắt khóa, mở tung. Lần đó, 3 trong tổng số 27 pho tượng cổ của chùa đã biến mất. Vụ việc chưa lắng xuống thì đúng một tuần sau, ngày 24-2-2010, tại đây tiếp tục bị mất 1 pho tượng đẹp nữa. Và, lần thứ ba là vào đêm 7-3-2010, trộm đột nhập vào ngôi chùa khuân đi một lúc 6 pho tượng nữa. Vậy là trong vòng chưa đầy một tháng, 10 pho tượng cổ vài trăm năm tuổi đã bị đánh cắp. Trước đó, trung tuần tháng 6-2009, 2 pho tượng ở chùa này cũng không cánh mà bay. Tất cả các tượng trên đều được tạc bằng gỗ mít vào triều Lê, thế kỷ 18, rất có giá trị…

Sự việc đã được báo lên các cấp có thẩm quyền nhưng để tìm ra 12 pho tượng cổ ấy có lẽ vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Nghe tường trình sự việc từ người dân và Phật tử ở chùa chúng tôi cảm thấy rất bức xúc. "Khe hở" nào đã để bọn trộm có thể ngang nhiên ăn cắp như vậy nếu không phải là việc cơ sở lơ là, thiếu truy cứu trách nhiệm cụ thể? Trách nhiệm của các ban ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa - tôn giáo với vấn đề này như thế nào?

Đem những ưu tư ấy thỉnh ý thầy Thích Thanh Vân, Trưởng ban Trị sự THPG Hải Dương, thì được thầy cho biết: "Mãi về sau này chúng tôi mới được biết vụ mất 12 pho tượng cổ, vì khi xảy ra sự việc, không được các Phật tử báo cáo lên. Việc cần làm lúc này, là công tác bảo vệ và giữ gìn những pho tượng còn lại! GHPG tỉnh cũng sẽ sớm đáp ứng nguyện vọng của các Phật tử, cử một vị sư thầy về trụ trì để gìn giữ những hiện vật giá trị có tính lịch sử của chùa".

Quả thật, khi đến thăm ngôi chùa này chúng tôi quan sát thấy, hầu như mọi việc nhang khói kinh kệ trong chùa đều do một số già làng đảm nhiệm. Việc trông coi chùa cũng chỉ giao cho một cụ ông trông nom. Sự việc trên cho thấy, việc quản lý và bảo vệ cổ vật của chùa vô cùng lỏng lẻo.

Từ sự việc của ngôi chùa mà chúng tôi vừa phản ánh ở trên cũng như theo nhiều thông tin mà chúng tôi nhận được trên báo đài thì hiện tượng cổ vật ở chùa bị xâm hại nghiêm trọng như thế không phải là hiếm hoi. Một hồi chuông cần phải được gióng lên một cách nghiêm khắc ngõ hầu cảnh báo về hiện trạng đồ thờ tự, pháp khí bị đánh cắp để các cơ sở tự viện - vốn là nơi lưu giữ những cổ vật quý chú ý hơn trong việc gìn giữ, tôn tạo…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày