Nạn giả danh tu sĩ đi quyên tiền “xây chùa”

Giác Ngộ - Sau một thời gian yên ắng, gần đây nạn giả danh tu sĩ đi bán nhang, khất thực phi pháp, đặc biệt là đi quyên góp tiền của thập phương với các "chiêu thức" cúng dường kinh sách, nuôi chúng, xây dựng chùa... đã "tái xuất" tại TP.HCM và các tỉnh thành. Hiện tượng này đã làm hoang mang và mất lòng tin của Phật tử tín tâm.

Lợi dụng lòng tin của Phật tử

Hầu như mỗi buổi sáng trên đoạn đường từ 3 tháng 2 (Q.11) đến Sư Vạn Hạnh (Q.10), người đi đường lại thấy một người trong hình dáng nhà sư áo vàng ôm bình bát đi một mình hoặc hai người đi cùng nhau khất thực. Họ mang bình bát, đi qua các con đường, chốc chốc lại liếc nhìn vào hàng quán hai bên phố. Thỉnh thoảng người đi đường dừng lại bỏ vài chục ngàn vào bát...

5-box1.jpg

Giả dạng tu sĩ đi quyên góp ở chợ Thiếc - Ảnh TL

Không những ôm bình bát đi khất thực ở dọc đường, ở khu vực chợ đông đúc mà những kẻ giả sư còn xông vào tận nhà, cơ quan, công ty quyên tiền với mục đích mạo xưng là để… xây chùa, nuôi chúng. Gần đây, quần chúng đã có sự cảnh giác cao độ, giới truyền thông đã "mục kích" nhiều lần tận hang ổ của những kẻ giả sư. Vì thế, Phật tử đã phát hiện nhiều trường hợp sư giả vận đồ y như tu sĩ thật, có khi là áo nhật bình nâu, có khi lại y quấn vàng, cũng đầu tròn áo vuông đi đến tận nhà dân để trình bày "hoàn cảnh" và dĩ nhiên là lợi dụng chiếc áo tu sĩ kêu gọi đóng góp tiền bạc. Nhiều "hoàn cảnh" được những kẻ giả sư trình bày rất bi đát, thường là chùa nuôi chúng đông, thầy bệnh, quê nghèo khó nên cần tấm lòng của Phật tử để giúp nhà chùa nuôi chúng ăn học hoặc đóng góp chút tiền xây dựng lại chùa đã gần đổ sập, chánh điện trơ trọi cùng với nắng mưa...

Cô Nhật Ba, Phật tử chùa Phước Quang, huyện Châu Đức (BR-VT) cho biết: "Có hai người mặc áo nhà sư tự nhiên xông vào tận nhà kêu gọi giúp đỡ xây dựng chùa ở quê Cà Mau đã dột nát, chùa thì nuôi nhiều người già neo đơn, các chú điệu thì còn nhỏ. Hai người còn đưa ra quyển sổ vàng có dấu đỏ hình vuông đã nhòe mực ghi tên những người đã cúng dường. Tôi sinh nghi, từ chối thẳng. Họ đã tỏ thái độ bực mình ra mặt rồi bỏ đi".

Giả danh tu sĩ Phật giáo không chỉ đơn thuần có hành vi đi khất thực hay lấy danh nghĩa các chùa vùng sâu vùng xa đi quyên góp vật chất, tiền, vàng xây dựng chùa tại các nhà Phật tử. Hành động này ngày càng tinh vi, chúng thường đến các chùa, mượn danh những công trình xây dựng của chùa, tên tuổi các chùa lớn và giả danh trụ trì để lừa đảo tu sĩ thật. Cuối năm 2010, Ban Kiến thiết công trình xây dựng Bảo tháp Xá Lợi miền Tây và chùa Xá Lợi Vĩnh Long đã nhờ tuần báo Giác Ngộ đưa tin cảnh giác đến tất cả chư Tăng Ni, Phật tử vì Phật tử đã phát hiện có người mạo danh là Ban Kiến thiết đến nhà dân để quyên góp xây dựng công trình. Họ đã có hẳn sổ vàng, giấy giới thiệu giả để kêu gọi quyên góp. Nhờ Phật tử báo kịp thời nên Ban Kiến thiết đã thông báo đến Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh và các tỉnh thành để cảnh giác. TT.Thích Phước Hạnh, Phó BTS THPG Vĩnh Long cho biết: "Ban Kiến thiết có gởi thư ngỏ đến một số chùa và Phật tử trong tỉnh nhằm kêu gọi cùng nhau chung sức xây dựng công trình. Thực tế, Ban Kiến thiết chưa từng đi đến chùa hay nhà Phật tử để vận động, quyên góp tiền vì công trình chưa khởi công mà chỉ mới làm lễ đặt đá. Không ngờ lợi dụng thư ngỏ đó, họ đã có hành vi quyên góp trái phép để trục lợi riêng".

Cùng là nạn nhân của sư giả, chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng Q.1, TP.HCM) cũng đã từng bị mạo danh thầy trụ trì để quyên góp tiền xây dựng chùa. Mới đây nhất, ngày 22-3, tại một ngôi chùa Ni lớn tại Q.Gò Vấp, có một "thầy" áo nâu, đến gặp trụ trì xin quyên góp xây dựng chùa, xin kinh sách nhưng vị Ni sư trụ trì sinh nghi không gặp vì nếu có ai đến đều phải điện thoại hẹn trước. "Thầy" tự giới thiệu là Thích Thông Trí, trụ trì chùa Linh Sơn, Gio Linh (Quảng Trị) và để lại tin nhắn cần một số kinh sách, số điện thoại đi động. Sinh nghi, chùa đã gọi cho "thầy" và "thầy" cho biết muốn cúng dường thì mang kinh sách ra bến xe gởi, "thầy" đang ở Thủ Đức, lúc khác thì kêu "thầy" đang ở Q.8, lúc thì bà cô "thầy" bệnh nên không đến được. Liên lạc với văn phòng BTS THPG Quảng Trị thì được biết chùa Linh Sơn không có ai tên là Thích Thông Trí, đó là giả danh. Thầy trụ trì thật là ĐĐ.Thích Huệ Nhẫn (tự Không Nghiêm, tốt nghiệp HVPGVN TP khóa I), thầy Huệ Nhẫn cũng cho biết, chùa toàn chúng nhỏ, không có ai tên Thông Trí, chùa cũng không kêu ai đi quyên góp xây chùa hay xin kinh sách.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu"

Hiện trạng lợi dụng chiếc áo tu sĩ Phật giáo để trục lợi cá nhân qua việc "kể khổ" kêu gọi Phật tử đóng góp tiền của đã phần nào góp phần gây mất lòng tin của Phật tử tín tâm. Tình trạng này nếu không có biện pháp xử lý nghiêm sẽ rất nguy hại vì lẽ những người giả danh rất tinh vi. Ngoài tướng mạo bên ngoài rất giống với tu sĩ thật họ còn có những "kịch bản" dễ làm xiêu lòng người. Nếu hình ảnh này để lâu ngày, người sơ cơ chưa hiểu nhiều về đạo Phật sẽ dễ dàng bị "đồng hóa" và quen dần. Đây là điều nguy hiểm nhất dẫn đến sự hiểu sai về Tăng đoàn Phật giáo.

5-box1 (1).jpg

Tìm góc vắng vẻ để đếm tiền "quyên"
từ thập phương bá tánh - Ảnh TL

Một thời gian dài chiếc áo tu sĩ Phật giáo đã bị lợi dụng bởi những đối tượng giả danh, họ có nhiều mánh khóe để gợi lòng hảo tâm và sự thiếu cảnh giác của nhiều người nhằm kiếm tiền bất chính. Đội quân này tập trung những người từ xa đến, tập trung theo nhóm, có hẳn dịch vụ cung cấp đồ nghề giả sư để hành nghề. Nhiều đối tượng đã bị bắt khai rằng lối hành nghề này được nhiều người chọn bởi nó dễ qua mắt người khác, dễ gây cảm tình và nhàn hạ vì chẳng bỏ công sức nhiều mà lại "thu nhập" cao.

Nhiều trường hợp giả danh tu sĩ đi khất thực phi pháp phi thời, bán nhang, quyên góp xây chùa, nuôi chúng đã biến tướng ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo, Giáo hội. Để phân biệt hiện tượng thật hư, mạo danh tu sĩ khất thực phi pháp, năm 2004, Ban Tăng sự THPG TP.HCM đã ra Nghị quyết chấm dứt tình trạng Tăng Ni đi khất thực. Theo tinh thần Nghị quyết, các cấp lãnh đạo Giáo hội cần kết hợp với chính quyền địa phương ngăn chận những trường hợp mạo danh tu sĩ để khất thực phi pháp, bán nhang, khách không mời mà đến, lợi dụng quyên góp xây chùa trái phép...

HT.Thích Như Tín, Phó ban Tăng sự kiêm Chánh Thư ký THPG khẳng định, những người lợi dụng chiếc áo tu sĩ đi đến nhà dân hay chùa để bán nhang, khất thực hay thậm chí quyên góp nuôi chúng, từ thiện xã hội, xây chùa, hay xin tiền ấn tống kinh sách... hiện nay đều là giả danh tu sĩ. Phật tử nếu phát hiện những trường hợp này thì báo cho chính quyền địa phương, Ban ĐDPG để có hướng giải quyết và ngăn chận triệt để tránh hiểu lầm về sau.

Chị Lê Thị Sáu, Q.11 chia sẻ rằng, "Chiếc áo chẳng làm nên thầy tu" nhưng hành vi của sư giả danh ngày càng rất tinh vi, liều lĩnh nếu không tinh ý sẽ rất khó phân biệt đã gây những tiếng xấu cho đạo Phật. Sự hiểu lầm này rất tai hại làm tổn thương đến sự thành tâm của Phật tử, nếu tình trạng này còn tái diễn thì sẽ còn nhiều người mắc vào bẫy "cúng dường xây chùa". Thiết nghĩ, các thời pháp ở chùa cũng cần nêu lại những trường hợp giả danh này để Phật tử làm bài học. Đồng thời các Ban ĐDPG quận huyện cùng chính quyền tích cực hơn nữa để chấm dứt hẳn nạn giả sư chứ không thể làm ngơ như hiện nay. Phật tử nếu cảm thấy nghi ngờ cũng cần kiểm tra giấy chứng điệp thọ giới, giấy phép xây dựng, sửa chữa chùa, giấy giới thiệu của BTS THPG…

DSC_0004.JPG

TT.Thích Thiện Tài

" Thực hiện Nghị quyết Ban Tăng sự năm 2004, Ban ĐDPG Q.8 kết hợp với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra chứng điệp thọ giới, giấy giới thiệu. BTS THPG đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng chiếc áo tu sĩ Phật giáo giả danh khất thực phi pháp, bán nhang, bán tranh ảnh Phật, quyên góp xây chùa, nuôi chúng… trên địa bàn. Nhiều trường hợp tu sĩ giả danh đã bị công an, chính quyền quận 8 lột áo, thu bát, cảnh cáo trả về địa phương. Nhờ vậy thời gian gần đây, Phật giáo quận 8 không còn phản ánh sư giả đến quyên góp làm từ thiện hay xây dựng chùa".   (TT.Thích Thiện Tài, Thư ký Ban ĐDPG quận 8)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày