Nên dựng tượng đài Thiền sư Vạn Hạnh, vua Trần Nhân Tông

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu Sơn
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu Sơn
Giác Ngộ - Vai trò đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc là điểm son của Phật giáo Lý-Trần. Việc Đức vua Lý Công Uẩn khai sáng Thăng Long và vai trò kiến trúc sư vương triều Lý một cách thầm lặng của Thiền sư Vạn Hạnh cho thấy Phật pháp và Dân tộc thời đó là đồng hành, hòa quyện vào nhau vì lợi ích của đất nước và con người Việt Nam.

Nhiều vị vua thời Lý-Trần đã thỉnh mời các thiền sư làm quốc sư, cố vấn về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và tôn giáo của đất nước, nhờ đó, việc trị nước được thấm nhuần tư tưởng từ bi, trí tuệ, vô úy và hỷ xả của Phật giáo. Các giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo được áp dụng trong đời sống xã hội, nhờ đó, đất nước thịnh vượng, phát triển. Nói cách khác, tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam về phương diện cố vấn chính trị và ngoại giao chính trị là nghệ thuật giúp các nhà yêu nước Phật giáo góp phần tích cực trong việc quản trị quốc gia Đại Việt được hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Tinh thần đồng hành này cần được nâng lên thành quyết sách phát triển đất nước trong thời hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay.

Mô hình "vua - triết gia", một mẫu hình lãnh đạo lý tưởng được triết học cổ đại đề cập lại trùng hợp với mô hình lý tưởng "nhà vua - thiền sư" hay "thiền sư - nhà vua" trong thời đại nhà Trần, khi Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị và quân sự tầm vóc, mà sau khi xuất gia còn là vị thiền sư lỗi lạc có công khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhiều vị vua anh minh triều đại Lý - Trần còn là các học giả, tư tưởng gia nổi tiếng.

Cũng cần nói thêm hiện tượng vị vua trở thành tu sĩ Phật giáo của Việt Nam như Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông là sự kiện đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nhân loại. Cả hai triều đại Lý-Trần, đất nước ta vững mạnh về chính trị, kinh tế và giáo dục, các vị vua minh triết để lại nhiều áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà. Các nhà vua khéo léo trong việc dùng đạo để giúp đời, và lấy dữ liệu đời để soi sáng đạo, như hoa sen trong bùn nhưng lại tỏa ngát hương thơm.

Với ý nghĩa đó, theo chúng tôi, ngoài tượng đài vua Lý Thái Tổ đã được dựng trang trọng tại Hà Nội, sau Đại lễ kỷ niệm1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cơ quan hữu quan cần tham mưu cho Chính phủ nên dựng tượng đài tôn thờ các vị anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như Thiền sư Vạn Hạnh, Đức vua Trần Nhân Tông tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Về lâu về dài, có thể dựng thêm tượng ở một số thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu và Cần Thơ, Hải Phòng…

Thiền sư Vạn Hạnh cũng cần được đặt tên đường và dựng tượng ở Hà Nội, nơi ngài đã từng là vị kiến trúc sư thầm lặng của triều Lý, nhờ đó, Thăng Long - Hà Nội được hình thành và đế nghiệp của triều Lý được vững mạnh.

Chúng tôi nghĩ, đó là cách để nhớ ơn các bậc tiền nhân - những người đã có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho sự phát triển của đất nước trong quá khứ, đồng thời nhắc nhở mọi người về lịch sử dân tộc, những bài học lớn về tinh thần độc lập tự chủ, khoan dung và chính sách đối nội đối ngoại mềm mỏng vì sự phát triển lâu dài cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày