Dấn thân hướng thiện
Căn hộ chung cư nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật ngày ngày rộn ràng với những bài học Anh ngữ, lớp học tại nhà đơn sơ là một chiếc máy vi tính, vài chiếc micro và chiếc bàn lớn với những chiếc ghế cho học trò. Vậy mà hàng chục năm qua, thầy Nguyễn Phước Thiện đã giúp đỡ biết bao thế hệ học sinh, sinh viên vào đời không chỉ với vốn kiến thức, kỹ năng sống mà thầy còn hướng các em phải biết quan tâm, giúp đỡ đến mọi người, hiểu nhân quả và hướng thiện.
Thầy Nguyễn Phước Thiện và những học trò trên đồi Cát Bay
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM như các bạn mắt sáng bình thường khác là nỗ lực rất lớn để vượt qua khuyết tật của bản thân và để hôm nay làm công việc mình yêu thích là giúp đỡ những học sinh, sinh viên. Trong quá trình dạy học, thầy Thiện nói, giáo lý nhà Phật, luật nhân quả là những điều thầy lồng vào những buổi dạy và hướng dẫn học trò trực tiếp có những trải nghiệm riêng về cuộc sống cũng như hướng tâm mình đến những điều tốt đẹp, thiện lành.
Duyên lành, thầy Thiện cũng được quy y tại chùa Giác Ngộ với Pháp danh Bảo Đức. Từ đó, người ta cũng thấy một thầy giáo mù thường dắt các em sinh viên của mình đến các chùa thực tập, quan tâm chia sẻ những khó khăn với người bất hạnh qua công tác xã hội. Cách thầy hướng các em đến với mọi người cũng thật "lạ đời" là khuyến khích các em làm từ thiện xã hội, nếu các em thật sự đến chia sẻ với người kém may mắn tại các trung tâm, chùa thì thầy sẽ giảm học phí. Bằng cách này, thầy Thiện đã giúp các em hiểu hơn về cuộc sống quanh mình, thấy mình thật nhiều hạnh phúc và biết đồng cảm, chia sẻ. Cũng từ cách làm này các em sinh viên đã nối rộng vòng tay yêu thương, trải rộng lòng mình và biết sống cho mọi người.
Dạy tiếng Anh và kỹ năng sống
Trong những chuyến đưa sinh viên đi thực tập tiếng Anh qua thực tế cuộc sống. đồi Hồng (Mũi Né) là những điểm đến và thầy đã bén duyên với những em nhỏ thiếu học phải lao động sớm bằng nghề cho thuê tấm trượt, bán quà lưu niệm, sao biển… tại đồi Cát Bay.
Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, thầy Phước Thiện đã phải vượt qua hàng trăm km đến dạy tiếng Anh cho các em nhỏ thiếu chữ tại đồi Cát Bay. Lớp học là căn phòng tạm, có khi phải ngồi bệt dưới đất nhưng không vì thế mà lớp học thưa vắng, lớp học có lúc có tới 120 em. Vậy là thầy trò phải chia ra từng lớp nhỏ, phù hợp trình độ để dạy. Thầy Phước Thiện cho biết: "Không phải tôi thương các em vì thiếu cơm gạo, vì dốt nát mà thương các em vì chúng có quá nhiều thói hư tật xấu".
Những ngày đầu tiếp xúc với những đứa trẻ ở đây, thầy Thiện nhận ra thế giới của các em là thế giới nhỏ nhưng có quá nhiều phức tạp. Đa số các em là con em của những gia đình làm nghề biển nghèo, thiếu học, không được cha mẹ quan tâm giáo dục nên các em tha hồ sống kiểu bản năng theo hướng xấu. Có những gia đình sống bằng nghề cá cả ba thế hệ đều thiếu học và nghèo nên con cháu buộc phải tự ra đồi Hồng kiếm sống, phụ kiếm tiền giúp gia đình. Chuyện học hành trở nên là phù phiếm. Vì kiếm được tiền quá sớm có em chỉ 5-6 tuổi và không được hướng dẫn của người lớn, nhiều em đã vướng vào nạn cờ bạc thành ra cũng lại rơi vào con đường xấu dẫn đến trộm cắp. Đau lòng hơn khi thế giới của các em có rất nhiều cái xấu đang tồn tại mà các em thì không phân biệt được cái nào là xấu. Chính vì ngay trong gia đình, các em không được giáo dục, thiếu hẳn sự hướng dẫn của cha mẹ nên tương lai của chúng cũng quá mịt mờ…
Ngoài vốn liếng tiếng Anh cho các em mưu sinh trên đồi Cát, thầy Thiện khá vất vả để dạy các em cách ứng xử sao cho lịch sự mà khách vui vẻ thuê tấm trượt của mình, dạy các em cách nói chuyện biết lễ độ qua những từ "dạ", "dạ thưa", dạy phân biệt được điều tốt-xấu… Lớp học mới đầu chỉ khoảng chục em rồi cũng tăng dần tăng dần. Tấm lòng của thầy giáo mù và những câu chuyện từ cuộc sống, những bài học tiếng Anh giao tiếp, những bài văn, bài thơ mà thầy Thiện sáng tác trực tiếp cho các em ở đồi Hồng. Tất cả được truyền thụ một cách trực tiếp từ trái tim đến trái tim nên trong vòng 1 tháng học tập các em có sự chuyển biến rõ rệt.
Điều làm thầy Thiện vui nhất là ngoài vốn tiếng Anh giao tiếp tốt, các em còn thể hiện là một người biết vâng lời, có trách nhiệm với mình và gia đình, hiểu hơn về giá trị của cuộc sống qua những bài học về đạo đức và lối sống mà thầy đã truyền dạy. Cũng chính từ lớp học này, có những em lớn biết giúp thầy Thiện phụ lo trợ giảng cho lớp học làm nên tinh thần của lớp đó là sự gần gũi gắn bó và hiểu nhau đến tận cùng.
Đau đáu lời thầy
Lớp học ở đồi Hồng đã vượt qua nhiều vất vả, khó khăn để thầy và trò có một niềm tin rằng ở trên đời này nếu ta biết nỗ lực vượt qua những cám dỗ, vượt qua hoàn cảnh và được học tập, được sống lương thiện thì hạnh phúc, tương lai sẽ đến. Hơn 16 tháng cần mẫn đi về giữa hai khoảng cách xa xôi, thầy Thiện đã thật sự vui mừng khi học trò đã có những chuyển biến tích cực, biết hướng thiện, trang bị được kỹ năng sống. Thế nhưng từ hơn hai tháng qua, thầy Thiện đã phải đau lòng rời xa lớp học vì lẽ địa phương cho rằng thầy dạy "trái phép".
Thầy Thiện cho biết, xa lớp học ở đồi Hồng là điều đau lòng, mình không buồn cho mình mà là rất lo cho các em. Hơn ai hết các em nhỏ đáng thương ở đồi Hồng sẽ bị thiệt thòi, nếu lớp học tan rã thì không biết các em sẽ sống sao khi có quá nhiều cạm bẫy quanh những đồi cát. Rồi bao nhiêu cố gắng bấy lâu nay sẽ tan như bọt biển bởi các em nhỏ có nguy cơ quay trở lại con đường cũ và tái nhiễm những thói hư tật xấu như trước kia.
Xa lớp học, trong lòng thầy Thiện hiện nay như thiêu như đốt, hai tháng qua lớp học được duy trì bởi 3 em nhỏ khoảng 15, 16 tuổi là học trò lớn của thầy. Các em này đã có kỹ năng truyền đạt và hướng dẫn lớp học. Thế nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, lớp học trên đồi Hồng rồi không biết đi về đâu nếu các em không được ai quan tâm. Cũng vì sự tồn tại của lớp học này, thầy Nguyễn Phước Thiện đã ngày đêm mong mỏi có những thầy cô giáo có tấm lòng hoặc sẽ là một tổ chức như Hội LHTN, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương… hiểu và thương các em đứng ra duy trì lớp học, dạy dỗ, hướng thiện cho các em. Trung thu này, thầy Thiện gọi cho tôi từ Mũi Né cho biết lớp học chính thức tan rã vì không có người đứng lớp. Câu hỏi cũng là nỗi trăn trở, ưu tư rất lớn trong lòng thầy Thiện hiện nay là các em rồi đây sẽ bị tái nhiễm các thói hư tật xấu, rồi đây các em sẽ lớn lên, tương lai em sẽ về đâu và làm gì để sống như tâm sự thầy Thiện gởi các em nhỏ: "Mỗi em một cảnh vào đời sớm/ Con chữ cái nghề có được bao/ Mai sau khi lớn rời đồi Cát/ Em sẽ làm gì, sẽ về đâu". l
Kỳ cuối: Chị nói "Cuộc sống không cho ai hết mọi thứ và cũng không lấy đi của ai hết mọi thứ", như chị dù mắt không được thấy ánh sáng, nhưng bù lại chị là niềm tin cho những em khiếm thị, tiếp thêm nghị lực cho các em vào đời...