Nếp sống tốt đẹp của người Phật tử cao tuổi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cao tuổi là già. Cao tuổi bất quá là một uyển khúc từ (euphemism) được dùng để tránh không nói từ già mà già theo đạo Phật là khổ, với cái chết gần kề.

Nhưng đạo Phật cũng dạy rằng, khổ hay vui, tốt đẹp hay không tốt đẹp đều là những khái niệm tương đối. Người già mà biết sống, thì vẫn có thể sống vui và tốt đẹp, người trẻ mà không biết sống thì vẫn sống khổ và không tốt đẹp.

Nội dung bài này nhằm tìm hiểu khả năng sống vui, tốt đẹp của người Phật tử cao tuổi Việt Nam, và khả năng đó, theo tôi, đều bắt nguồn từ một nhận thức đúng đắn về giáo lý đạo Phật.

Người Phật tử không lo âu, buồn khổ về một chuyện không thể tránh

Già, chết là những chuyện như thế. Có sinh, thì lớn lên, già rồi chết. Ai cũng như vậy cả, thì lo âu, buồn khổ mà làm gì. Vì lo âu, buồn khổ là những tâm trạng tiêu cực, phát ra những năng lượng tiêu cực, càng làm cho chúng ta chóng già, mau chết. Người Phật tử Việt Nam tâm niệm những câu thơ đầy minh triết của các thiền sư tiền bối Việt Nam như Ni sư Diệu Nhân đời Lý:

“Sanh, lão, bệnh, tử

Tự cổ thường nhiên…”

Nghĩa là:

“Sanh, già, bệnh, chết

Từ xưa là chuyện thường”

Hay là câu thơ của Thiền sư Trì Bát đời Lý:

“Hữu tử tất hữu sinh

Hữu sinh tất hữu tử…

Ư chư sinh tử bất quan hoài”.

Nghĩa là:

Đã có chết thì có (tái) sinh ra,

Có sinh thì có chết…

Đối với sống chết, không có lo âu gì.

Đạo Phật xem tất cả mọi chuyện xảy ra đều là quá độ, vô thường, sinh, già rồi chết, lại tái sinh vào một cuộc sống mới. Không có gì là cuối cùng, hay tối hậu cho nên đưa ma mà nói là đưa người chết đến nơi yên nghỉ cuối cùng là không đúng với tinh thần đạo Phật, mà phải nói đưa người chết đến một cuộc sống mới. Không những nên nói như vậy, mà cũng nên hiểu và xử sự, làm như vậy.

Đúng ra, đám tang của người Phật tử phải được tổ chức nghiêm trang, trầm lặng, không có khóc lóc ồn ào, càng không nên bày chuyện ăn uống linh đình như ở nông thôn ta, tôi vẫn thường thấy làm. Thật là mâu thuẫn: phía gia chủ thì buồn bã, khóc lóc, kêu la, phía khách đến thì cười nói rất tự nhiên, tiệc tùng, thậm chí còn đánh bạc nữa. Một tập tục như vậy, dù là ở nông thôn cũng nên sớm chấm dứt, vì nó trái ngược với tâm lý bình thường của con người, lại mâu thuẫn với lời dạy của đạo Phật là tôn giáo lớn nhất của người Việt.

Đám tang của người Phật tử nên là cơ hội để chúng ta tưởng nhớ lại công đức của người quá cố lúc sinh thời, một cơ hội để chúng ta suy ngẫm về lẽ vô thường của cuộc đời, sự suy ngẫm đó càng được đào sâu thêm nếu có các Tăng Ni đến tụng kinh, cầu siêu và nói một bài pháp ngắn. Đây cũng là một cơ hội để cho gia chủ làm nhiều việc thiện, như bố thí, phóng sanh và hồi hướng công đức của việc thiện đó cho người quá cố.

Người Phật tử cao tuổi sống thời gian còn lại của cuộc đời với tinh thần tỉnh táo, bình thản, vui vẻ với những niềm vui hợp với khả năng và độ tuổi

Tôi phản đối quan điểm cho rằng đã là người già, người cao tuổi thì phải là người trái nết, khó tính, không thể sống được với con cháu. Tôi cho rằng đây là một quan điểm tiêu cực, mâu thuẫn với thực tế của cuộc sống, bởi lẽ chúng ta gặp rất nhiều người già, càng về già càng thuần tính, thậm chí càng sáng suốt và làm việc tốt, nhất là những công việc có tánh sáng tạo.

Hồ Chủ tịch là điển hình tiêu biểu nhất cho tinh thần bình thản sáng suốt, được giữ nguyên cho đến khi qua đời. Nằm trên giường, Bác mở mắt thấy một số đồng chí Bộ Chính trị khóc, Bác còn cười và nói: “Năm nay có đại hạn ở đâu mà mưa nhiều thế”.

Chuyện này tôi nghe đồng chí Việt Phương, nguyên là Bí thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại, câu và từ có thể sai chệch đôi chút, nhưng tinh thần của câu nói là dí dỏm, bình thản, đúng là của một người xem cái chết nhẹ như lông hồng, như lá rụng mùa thu, một người đích thực là hiện thân của Bồ-tát.

Đáng lẽ ra, càng già, càng có kinh nghiệm, càng bị ít mê hoặc bởi đồng tiền, sắc đẹp và danh vọng thì con người càng tỉnh táo, sáng suốt mới phải chứ.

Dù là tuổi còn rất trẻ, nhưng đã vướng vào đồng tiền, đến mức gọi là cuồng tiền, xem đồng tiền là Tiên là Phật thì sao gọi là tỉnh táo sáng suốt được? Hay là háo sắc như Trương Chi ôm cột cầu chờ người đẹp đến nỗi chết đuối, thì sao gọi là tỉnh táo sáng suốt được?

Đối với đồng tiền và nữ sắc như vậy, thì đối với danh vọng và quyền lực cũng thế thôi.

Vấn đề thực ra, không phải là già hay trẻ mà là hoàn cảnh sống và tự bản thân mình. Và trong hai yếu tố hoàn cảnh sống và tự bản thân, thì yếu tố chính là tự bản thân mình, là cái thường được gọi là nhân cách của mỗi người. Vì vậy mà tôi không đồng ý lắm với quan điểm của Linh mục Nguyễn Khắc D…, Tiến sĩ Thần học và Triết học. Vì Linh mục D… là em trai của một người bạn quá cố của tôi là Nguyễn Khắc V… cho nên, đến thăm tôi, ông thường xưng anh em một cách rất tự nhiên.

“Anh em mình có nhiều phước báo lắm, vì không một người nào có quyền hay có tiền cả. Nếu có quyền và tiền như họ, thì em còn làm bậy hơn”.

Lời tâm sự đó thật thú vị, vì đường đường một linh mục mà nói chuyện phước báo, là một khái niệm và từ ngữ rất đạo Phật. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, nói như vị linh mục đó cũng không thật đúng, bởi lẽ không thể ai có quyền và tiền đều làm bậy cả ru? Đúng là đồng tiền hay xúi làm bậy, theo như câu cách ngôn của người Pháp:

“L’argent est un mauvais maitre mais un bon serviteur”, nghĩa là “Đồng tiền là một ông chủ xấu (vì hay xúi làm bậy), nhưng lại là một tên đầy tớ tốt”.

Đối với quyền thế hay quyền lực cũng vậy, có quyền thì thường hay xâm phạm vào người khác, theo như câu của Phật nói, được ghi lại trong cuốn kinh 42 chương.

“Hữu thế bất xâm nan”, nghĩa: có thế lực mà không xâm phạm đến người khác là điều khó khăn vậy.

Nói tóm một câu, tất cả đều do nơi bản thân mình, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh một chiều.

Đối với người già, đã từng sống quá ba phần tư cuộc đời, đã nếm đủ mùi cay đắng cũng như bùi ngọt, thì rất ít bị mê hoặc bởi ngoại cảnh, dù đó là cảnh cao sang của quyền lực hay là sắc đẹp khuynh nước khuynh thành. Đã là người cao tuổi lại còn hiểu giáo lý đạo Phật, thì có thể tuyên bố như vua Trần Thái Tông đời Trần: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cũng được”.

Người cao tuổi có nhiều niềm vui tế nhị, sâu lắng, không ồn ào. Đó là niềm vui dành cho những người giữ được tâm hồn trong sáng, cởi mở, nhạy cảm với cái đẹp. Nhìn ngắm vài chiếc hoa trong bình, nghe tiếng trẻ con líu lo ngoài sân, nhất là đứa trẻ đó là cháu nội hay ngoại, hay là ngồi yên, không làm gì hết, lắng nghe sự im lặng của tâm hồn, là tiếng nói của nội tâm, thật là vô cùng kỳ diệu, vô cùng tuyệt vời. Không rõ, quý bạn có cho tôi là quá ư lãng mạn không, nhưng qua thực nghiệm ngồi thiền hàng ngày, nhất là vào lúc nửa đêm, trong thân tâm cũng như ở bên ngoài, hoàn toàn vắng lặng, chúng ta có thể hưởng thụ trọn vẹn niềm hỷ lạc đó của nội tâm bình lặng.

Người cao tuổi có thể và nên tiếp tục học tập và làm việc không? Ai cấm chứ!

Đối với người cao tuổi, học tập sẽ là niềm vui lớn nếu đó là học tập thuần túy, không phải là đồng tiền hay là vì văn bằng, như là ngày nay nhiều bạn trẻ thường làm. Mà là học tập thuần túy, trong sáng (Pure Learning) như Socrates và Platon (hai triết gia cổ đại Hy Lạp) thường nói, hay là như câu của Khổng Tử: “Học nhi thời tập nhi, bất diệc duyệt hồ!”. Nghĩa là: Học rồi lại thực nghiệm đó, là không vui sao?

Làm việc có tính sáng tạo thì sẽ không mệt. Có thể nói, càng già, càng dẻo, càng dai, càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Tôi xin phép kết thúc bài viết gợi ý này đã quá dài, với một trích dẫn lời của họa sĩ Nhật Hokusai, trong bài tựa ông viết cho quyển sách Một trăm quan điểm của Fuji (The Hundred Views of Fuji):

Từ năm 6 tuổi, tôi đã có thói quen vẽ hình dáng của sự vật. Đến khoảng tuổi 50, tôi đã xuất bản vô số tranh vẽ rồi. Nhưng tất cả những tranh vẽ trước năm tuổi 70 của tôi, đều không có giá trị, không xứng đáng được chú ý. Năm 73 tuổi, tôi đã học được đôi chút về kết cấu chân thực của thiên nhiên, súc vật, cây cối, chim, cá và côn trùng. Do đó, khi tôi 80 tuổi, tôi sẽ còn tiến hơn nữa. Năm 90 tuổi, tôi sẽ biết sâu vào bí mật của sự vật. Năm 100 tuổi, tôi nhất định đạt tới trình độ tuyệt vời. Và khi tôi 110 tuổi, mọi bức vẽ của tôi, dù là một chấm hay một gạch thẳng đều là sống động. Tôi cầu xin những người sống thọ như tôi sẽ chứng giám xem tôi có giữ lời hứa hay không”.

Viết năm 75 tuổi. Tôi, vốn tên Hokusai, nay đổi là Gwako Rojin, một người già yêu nghề vẽ đến lẩm cẩm”. (Trích dẫn từ cuốn Breath by breath của Larry Rosenberg, trang 120, xuất bản năm 1998 ở Luân Đôn).

Trên đây, ông họa sĩ cao tuổi Hokusai nói về nghành họa. Nhưng theo tôi nghĩ, điều Hokusai nói thích hợp với tất cả mọi ngành hoạt động sáng tạo. Và mặc dù, Hokusai tự cho mình là lẩm cẩm, nhưng thực ra, đó là những lời đầy minh triết, xuất phát từ thực nghiệm của cuộc sống sáng tạo, chứ không phải từ sách vở.

Mong sao bài viết gợi ý của tôi đóng góp đôi chút vào năm 1999 này, là năm Liên Hiệp Quốc chọn làm Năm những người cao tuổi.

Tháng 3-1999

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày