Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: “Nhờ đạo Phật tôi hiểu thêm rằng cuộc sống cần có sự sẻ chia”

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong lần biểu diễn dành tặng các bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến ở TP.Thủ Đức ngày 24-7 - Ảnh: Ngô Trần Hải An
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong lần biểu diễn dành tặng các bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến ở TP.Thủ Đức ngày 24-7 - Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúc mừng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã phục hồi sau biến cố về sức khỏe, Giác Ngộ Online giới thiệu câu chuyện thú vị, lần đầu tiên được anh chia sẻ với Báo Giác Ngộ, trong số đặc biệt Vu lan với chủ đề "Quê hương".

Sau đêm 24-7, tại buổi biểu diễn dành tặng các bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến ở TP.Thủ Đức, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có phần trình diễn bản nhạc Quê hương đầy xúc động.

Đoạn video ghi lại phần trình diễn này ngay lập tức đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, nhận được sự đồng cảm rất lớn từ xã hội. Mang tâm niệm của một người làm nghệ thuật, đồng thời cũng là một Phật tử, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có cuộc trò chuyện cùng Báo Giác Ngộ về những nhân duyên trong đời cũng như những suy nghĩ, tâm sự của bản thân về đời sống, gia đình và nghệ thuật.

Thiết kế: Tống Viết Diễn

Thiết kế: Tống Viết Diễn

* Được biết gia đình anh đã quy y Tam bảo, vậy nhân duyên nào đưa anh đến với đạo Phật?

- Gia đình nhà tôi với bố mẹ, anh chị đều là những người nhất tâm. Khoảng năm 1992, tôi gặp anh Trịnh Công Sơn. Trong sáng tác của anh có những ca từ chịu ảnh hưởng tư duy, giáo pháp của Phật giáo. Những lần trò chuyện với anh Trịnh Công Sơn, anh đã giải thích cho tôi rất nhiều điều sâu sắc. Tuy lúc đó còn trẻ, cũng không được học hỏi gì nhiều về Phật pháp, tuy nhiên tôi vẫn cảm nhận được những điều mộc mạc từ những gì anh Sơn nói. Sau này - năm 2003 tại chùa Hương, tôi có nhân duyên được gặp Thượng tọa Thích Minh Hiền. Từ đó tôi cũng phần nào lĩnh hội được những triết lý đời sống, sự san sẻ yêu thương từ Phật pháp.

Riêng vợ tôi - pháp danh Diệu Hoa - lại rành rẽ hơn, đọc thuộc làu làu những bài kinh hệt như những tôi thuộc những bản kèn vậy. (cười)

Trước đây, khi mới vào Sài Gòn, nhờ Thượng tọa Thích Thanh Phong giúp, tôi cũng từng quay một vài video về cách chơi nhạc thiền ở chùa Vĩnh Nghiêm. Chưa thể nói rằng thấu hiểu, nhưng đó cũng là những nhân duyên đã ít nhiều giúp cho mình biết những điều có thể áp dụng vào cuộc sống. Nhiều năm nay, ngoài công việc biểu diễn, giảng dạy, tôi còn chia sẻ với các bạn học viên về những gì chứa đựng yêu thương trong cuộc sống này, tôi nghĩ đó cũng là một phần nào sự ảnh hưởng của Phật pháp đến tính cách, đời sống cũng như âm nhạc của mình.

* Như anh nói, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp, triết lý, lối sống hay những suy tư từ đạo Phật đã tác động, ảnh hưởng ít nhiều tới đời sống gia đình anh. Anh có thể chia sẻ thêm những trải nghiệm của bản thân về điều đó?

- Khi áp dụng những ý niệm tiếp nhận từ đạo Phật vào đời sống cũng như công việc của mình, tôi cảm nhận được rõ sự bình an, an nhiên. Khi tâm niệm rằng mình cứ làm theo những ý niệm đó, yêu thương những gì hiện có xung quanh mình, tôi thấy lòng mình không còn nhiều vướng bận cũng như bị chi phối quá nhiều bởi cơm áo gạo tiền nữa. Nói “ngộ” ra thì cũng không hẳn, nhưng từ khi tôi ý thức được rõ như vậy, mọi thứ trở nên bình dị, đơn giản và mộc mạc. Tôi vẫn sống, hoạt động, vẫn phải lo cho gia đình, con cái, nhưng hiện giờ, khác với thời trẻ chỉ quẩn quanh theo những mục đích bình thường, tôi hiểu thêm rằng cuộc sống còn cần có sự sẻ chia.

Âm nhạc dường như mang mọi người lại gần nhau hơn và tính chia sẻ ở trong đó cũng rất cao. Trong cuộc sống, chúng tôi có nhiều nhân duyên, được nhận rất nhiều những tình cảm của mọi người, của quý thầy. Đặc biệt, tôi cũng từng có cơ hội được gặp Hòa thượng Thích Lệ Trang, một người rất am hiểu về lễ nhạc Phật giáo. Từ những nhân duyên đó, tôi có được những hướng áp dụng đơn giản, mộc mạc, không hoa mỹ, nhưng lại giúp mình có được bình an.

* Những điều anh tiếp nhận được từ đạo Phật, qua những nhân duyên trong đời, có tương quan như thế nào với tính nghệ thuật trong anh?

- Có chứ. Tôi thấy được những ảnh hưởng của đạo Phật trong cách tư duy, vun đắp cho tâm hồn của mình, cách sống, cách cư xử nơi mình cũng trở nên hiền lương hơn, bản thân trở nên “mở” hơn để đón nhận tất cả những điều xung quanh tới với mình.

Thiết kế: Tống Viết Diễn

Thiết kế: Tống Viết Diễn

* Được biết từ lâu, đời sống của anh từ lâu gắn với Sài Gòn - TP.HCM. Đây là một giai đoạn khó khăn của thành phố với đợt dịch Covid-19 bùng phát rất phức tạp, anh có suy nghĩ, cảm nhận gì vào lúc này?

- Đã 21 năm kể từ khi tôi chuyển vào sinh sống tại TP.HCM, tôi thấy dường như mình cũng đã trở thành một phần của nơi đây. Với chừng đó thời gian đủ để thấu hiểu về đời sống, con người ở vùng đất này.

Tôi quy y Tam bảo chùa Hương và được thầy đặt cho pháp danh Quảng Pháp, điều đó cũng phù hợp với tâm ý của bản thân muốn mang kiến thức, khả năng của mình để chia sẻ với mọi người. Trong dịch bệnh vừa qua, tôi thấy những y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu là những người đã rất cực khổ để giúp đỡ cho các bệnh nhân. Là một nghệ sĩ, một công dân, tôi cũng muốn mang âm nhạc đến như một liều thuốc trị liệu về tinh thần.

Không hẳn là một điều gì đó quá thiết thực nhưng ở khoảnh khắc quan trọng nào đó, âm nhạc lại là yếu tố có thể giúp mọi người quên đi những ưu phiền của ngày tháng căng thẳng như hiện tại. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm của mình và những bạn đồng nghiệp có thể mang lại, để phần nào đóng góp vào công việc chung nhằm vượt qua dịch bệnh đang hoành hành dữ dội.

* Có những câu hỏi mà đôi khi chúng ta ngại hỏi nhau. Trước đại dịch, con người sợ rất nhiều điều: sợ bị nhiễm, sợ là F0, sợ bị cách ly, và nỗi ám ảnh lớn nhất có lẽ là sợ chết… Là một Phật tử, như anh nói, có thể dễ dàng chấp nhận mọi thứ hơn, anh có mang nhiều nỗi sợ như vậy hay không?

- Với Covid-19, tôi là người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn những người khác rất nhiều lần khi có bệnh nền khá nặng trong mình. Đầu tiên khi nhận lời mời từ nhóm tình nguyện viên của Thành đoàn TP.HCM, tôi cũng có chút e ngại, nhưng là một người nghệ sĩ, được công chúng vun đắp để có một chỗ đứng trong xã hội, có tiếng nói đối với công chúng, tôi hiểu trách nhiệm của mình với xã hội cũng rất cao. Vì vậy, tôi đã vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân.

Thực ra, mọi người xem video buổi biểu diễn tại sân bệnh viện dã chiến cũng nhìn nhận được phần nào, khi vào trực tiếp mới thấy được khung cảnh ở đó chắc chỉ từng gặp ở trong phim, rất khó tả: trời tối, từng đoàn bác sĩ mặc đồ bảo hộ đi lại, từng đoàn người xếp hàng để kiểm tra y tế, những ánh đèn le lói từ những tầng lầu chung cư vốn bỏ không,… gây cho mình một cảm giác… ớn lạnh. Tuy nhiên, lúc chỉ vừa thử âm thanh thôi, tôi đã nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt từ những khán giả vô cùng đặc biệt, bản thân như được truyền thêm năng lượng tích cực, không còn lạnh lẽo, cô đơn khi đứng giữa khoảng trống như vậy, và do đó, tôi cũng không còn sợ hãi nữa.

Cũng rất may là vợ và cô con gái đã chuẩn bị một trang phục bảo hộ rất đặc biệt là một chiếc khẩu trang được cắt một chỗ ngay phần miệng và một chiếc mặt nạ tránh giọt bắn, còn lại chắc chỉ nhờ vào duyên phận chứ cũng chẳng đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.

Thiết kế: Tống Viết Diễn

Thiết kế: Tống Viết Diễn

* Có lẽ trong lần biểu diễn tại bệnh viện dã chiến vừa qua, người dũng cảm hơn hết là… vợ anh và có lẽ chúng ta cần gửi lời cảm ơn đến chị Kiều Đàm Linh, bạn đời của anh, cũng là một Phật tử thuần thành, khi chị đã vượt qua nỗi sợ kép (của bản thân chị và lo lắng cho anh). Không biết điều mà anh cảm nhận được rõ nhất trong buổi biểu diễn đặc biệt đó là gì?

- Là một nghệ sĩ may mắn được biểu diễn tại các liên hoan nghệ thuật tại hơn 60 quốc gia với đủ các sân khấu lớn nhỏ, có sân khấu trên 40 ngàn người, có khi chỉ biểu diễn cho vỏn vẹn một thính chúng chỉ có 3 người nhưng quả thật chưa bao giờ tôi có một sân khấu khác lạ như buổi biểu diễn tại bệnh viện dã chiến. Một không gian đặc biệt với những khán giả đặc biệt. Không một ánh đèn sân khấu, chỉ có những ánh đèn tự nhiên hắt xuống từ các tầng lầu.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng người bạn đời Kiều Đàm Linh và các con - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng người bạn đời Kiều Đàm Linh và các con - Ảnh: NVCC

Và rất may hôm biểu diễn là ngày rằm, có thêm ánh trăng tỏa xuống nữa, chứ nếu không mọi thứ sẽ trở nên rất lạnh lẽo. Đó là chưa kể đến những ánh đèn xe cấp cứu đi lờn vờn xung quanh.

Tuy nhiên, khi tiếng kèn bắt đầu cất lên, tôi cảm nhận được một không gian trĩu nặng như vỡ òa ra. Những bệnh nhân chịu những ngày cách ly xa gia đình, thiếu thốn về vật chất, rồi bệnh tình ám ảnh; những bác sĩ thì vất vả, tóc dài cũng không thể cắt, rất nhiều điều khó khăn như vậy. Tôi cũng không ngờ rằng có sự hưởng ứng ngay lập từ mấy chục nghìn khán giả đặc biệt ngay khi tiếng kèn cất lên. Đó có lẽ là trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời hoạt động âm nhạc hơn 40 năm của tôi.

Trước khi chơi nhạc, tôi cũng có một chút sợ hãi, nhưng cũng nhờ sự hưởng ứng lớn lao đó, tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi. Trong lúc chơi nhạc, khóe mắt tôi cũng có chút cay cay và bản thân phải hít một hơi thật sâu để kìm nén nỗi xúc động để hoàn thành trọn vẹn buổi biểu diễn.

Đến bây giờ, khi nhắc lại, tôi vẫn còn rất nhiều xúc động…

* Cảm ơn anh về những chia sẻ, trải lòng hôm nay!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày