Cho người Việt nói chung thì hình ảnh nào luôn luôn gợi lên cái tâm tình "đi đâu cũng nhớ về Việt Nam" (như người Hà Tĩnh "đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông Lam…") và làm cho người nước ngoài hễ nhìn thấy hoặc nghe nói đến biểu tượng đó tức thời nhận ra, và nghĩ tốt về đất nước và con người Việt Nam? Câu hỏi đó cũng có thể được đặt lại như thế này: Đất nước và dân tộc Việt Nam hiện nay có một dấu chỉ biểu tượng đối với người trong nước và đối với cộng đồng thế giới không?
Trong bài "Chiều trên quê hương tôi", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thả lỏng câu cuối "Nét quê hương nghìn năm vẫn là…" với một chữ "là" rất bình thường nhưng lại chuyển tải những ý nghĩa sâu lắng. Chỉ một câu chấm dứt một bài ca nhẹ nhàng như thế mà cũng đủ thôi thúc người nghe phải đi tìm cho được câu trả lời: …Là gì? Người viết bài này thử đi tìm cái nét quê hương này. Biểu tượng thì ta có nhiều, từ thực phẩm như phở, hay thảo mộc như hoa sen, cho đến thắng cảnh thiên nhiên như vịnh Hạ Long, là những biểu tượng có thể so sánh trong cùng phạm trù với những biểu tượng của Nhật Bản như món sushi, hoa anh đào và núi Fuji. Nhưng nếu phải chọn một biểu tượng tiêu biểu mà thôi, thì ta sẽ chọn hình ảnh nào? Trước tiên chúng ta hãy tạm xác định ba đặc tính của một biểu tượng là gì: - Biểu tượng đó phải bộc lộ bản sắc đặc thù của dân tộc khi đối chiếu với hoặc hiện diện bên cạnh các dấu chỉ của dân tộc khác (ví dụ, để không nhầm với Thái, Lào, Hoa, Nhật…). - Biểu tượng đó phải có tính phổ quát trong cộng đồng dân tộc, người nào tự nhận là người Việt, và tự hào với lịch sử và văn hóa Việt, thì đều liên hệ được với dấu chỉ đó. - Biểu tượng đó phải chất chứa cái "bất biến" (đặc trưng của dân tộc Việt Nam) và cái "tùy duyên" (biến thiên hòa hợp theo thời đại/biến cố). Ở đây người viết chỉ thử xem xét bốn biểu tượng có tính văn hóa dân gian và thời đại đã được nhìn nhận là có tính tượng trưng nhất cho một dân tộc để tiến đến chọn lựa một mẫu số chung cho thiết kế dấu chỉ Việt Nam. Đó là hai biểu tượng thuộc lĩnh vực trang phục (1) tà áo dài và (2) chiếc nón lá, và hai thuộc lãnh vực lịch sử và kiến trúc (3) ngọn lửa thiêng và (4) mái chùa làng. Bốn biểu tượng này thiết nghĩ không những hội được ba đặc tính nêu trên mà còn có thêm những sắc thái sau đây: 1. Tà áo dài - Tha thướt, mềm mại, nữ tính, trang nhã, gọn gàng và thực dụng, phản ảnh bản tính ôn hòa, nhẹ nhàng, kín đáo (nhưng không khép kín), và tính thực tiễn của người Việt. 2. Chiếc nón lá - Thiết kế đơn giản, có cấu trúc chắc chắn, tưởng chỉ để che nắng che mưa nhưng lại rất đa dụng (như để quạt, chứa đồ đạc, đựng thức ăn, v.v…) giống như bản tính và tâm tình người Việt Nam chất phác, đơn giản, thực tế, bao dung, và cùng lúc rất sáng tạo, đa năng và biết xoay sở. 3. Ngọn lửa thiêng - Ở hải ngoại nhìn về VN, trong hai thập niên 1954 - 75 thì "Việt Nam" đồng nghĩa với "chiến tranh" mà một trong vài biểu tượng nổi bật nhất là hình ảnh tự thiêu của HT.Thích Quảng Đức. Ngọn lửa Thích Quảng Đức bốc lên tuy đốt cháy một tấm thân tứ đại nhưng đã soi sáng Sự thật và đánh thức Tâm Từ bi của cả nhân loại. 4. Mái chùa làng - Kiến trúc cong cong hiền hòa, dân dã mà trang nghiêm, biểu lộ một cuộc sống giản dị nhưng nội tâm có chiều sâu tâm linh phản ảnh cội nguồn vốn dĩ là nông thôn ngàn đời của dân Việt. Lịch sử Việt Nam, ít nhất là từ đầu Tây lịch khi Trung tâm Luy Lâu được thiết lập (chùa Dâu, khởi xây năm 187 và hoàn thành năm 226 ở Bắc Ninh), đã gắn liền 2 yếu tố vốn đã bổ túc nhau: nông nghiệp và đạo Phật. Với 80% dân số sống bằng nghề nông, với 75% sản phẩm xuất khẩu là nông nghiệp, với một ngôn ngữ mà "đất nước" là hai từ nông nghiệp được dùng để chỉ quốc gia mình, với 80% dân số theo hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Phật, với lịch sử 2.000 năm gắn bó qua bao thăng trầm của dân tộc và Phật giáo... thì mái chùa làng quả thật và cần thiết được xem như là biểu tượng quy tụ trọn vẹn và chính xác nhất tất cả "nét" Việt Nam. Một biểu tượng Việt Nam như trình bày ở trên sẽ đáp ứng được hai mục đích: (1) nâng cao khả năng trình hiện của biểu tượng để được sẵn sàng và rộng rãi được công nhận bởi cả người Việt trong nước lẫn cộng đồng thế giới, và (2) khơi dựng niềm tự hào về văn hóa và lịch sử Việt Nam và củng cố sự sống còn của dân tộc.
Biểu tượng, nói chung, không những là niềm tự hào và căn cước văn hóa đặc thù bản sắc dân tộc mà còn được dùng để bảo vệ sự sống còn của một quốc gia. Hai dân tộc Mexico và Philippines đã mất đi chữ viết (sau khi bị thực dân Âu châu đô hộ và xóa bỏ chữ viết) và hậu quả là ngày nay hai quốc gia này đã mất luôn cả văn hóa bản địa. Nước ta tuy cũng đã bị mất chữ viết - cái nét quê hương lớn nhất mà ta đã mất - nhưng may thay căn cước văn hóa vẫn tồn tại sống còn đến ngày nay cũng là nhờ hai yếu tố văn hóa cốt lõi - đạo Phật và thôn làng - vẫn bám rễ sâu đậm trong lòng dân tộc và đan quyện chặt chẽ với nhau qua bao thăng trầm thử thách. Xin được đổi lại câu người xưa: Chữ viết đã mất nhưng mái chùa làng vẫn còn thì dân tộc ta vẫn còn.