Thời gian cứ trôi và chảy, mây trắng non ngàn vẫn cứ bay bay, tuổi thơ đời người ai nắm giữ được, nó bay theo mây, nó vút theo bóng ngựa qua cửa sổ và người thì, bỗng tóc chớm hoa râm, bỗng trắng như mây non ngàn. Bỗng ngoái lại mà nhớ xuân, thương xuân, ngẩn ngơ luyến tiếc:
Xuân nào xuân tuổi nhỏ Trong trắng ấy xuân ơi Hồn nhiên oanh trước ngõ Hồn nhiên mai nở tươi…Ngoái mắt trông lui, bàng hoàng hồi tưởng, ngẩn ngơ nuối tiếc. Vì mùa xuân thuở ấy đẹp, dễ thương, ngọt ngào trong sáng quá.
Thật khó mường tượng Tống Anh Nghị, lúc cầm bút khắc họa những thi ảnh ấy lên trang giấy trước mắt, nhà thơ ở độ tuổi nào! Sao thơ ông mượt mà đến vậy, sao thơ ông trẻ trung xinh xắn đến thế. Và ký ức ông hồi tưởng về thuở ông bao tuổi nhỉ? Với đôi mắt trong xanh mà xanh của trời thanh, nhà thơ trông thấy nõn nà những giọt sương trinh đầu lộc non mới nhú. Thấy nắng sáng khảm châu dát vàng lên những bức tranh xuân. Chắc chắn đó là những bức tranh giấy diệp Đông Hồ truyền thống. Ông còn lắng nghe mồn một từng lời ngọt ngào của mẹ, hơi ấm của bàn tay cha. Và nhất là một không gian thân thiết được mở rộng. Ôi, câu thơ ông khiến người đọc nghe ra “hơi ấm” của đất, mảnh đất quê hương ấu thơ, mỗi người từng đã được chôn nhau cắt rốn:
Xóm làng vui tiếng gọi Nghe ruột thịt muôn nhà.Mảnh đất ông gợi nhắc đó không hẳn là trù phú, phong nhiêu, không hẳn là di chỉ văn hóa, lịch sử nổi tiếng… mảnh đất ấy, nhà thì phên liếp tranh tre, người thì khăn sô, áo vải… nhưng nồng nàn linh thiêng bởi thực có một sự nối kết truyền thống ngàn đời:
Mùa xuân tuổi nhỏ của nhà thơ Tống Anh Nghị đẹp ngần ấy sao không xuyến xao, luyến tiếc được. Đến độ tuổi tóc trên đầu như mây, vượt xa ngưỡng “xưa nay hiếm”, ông cứ muốn quay về tìm lại “xuân nào tuổi nhỏ” và khiến bạn đọc cùng bâng khuâng quay quắt với ông:
Chân non dìu nẻo gió Tim ru nhạc bình yên Bé thơ xuân nào đó Đâu tìm bóng hoa niên?Và, bạn đọc càng xốn xang hơn khi thấy đầu bài thơ, Tống Anh Nghị đã mượn hai câu thơ của Lý Thương Ẩn làm tiêu đề cho bài thơ Xuân nào tuổi nhỏ của ông:
Oanh hoa đề hựu tiếu Tất cánh thị thùy xuân! (Lại nữa hoa cười oanh lại hót Rốt rồi xuân đó của ai đây?)