Ngành từ thiện xã hội Phật giáo cần thay đổi tư duy hoạt động

GNO - Sẽ có rất nhiều người bảo làm từ thiện “dễ ợt”, nhưng thực tế không phải vậy. Người làm công tác từ thiện ngoài lòng yêu thương, chia sẻ, năng lực tài chánh còn phải biết hoạch định cho số tiền mà mình bỏ ra sao cho xứng đáng. Tức là không đem của bỏ sông bỏ biển mà phải có một ý nghĩa nhất định. Phật giáo đã làm được những gì khi mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.

Qua rồi những ngày xưa củ

Phật giáo là tôn giáo thể hiện lòng từ bi và chia sẻ, nhưng cách mà các đoàn từ thiện Phật giáo lâu nay làm để giúp đỡ người nghèo theo cách mang quà cứu trợ, tiền mặt, lương thực, quần áo… chưa đem lại sự thay đổi tận gốc rễ. Nói cách khác, giúp họ có cái ăn, cái mặc ngay lúc này và tại đây. Hết hàng cứu trợ rồi thì họ sẽ ra sao? Không ai biết. Vì thế, hết đoàn cứu trợ này đến đoàn cứu trợ khác, người nghèo mang trong mình tâm lý mong đợi và trông mong vào những thứ vật chất mà mình không tự làm ra. Chính lối “cho” nầy đã làm người “nhận” thêm thụ động, mang tâm lý chờ đợi, ỷ lại vào các đoàn từ thiện. Từ thiện Phật giáo đã và đang chọn cách “cho” này. Nhiều người cho đây là lối làm có tác dụng tức thì, tay trao tay, niềm vui nối tiếp niềm vui và người nghèo được chia sẻ ngay tại thời điểm hiện tại mà không phải “đầu tư” về lâu dài.

wwwTa7.JPG
HT. Thích Như Niệm (phải) tại Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội
được tổ chức tại TP.HCM vào các ngày 23, 24-12 - Ảnh: Bảo Toàn

Hiện nay, các ngành khác của Giáo hội đều có quỹ để chủ động hoạt động, ngành TTXH lại không có quỹ riêng. Làm từ thiện mạnh ai nấy làm, làm một cách tùy tiện, không có sự quản lý xuyên suốt dù ngành được cơ cấu theo từng cấp Trung ương cho đến địa phương. Và, do đó, ngành TTXH Phật giáo chưa có sự đồng thuận và tiếng nói chung, chưa vận động được nguồn lực sẵn có để xây dựng quỹ từ thiện, chưa chủ động thực hiện các chương trình từ thiện mà còn phụ thuộc quá nhiều vào Phật tử và những người ủng hộ. Khi họ bỏ đồng tiền làm từ thiện cũng đồng thời đòi hỏi có quyền điều hành, phải làm như thế này, như thế kia, bắt buộc người đứng chịu trách nhiệm phải phụ thuộc mình. Thiết nghĩ, đó cũng là một đòi hỏi chính đáng khi người tài trợ chưa thật sự tin tưởng vào khả năng quản lý đồng vốn cũng như thiết kế chương trình từ thiện mà mình bỏ khá nhiều tiền vào đấy.

Tôi cho rằng làm từ thiện không dễ như người ta vẫn tưởng, ngày nay làm công tác từ thiện đã là một nghề, người đứng ra vận động từ thiện cũng đồng thời phải là người chủ dự án, cho nên đòi hỏi phải có chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Do đó, Phật giáo muốn công tác từ thiện xã hội có hiệu quả cần phải thay đổi tư duy trong cách làm từ thiện, từ đó thay đổi phương thức, nâng cao nghiệp vụ công tác xã hội và phải chủ động nguồn quỹ.

Ở Việt Nam, nghề công tác xã hội mới có từ năm 2009, dĩ nhiên ngành TTXH Phật giáo hoạt động đa phần là những người làm việc thiện xuất phát từ tâm, những nhóm người thiện nguyện, cùng chung tâm nguyện hướng đến người nghèo, trong số đó rất ít người có chuyên môn ngành công tác xã hội. Trong một số đề án cụ thể mà Giáo hội kết hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc đang thực hiện như đề án phòng tham vấn, hỗ trợ người nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS tại Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Dương … Phật giáo phải học hỏi kinh nghiệm và xây dựng chương trình từ tổ chức phi Chính phủ.

Cần lắm những công trình từ thiện xã hội tầm cỡ

30 năm qua, Phật giáo đã hoàn thiện tổ chức, trong đó có 09 Ban và 01 Viện Nghiên cứu Phật học. Viện Nghiên cứu Phật học có vai trò rất quan trọng, phải nghiên cứu và xác định rõ giá trị truyền thống Phật giáo của từng thời kỳ. Khẳng định được những đóng góp có giá trị của Phật giáo trong quá trình hình thành và phát triển đất nước, Phật giáo cứu quốc, vai trò đóng góp của các Thiền sư, Tăng Ni, Phật tử trong công cuộc giữ gìn và phát triển đất nước.

Không chỉ vậy, Viện Nghiên cứu cũng là cơ quan nghiên cứu, đóng góp các vấn đề Phật giáo và dân tộc để giúp Phật giáo đi đúng hướng. Nhờ đó, tất cả các Ban ngành Viện hoạt động và đóng góp theo định hướng cụ thể hơn.

Thật sự trong 30 năm qua, Phật giáo chưa có một công trình từ thiện nào có tầm cỡ để mà hãnh diện nói rằng ngành TTXH Phật giáo đã làm được. Theo điều 20, 21 Nội quy Ban Từ Thiện Xã hội Trung ương, Hiến chương của Giáo hội, ngành TTXH phải được thu về một mối và được sự quan sát của Giáo hội. Ngành TTXH không thể tách rời và hoạt động thiếu sự giám sát của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.

Hiện nay, Giáo hội có 40/56 Ban Trị sự THPG có ngành Từ thiện xã hội Phật giáo, được chia làm nhiều mảng hoạt động với nhiều chương trình hoạt động cụ thể và nhân sự được bố trí theo từng mảng hoạt động đó, như cứu trợ, chương trình xây dựng cầu nông thôn, nhà tình thương, cơ sở nuôi dạy cô nhi, người già, khuyết tật, hệ thống Tuệ tĩnh đường, phẩu thuật mắt, học bổng v.v... hàng năm đã vận động đóng góp tài, vật thực hiện các công tác từ thiện trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Ngành TTXH GHPGVN hiện có 65 Tuệ tĩnh đường và hàng trăm phòng thuốc nam, châm cứu. Các trung tâm, mái ấm, nhà tình thương tại các tỉnh thành, hiện nuôi dưỡng 2.500 em, trong đó có 1.500 em mồ côi và khuyết tật; nuôi dưỡng hàng trăm cụ già neo đơn. Các phòng tham vấn, hỗ trợ người nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Dương. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác như xây dựng nhà tình thương, cầu giao thông nông thôn, giếng nước, học bổng học sinh, cứu trợ người nghèo, tặng xe lăn xe lắc, hỗ trợ bệnh nhân, hỗ trợ các đối tượng xã hội, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ áo quan …

Đó là kết quả mà nhìn vào dễ thấy, thế nhưng nhìn sâu vào thì 30 năm qua, ngành TTXHPG chưa thể nói có một công trình xã hội nào mang dấu ấn. Có chăng là ngành TTXHPG đã mở được một số lớp đào tạo lương y, y tá, giáo viên mần non, nhân viên ngành công tác xã hội… cung cấp nhân lực cho các nhu cầu của Ban TTXHPG Tỉnh, Thành. Tuy nhiên, rà soát lại những người được đào tạo cũng rất ít người hoạt động đúng như chuyên ngành mình đã học.

Thực tế, Tăng Ni, Phật tử rất thích tham gia vào công tác TTXH, thế nhưng bấy lâu nay chúng ta làm từ thiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, rồi lấy thành tích báo cáo cho ngành TTXH theo từng cấp. Tuy mới nhìn vào con số thì thấy trị giá rất lớn, thực tế ngành TTXHPG rất thụ động, chưa vận động được sức mạnh của tập thể Tăng Ni, Phật tử, ngay cả một quỹ riêng của ngành cũng chưa có.

Một thực tế nữa, ngay với một việc đơn giản như cứu trợ thiên tai thì ngành TTXHPG cũng không thể chủ động ngay được mà phải chờ xin phép, chờ thông bạch của Giáo hội, rồi mời hội họp để tổ chức… hội thu mới có tiền để cứu trợ người nghèo. “Cứu đói như cứu lửa”, trong lúc hoạn nạn thiên tai, thành ra người bị nạn phải chịu quặc quèo vì đói, vì lạnh… rồi thì cả tháng sau các đoàn TTXHPG mới nối tiếp nhau đến “cứu”, đổ dồn một lúc.            

Nêu một thí dụ cụ thể như thế để thấy, do còn vướng cơ chế nên ngành TTXHPG cũng chỉ làm được như những gì đã làm, tức là làm TTXH trong tư thế bị động, thiếu khoa học, thiếu kế hoạch, không có dự án và thiếu chuyên nghiệp.

Bàn về mô hình từ thiện điển hình

Nói đến Phật giáo thì nói đến truyền thống tương thân, giúp đỡ và từ bi, vì thế 30 năm qua Phật giáo đã đồng hành và chung tay góp sức cùng với xã hội xóa bớt đói nghèo, góp sức và có mặt ở mọi vùng miền đất nước để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nói một cách công tâm, chúng ta chủ yếu làm từ thiện bằng cách mang cho họ một cái bánh, một con cá, một chén cơm mà không trao cho họ “chiếc cần câu, cái cày” để hỗ trợ cho họ phương tiện, để họ tự mình câu cá, tự tìm ra hạt gạo…

TTXH1.jpg

Chư tôn đức Tăng Ni trong một lần phát quà
cho đồng bào khó khăn - Ảnh: Hương Giang

Một nguyên nhân dễ thấy là do cơ chế của chúng ta và do thói quen làm từ thiện không đầu không đũa, không quy về một mối, mạnh ai nấy làm. Dẫn đến tình trạng không tôn trọng tổ chức và vì thế cũng bộc lộ rõ sự yếu kém về năng lực quản lý cũng như khả năng tập hợp số đông trong vận động tài, vật và thiếu chuyên nghiệp. Thật sự trong 30 năm qua, TTXHPG chưa có một mô hình cơ sở từ thiện nào có khả năng chủ động nguồn vốn để làm từ thiện hay có một quỹ riêng, mà chủ yếu dựa vào sự đóng góp của Phật tử hay doanh nghiệp. Đây là vấn đề tế nhị nhưng vẫn phải nói ra, vì khi người ta bỏ đồng tiền ra thì họ vẫn muốn được can thiệp vào công việc tổ chức, muốn được quyền bắt người khác làm theo ý mình. Đây cũng là vấn đề “lực bất tòng tâm” hiện nay.

Năm 1987, Ban TTXHPG Tp. Hồ Chí Minh lập Tuệ Tĩnh đường tại chùa Pháp Hoa (Q. Phú Nhuận) để phục vụ cho những đối tượng khó khăn về chăm sóc y tế. Tuệ Tĩnh đường này đã đào tạo khoảng 50 lương y có bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp, một số phục vụ tại Tuệ Tĩnh đường, một vài người mở phòng khám riêng, một số đi làm việc khác. Tuệ Tĩnh đường sau một thời gian dài hoạt động đành phải “phá sản”, vì người được giao quản lý lạm quyền, dẫn đến thất thoát. Và điều quan trọng hơn là Tuệ Tĩnh đường hoạt động không hiệu quả, đành phải nghỉ.

Hiện nay, nhân lực Ban TTXHPG thiếu nghiệp vụ chuyên môn. Ở Việt Nam nghề công tác xã hội chỉ mới chính thức được công nhận và đào tạo tại các trường Đại học vào năm 2009. Thực tế Phật giáo có rất nhiều Tăng Ni, Phật tử làm từ thiện nhưng chủ yếu là bằng tấm lòng, chứ thật sự chưa lập được những đề án cụ thể để giúp đỡ người nghèo một cách có hiệu quả.

Làm từ thiện hiện nay, muốn đạt hiệu quả thiết thực, có giá trị phải đồng thời có nhân lực đủ nghiệp vụ chuyên môn, biết hoạch định qua các dự án ngắn, trung và dài hạn một cách rõ ràng, hiệu quả từng giai đoạn. Bằng cách hỗ trợ cho người nghèo phương thức, phương tiện lao động trên mãnh đất của chính họ. Có như thế, người nghèo không chỉ thoát nghèo mà sẽ có ý thức vươn lên bằng chính năng lực, tư duy, cố gắng của chính bản thân họ nơi mà họ đang sinh sống.

Ngành TTXH của Phật giáo muốn hoạt động căn cơ hơn, cần phải đầu tư công sức, thay đổi một số việc làm đã quen là mạnh ai nấy làm. Cần hợp lực, nhất tâm trong mọi hoạt động để công tác TTXH có sức mạnh tổng lực và chủ động. Vì thế, từ thiện sẽ đi sâu đi sát, dễ kiểm soát. Đặc biệt, Giáo hội cũng cần quy hoạch nhân sự cho ngành từ thiện có kiến thức, chuyên môn về công tác xã hội. Từ đó, đề ra các dự án có căn cơ, có tính thuyết phục và thiết thực phục vụ cho lợi ích của Phật giáo và dân nghèo.

Hướng đi cho ngành từ thiện trong tương lai

Vừa qua, Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, báo cáo ngành của TTXHPG (40/56 Ban TTXHPG trong cả nước) 6 tháng đầu năm 2011 đạt 238 tỷ 972 triệu đồng, trong đó Tp. Hồ Chí Minh đạt 72 tỷ đồng. Nhìn vào con số này chắc chắn sẽ có người hỏi “Té ra Phật giáo quá giàu”. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng con số này không chính xác, vì lẽ Phật giáo bấy lâu nay vẫn hiện diện một hiện tượng báo cáo thành tích có sự chồng chéo nhau. Đó là một nghi vấn nhưng không phải không có cơ sở khi ngành TTXHPG cũng không thể thoát ra khỏi cơ chế chạy theo thành tích. Đưa ra con số này để thấy chúng ta đã bỏ tiền ra hàng trăm tỷ đồng nhưng đã đầu tư vào một công trình từ thiện nào xứng đáng chưa? Hay chỉ là những con số trên giấy, rồi thì người nghèo vẫn cứ nghèo, một điểm nghèo thì cứu trợ lần này đến lần kia, đoàn này đến rồi đoàn kia lại đến.

Bởi thế, tôi cho rằng cần phải thay đổi tư duy trong công tác từ thiện là vậy. Thay vì tặng cho người nghèo một cục tiền, hay kho lương thực, với số tiền đó người ta có thể mua một con trâu, một cái máy cày để giúp họ ra đồng. Làm từ thiện chuyên nghiệp bắt buộc các nhà hoạt động từ thiện phải lập dự án cho từng nhóm đối tượng, dự án sẽ có tác dụng như thế nào cho từng giai đoạn và quan trọng nhất là đối tượng chính của dự án sẽ được hưởng lợi và lợi ích gì trong thời gian cụ thể.

Dự án cho người nghèo hẳn nhiên phải giúp họ cải thiện đời sống tinh thần, kinh tế hiện tại qua việc trợ vốn hoặc cách thức giúp họ nhận biết năng lực của chính mình, hoặc dạy họ các kỷ năng trong lao động, kinh doanh. Và quan trọng phải giúp họ ý thức rằng những giá trị tinh thần, vật chất này là do anh tự làm ra và phục vụ cho chính anh, phải biết suy nghĩ các khả năng sẵn có để lao động, ý thức vươn lên và làm giàu từ chính nơi mà mình đang sống. Có sự hỗ trợ về tinh thần, có người quan sát kiểm tra, dự án sẽ đi vào hiện thực cộng với ý chí vươn lên của người nghèo thì chắc chắn họ sẽ có sự thay đổi căn cơ hơn. Để làm được việc này, người chủ dự án phải có sự yêu thương thật sự, nhiệt tình, thời gian và bắt buộc người hoạt động từ thiện xã hội phải học, bổ sung kiến thức chuyên môn và biết hành động vì sự tốt đẹp của cộng đồng.

Đâu phải ai cũng có thể làm công tác TTXH, ngoài tiền của, cái tâm tương cảm với các hoàn cảnh đáng thương, khó khăn, còn cần nhiều tố chất khác. Người quản lý công tác TTXH còn phải biết công tâm, minh bạch, có tầm nhìn sâu, nhìn rõ, nhìn xa để biết cách lập và thực hiện đề án xã hội đem đến hiệu quả thiết thực nhất, biến cái không thể thành có thể. Tăng Ni, Phật tử làm công tác từ thiện xã hội không chỉ thể hiện tinh thần từ bi của Đức Phật cứu khổ ban vui bổn phận của một tu sĩ, mà còn thể hiện bổn phận của một công dân.                     

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày