Mưa để ta nghe lời than vãn giàu chất nhân văn của cô bán hàng rong: “Mưa như vầy hoài chắc sập tiệm quá. Ngoài Thanh Hóa, Nghệ An người ta sống làm sao cho nổi?". Mưa để dân Phú Yên thấu hiểu phần nào những đau thương mất mát do thiên tai, lũ lụt gây ra ở đầu bên kia của miền Trung, để cùng chia sẻ dù ít nhất là bằng cảm nhận...
Ngẫu khúc mưa - Ảnh minh họa
Mưa để cô cháu gái phương xa thấp thỏm nỗi lo cho ông bà ngoại. Cháu xem thời sự thấy quê mình ngập sâu trong nước, vội vã điện về cho ông bà. Nỗi lo căng dần theo từng tiếng tút tút phía bên kia đầu dây.
Mưa để đứa con đi học xa nhà đắn đo theo từng nỗi nhọc nhằn của ba mẹ. Dù phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, ba vẫn quyết định cho cô con gái theo học ở một ngôi trường danh tiếng. Với ba mẹ, mưa là nỗi lo thường trực, dai dẳng. Ngọn mía, ngọn mì mới nhú, mẹ cầu cho mưa xuống, cỏ dại vừa làm xong, ba mong trời đừng mưa.
Mưa dắt cô học trò nhỏ trở về những ngày xưa tắm mưa cùng lũ bạn. Lũ bạn mà mùa nắng thì khét mùi tóc cháy, mùa mưa thì tanh mùi bùn đất. Đổi lấy niềm vui tắm mưa trẻ con ấy là những trận roi hằn mông của ba. Nhờ mưa mà bé được sống vẹn nguyên với chất thôn quê giữa lòng phố thị.
Đầu tiết, bé còn tất tả chạy từ sân trường đầy nắng lên tít tầng ba thì hết tiết đã tí tách mưa trong sân trường xanh những bóng cây. Mưa để lũ bạn học thêm sau giờ chính khóa kiếm cớ xin cô nghỉ học rồi cả bọn kéo nhau đi ăn bánh xôi chiên. Có đứa nghịch ngợm trút thật nhiều tương ớt cho đứa bên cạnh. Đứa nọ thì thừa cơ hội bạn mình không để ý, chộp ngay miếng bánh đang xơi dở, cãi nhau chí chóe, rồi lại cười vang.
Mưa để ai đó đèo ai trên xe đạp, người ngồi phía sau tay cầm ô che mưa và miệng khẽ hát lên những ca từ tuyệt đẹp trong bài hát về nàng công chúa bong bóng. Mưa là cái cớ để tình bạn có thêm những giây phút khó quên, là đốm lửa sưởi ấm tình cảm trong nhau.
Và mưa làm nên dòng sông kỷ niệm của riêng mỗi người.