Ngày 27-7: TP.HCM có 6.318 ca nhiễm, thêm 9 tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18 giờ

Đường TP.HCM sau 18 giờ vắng bóng người theo chỉ thị của cơ quan chức năng - Ảnh: Ngô Trần Hải An
Đường TP.HCM sau 18 giờ vắng bóng người theo chỉ thị của cơ quan chức năng - Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 27-7, Việt Nam ghi nhận 7.911 ca nhiễm (tăng 52 ca so với hôm qua), chủ yếu ở TP.HCM (6.318), Đồng Tháp (303), Đồng Nai (239), Bình Dương (166)... 

Trong đó, 6.848 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 124 ca), 1.063 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 176 ca).

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM 72.740, Bình Dương 8.909, Long An 3.931, Đồng Nai 2.714, Đồng Tháp 2.397, Phú Yên 1.091, Hà Nội 1.007, Đà Nẵng 714, Cần Thơ 447, Quảng Ngãi 265, Vĩnh Phúc 192, Ninh Thuận 164, Kiên Giang 161, Hà Tĩnh 129, Đăk Lăk 129, Lạng Sơn 120, Sóc Trăng 109, Bình Định 107, Hậu Giang 102, Quảng Nam 51, Đăk Nông 46, Lâm Đồng 41, Gia Lai 32, Bạc Liêu 24, Thanh Hóa 22, Thừa Thiên Huế 22, Kon Tum 6, Thái Nguyên 4.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27-4 đến nay là 110.436, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Thái Nguyên xuất hiện ca mới sau hơn 60 ngày không ghi nhận ca nhiễm.

Có 1.602 người được công bố khỏi Covid-19 trong ngày 27-7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 22.946. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bình Dương và 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long yêu cầu từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, người dân không ra đường để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Bình Dương, Bến Tre sẽ bắt đầu áp dụng từ 18 giờ ngày 28-7. Các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang thực hiện từ 18 giờ hôm nay 27-7.

UBND các tỉnh này yêu cầu lực lượng chức năng tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người ra đường không chính đáng, vi phạm quy định phòng chống dịch.

Các tỉnh sẽ triển khai việc phát phiếu mua hàng thiết yếu hộ gia đình theo ngày chẵn - lẻ, chia theo khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người, mỗi khung giờ tối đa là 2 tiếng.

"F0 không triệu chứng chuyển thành nặng chỉ trong vài giờ"

Chia sẻ với báo chí, chiều 26-7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định với biến chủng Delta, có những bệnh nhân Covid-19 từ không triệu chứng chuyển thành nặng chỉ trong vài giờ, gây nhiều khó khăn cho ngành y tế.

"Điều này đòi hỏi việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân không triệu chứng hết sức quan trọng, đặc biệt ở các cơ sở thuộc tầng 1, tầng 2 trong mô hình tháp 5 tầng", ông Sơn nói.

Thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ thông tin một vài F0 trở nặng quá nhanh, không kịp đưa đi bệnh viện, tử vong tại nhà. Ông Sơn cho biết rất đau lòng trước những trường hợp chuyển nặng đáng tiếc này. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường truyền thông, giúp người bệnh phát hiện sớm các triệu chứng khó chịu. Khi ấy, quan trọng nhất là khả năng đáp ứng của ngành y tế, phải có người tư vấn, thăm khám, phải chuyển ngay đến cơ sở y tế.

Theo ông Sơn, TP.HCM vừa yêu cầu một số hãng taxi vào cuộc, sử dụng như lực lượng vận chuyển thêm để đến những nơi phong tỏa, những nơi có F0 tại nhà.

Thứ trưởng Y tế nhận định, dịch ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp. Với những biện pháp giãn cách đang áp dụng, thành phố sẽ dập được dịch. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài thế nào còn phụ thuộc sự chấp hành của người dân, kiểm soát của chính quyền và sự tham gia đồng bộ của hệ thống y tế.

Ông sơn cũng kỳ vọng nếu đáp ứng tốt, hy vọng hai tuần tới, cơ bản TP.HCM có thể kiểm soát được dịch.

Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục điều động nhân lực từ các địa phương chưa có dịch nặng trên toàn quốc, các bệnh viện tuyến trung ương, chi viện TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM được chi viện hơn 6.000 nhân sự y tế từ các nơi và còn nhiều đoàn y tế cả nước đã đăng ký, đang chờ lệnh điều động của Bộ Y tế để lên đường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày