Ngày Mẫu thân nạn

GNO - Trong một lần đi dự tiệc sinh nhật của một người quen, buổi tiệc rất to ở một nhà hàng rất bự, thực khách là bạn bè đến tham dự buổi tiệc chắc cũng khoảng vài trăm người; ai cũng vui mừng chúc tụng nhân vật chính của buổi tiệc, tặng quà, ăn uống rất sôi nổi, cho đến khi có một vị thầy được mời phát biểu. 

Thầy ấy nói rằng: ngày sanh nhật, theo quan niệm của người Đài Loan thì đó là Ngày Mẫu thân nạn. 

49a510c2_sinh-nhat.jpg

Sinh nhật, kỷ niệm Ngày Mẫu thân nạn - Ảnh minh họa

Mọi người bỗng im lặng để lắng nghe thầy nói về cái ngày… vui ấy, sao lại là Ngày Mẫu thân nạn? Thầy từ tốn nói, ngày đó, của năm tháng nào đó, cách đây bao nhiêu năm đó có một người mẹ chuyển dạ lâm bồn. Cơn đau sản thấu đến chín tầng trời, thân xác quằn quại, máu huyết dầm dề khi đứa con chào đời là một “tai nạn” mà bất kỳ ai có thiên chức làm mẹ đều trải qua.

Thời khắc con chào đời là thời khắc đớn đau thân xác tột cùng của mẹ, nguy hiểm cũng trăm phần… Nhưng, chỉ cần con cất tiếng khóc, lòng mẹ quên hết cơn đau, hạnh phúc muôn phần. Trong kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Đức Phật dạy về điều này:

“... Mười tháng là đến kỳ sanh

Đứa con hiếu thuận xuôi mình ra luôn

Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu

Nó vẫy vùng đạp quấu lung tung

Làm cho cha mẹ hãi hùng

Sự đau sự khổ không cùng tỏ phân

Khi sanh đặng muôn phần khoái lạc

Cũng ví như được bạc được vàng…”

“Cái ơn ấy thiết nghĩ quý vị nên nhớ, để mỗi năm đến ngày sinh nhật, quý vị nên làm lễ tri ân mẹ hơn là ăn uống, nhậu nhẹt, làm tiệc làm tùng vui vẻ riêng một mình mình”, thầy nhắc. Ở góc nhỏ của buổi tiệc tôi lặng người, mà chắc nhiều quan khách hôm ấy cũng lặng người bởi “tiếng chuông” của vị thầy vừa “điểm” để nhắc nhớ.

Nhắc nhớ để những người hôm ấy, và tôi không được quên ơn sanh thành của mẹ (tất nhiên có cả cha) nhưng với mẹ thì thời khắc sanh con vô cùng khó nhọc, hiểm nguy và cũng là thời khắc thiêng liêng nhất.

Nhắc để những người hôm ấy và tôi đừng bao giờ vì những cuộc vui trong ngày sinh nhật mà “tới bến” với những rượu bia, tăng hai, tăng ba mà quên mất một bó hoa hay một lời cảm ơn từ phương xa cho mẹ, cho ba. Nhớ như thế, làm như thế và hơn thế là phát tâm làm những việc thiện lành, ý nghĩa rồi gửi cho mẹ vô vàn kính yêu công đức ấy. Nói rằng con yêu mẹ, con cảm ơn mẹ, con xin sẻ chia những giá trị lành, đẹp này cho mẹ… Ôm và hôn mẹ vô vàn kính yêu với tình thương và sự biết ơn sâu kính!

Cảm ơn thầy đã nhắc, và con xin được sẻ chia điều ấy đến cộng đồng, những mong ai cũng trọn lòng hiếu kính với mẹ, với cha…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày