Ngày xuân tản mạn với cây mai

NSGN - Mai là biểu tượng của ngày xuân. Mai - cùng với tùng, cúc, trúc - được xem là hình tượng của người quân tử ở phương Đông. Và nó là đối tượng để mặc khách, tao nhân ngâm vịnh bao đời.

hoa-mai-dep-4.jpg

Nhà thơ Nguyễn Trãi có những câu thơ nôm rất bình dị mà rất hay về mai :


Đạp trúc, bước qua lòng suối,
Thưởng mai, về đạp bóng trăng.

Hai câu thơ đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Lâm Hòa Tĩnh tức Lâm Bô, nhà thơ đời Bắc Tống, được gọi là “Tây Hồ ẩn sĩ”. Ông một mình ở Tây Hồ, nuôi hạc trồng mai, và thường bảo lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con. Bài thơ “Sơn viên tiểu mai”, với hai câu được xem là thần cú, đã gắn liền hình ảnh nhà thơ ẩn dật với cành mai.

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.

疏 影 橫 斜 水 清 淺 ,

 暗 香 浮 動 月 黃 昏 。


Nước soi nghiêng bóng mai gầy,
Dưới trăng, hương nhẹ thoảng bay trong chiều.

Trương Trào, một tay tài tử lỗi lạc đời Thanh, cho là “Mai lấy Lâm Hòa Tĩnh làm tri kỷ” Yêu mai đến mức lột tả được hình ảnh phiêu dật của mai qua hai câu thơ đó, được mai xem là tri kỷ cũng là điều dễ hiểu. Trương Chi Hạc có hai câu đối tuyệt diệu về mai, cũng đáng để ta nói : “Mai lấy Trương Chi Hạc làm tri kỷ”.

Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm,

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

四 海 論 交 求 古 劍;

一 生 低 首 拜 梅 花。

Đi khắp bốn biển bàn chuyện giao du, giống như đi tìm cây kiếm cổ. Suốt một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai. Câu đầu tràn đầy hào khí mà vẫn thanh cao, câu sau bộc lộ ngạo tâm mà vẫn vô cùng tĩnh dật.

Cau doi Mai (hinh).png

Ở Việt Nam, hai câu này thường được gán cho nhà thơ Cao Bá Quát, với bốn chữ đầu “Tứ hải luận giao” đổi thành “Thập tải luân giao”.

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Có tư liệu cho rằng đây là câu đối của tri phủ Hà Dương tặng cho Nguyễn Tư Giản (1823- 1890), khi ông này đi sứ Trung Hoa vào năm 1868. Nhưng hầu như rất nhiều người khẳng định tác giả hai câu trên là nhà thơ Cao Bá Quát, và ca ngợi đây là hai thơ thuộc loại thần bút, nói lên cốt cách của họ Cao. Nhưng dường như chẳng ai cho biết hai câu này được lấy từ bài thơ nào của ông. Theo chỗ tôi tìm hiểu, dường như Cao Bá Quát có một bài thơ về hoa mai là Tài mai (trồng mai).

Thí tương mai tử trịch sơn gian,
Nhất ác thanh tư ký bích loan.
Ký thử lai thì xuân sắc hảo,
Dữ nhân cộng tác hoạ đồ khan.

(Tạm dịch: Thử đem một hạt mai ném vào giữa núi, Tư chất thanh nhã của cây mai gởi vào vách đá biếc. Gởi ở nơi đó đến mùa xuân tươi đẹp năm sau, nó sẽ tạo nên một bức tranh xinh đẹp cho mọi người xem).

Bài thơ này cũng chẳng cho ta thấy có gì giống với hai câu “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.” cả. Mà hai chữ “luân giao” (輪 交?) cũng chưa thấy ai giải thích ý nghĩa của nó.

Nếu cho rằng hai câu đó là của Cao Bá Quát và có thể được truyền sang tận Trung Quốc trong quá trình ngoại giao, giả dụ là thế, thì đó là điều đáng để ta tự hào. Nhưng câu đối đó, nếu là của nhà thơ họ Cao, thì nó được viết trong trường hợp nào, vào thời điểm nào? Hai câu đối với nội dung đáng để lưu danh hậu thế như vậy, không lẽ chẳng một ai hay biết?

Lần đầu tiên, khi nghe hai câu thơ này, phần ý nghĩa nội dung hiển nhiên là tuyệt diệu, không có gì để nói, nhưng cách dùng chữ khiến tôi cứ ngợ ngợ, cảm thấy như có điều gì chưa ổn. Thơ Đường luật rất trọng các vế đối, trong các câu đối thì từng chữ lại càng được xem trọng, bởi tính cô đọng, hàm súc của nó. Hai chữ “thập tải” (mười năm) đóng khung tâm tình người viết trong một thời gian quá hạn hẹp, không nói lên được ngạo khí của họ Cao. Điều đó đã đành. Mà vế đối cũng không hay, nếu không nói là bình thường, vì dùng một khái niệm về thời gian là “Thập tải” để đối với một khái niệm thời gian khác là “Nhất sinh” (một đời). Đem thời gian đối với thời gian, thì nội dung trong đó không còn là “đối” nữa, chứng tỏ bút lực người viết không cao, khiến bài thơ - nếu có - mất đi phần đặc sắc, và văn phong không còn mang khẩu khí của người được xưng tụng là “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán” nữa. Nên tôi cho rằng hai câu này không thể là của Cao Chu Thần được. Hơn nữa, một người kiêu ngạo như họ Cao làm gì có chuyện đạo thơ người khác để làm của mình! Đem không gian của “Tứ hải” để đối với thời gian của “Nhất sinh”, mới đúng nghĩa là “đối”. “Tứ hải”, nói về khoảng rộng bao la của không gian bao trùm thế giới, mới đáng để đối với “Nhất sinh”, nói về chiều sâu thăm thẳm của thời gian trọn một kiếp người.

Mạng internet hiện nay đã giúp thế giới trở nên minh bạch hơn, công khai hơn. Nên những tác phẩm nào, nội dung thơ văn nào mà trước kia còn mập mờ chưa rõ xuất xứ thì ta nên để cho chúng được “Châu về Hợp Phố”, khi có điều kiện. Tôi đã tìm thấy trên mạng, ảnh hai câu đối trên của Trương Chi Hạc, được chụp lại trong một cuộc bán đấu giá, không rõ năm nào. Trương Chi Hạc là nhà thư pháp đời Thanh, tự Vân Giai 雲 階, sống vào khoảng giữa hai đời vua Đồng Trị và Quang Tự, người đất An Huy. Ông rất sùng mộ thư pháp của Vương Hy Chi, nhưng tự lập thành một trường phái riêng, giỏi về chữ khải. Chữ viết của ông thì xinh đẹp nhưng bút lực thì mạnh mẽ. Phong tư tiêu sái như thần tiên. Chữ viết và tranh vẽ của ông đều được xếp vào hàng diệu phẩm.

Trong hai câu đối đó, với khổ 100cm x 200cm, có ghi lạc khoản rõ ràng. Lạc khoản là những dòng chữ nhỏ trên bức liễn hay câu đối, ghi thông tin ngắn về địa điểm, ngày tháng, tên của người nhận và người viết, v.v... Lạc khoản chia thành thượng khoản và hạ khoản. Theo quy ước trong một câu đối, hay một bức thư pháp thì thượng khoản ghi tên của người được tặng bức thư pháp, gồm: tên của người nhận, cách xưng hô và những lời nói khiêm tốn của người viết. Hạ khoản gồm thời gian, địa điểm, và tính danh hay biệt hiệu của người viết thư pháp. Trong câu đối của Trương Chi Hạc, thượng khoản ghi: “Sĩ Khuê nhân lệ đại nhân pháp chính”; còn hạ khoản ghi: “Vân Cai tiểu huynh Trương Chi Hạc”.

Nhân lệ là nhân đệ, đây là cách xưng hô trịnh trọng của người cao tuổi đối với một người bạn còn trẻ, thường được dùng trong lạc khoản của các câu đối. Pháp chính là cách nói khiêm tốn, đại khái có nghĩa là “xin mời ngài xem và sửa giúp những chỗ còn vụng”.

Đây chắc hẳn là câu đối của Trương Chi Hạc tặng cho một người trẻ tuổi, tên là Sĩ Khuê. Sĩ Khuê tức Hoa Sĩ Khuê (1864-1942), người đất Vô Tích, Giang Tô, đậu cử nhân thời vua Quang Tự đời nhà Thanh. Ông này cũng là một nhà thư pháp lỗi lạc. Nhà thư pháp tặng câu đối cho một nhà thư pháp, cũng như nhà thơ tặng thơ cho một nhà thơ, đó là lẽ “thanh khí ứng cầu” của những tâm hồn đồng điệu.

Yêu hoa mai có nghĩa là yêu cái thanh kỳ, tao nhã. Nhận về mình cái không thuộc về mình, đó là điều mà người yêu hoa mai không thể làm. Tặng rượu cho tửu đồ, tặng kiếm cho tráng sĩ, đó là những việc làm khoái trá trong đời. Cho nên, để câu đối được “Châu về Hợp Phố”, tức trả lại cho Caesar những gì của Caesar cũng là điều làm khoái trá ngày xuân, của những người yêu thích hoa mai!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

89 bệnh nhân nghèo được chương trình "Ánh sáng từ bi", y bác sĩ Trung tâm mắt Trưng Vương phẫu thuật đem lại ánh sáng

Ban Từ thiện xã hội Phật giáo H.Tánh Linh tổ chức phẫu thuật mắt cho 89 bệnh nhân nghèo

GNO - Ngày 8-12, được sự tài trợ của nhóm thiện nguyện do Cindy An (Mỹ) làm đại diện, Sư cô Thích nữ Như Học, Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN H.Tánh Linh (Bình Thuận) đã tổ chức đưa bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Thuận đến Trung tâm Mắt Trưng Vương - Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM phẫu thuật đem lại ánh sáng.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự sách tấn chư Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM)

"Tăng Ni cần tu hành chân chánh để đánh tan những dư luận, nhiễu loạn không đúng về Phật giáo"

GNO - Đó là lời sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong buổi thăm Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024, do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, sáng nay 8-12.

Thông tin hàng ngày