Toàn cảnh xóm bãi ven sông Hồng - Hà Nội
Lây lất những phận đời
Mơ ước có được một mái nhà để tránh giông bão của cuộc đời, để vui vầy hôm sớm sau một ngày lao động cực nhọc ngoài xã hội là mơ ước chính đáng. Nhưng với những người dân ở xóm bãi ven sông Hồng thì khó mà mơ về nơi xa ấy. Những căn nhà trống hoác, tuềnh toàng. Mái nhà được “quăng” lên đủ các loại phế liệu; thứ phế liệu mà xã hội tiêu dùng đả thải ra một cách không thương tiếc: Nào nilon, nào bìa các tông, vỏ bao xi măng, nào lốp xe đạp, xe máy..v.v. Những đứa trẻ ngờ nghệch đến không thể ngờ nghệch hơn nữa giữa lòng Hà thành hoa lệ. Những khuôn mặt già trước tuổi đậm nét phong sương, lam lũ. Không có nơi vui chơi giải trí, không nước sạch, chỉ có rác, đồ phế thải làm bạn. Tất cả cứ như trôi đi, miên man vô định không biết đâu là bờ, là bến và không biết sẽ “kiệt sức” lúc nào vì thất học, vì đói kém, vì không hề được hưởng một chút gì từ hệ thống an sinh xã hội dù nằm gọn giữa Thủ đô Hà Nội. Con sông Hồng mang lại phù sa bồi đắp cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ trù phú là thế nhưng lại không thể mang đến cho người dân xóm bãi ven sông Hồng này một dòng nước sạch, an toàn để uống, ăn. Tất cả mọi sinh hoạt từ nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa đều là nước được lấy từ …dưới sông.
Sư cô Thích nữ Đàm chung tặng quà cho bà con xóm bãi
Thiên hạ đã chả nói “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, song với những người dân ở xóm bãi ven sông Hồng này thì ba ngày Tết sự no đủ đối với họ chỉ là hoài niệm. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường sẽ xảy ra hai phân cực lớn. Đó là sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận nắm trong tay tiềm lực kinh tế và sự bần cùng hóa của một lớp người không đất đai, không học thức, không tiền bạc. Vì thế, bên cạnh những tòa cao ốc chọc trời, những khách sạn Luxurious vẫn tồn tại những khu nhà ổ chuột, những phận người lây lất, vất vưởng giữa sự đến đi bên dòng đời ồn ã, xa hoa.
Cần lắm những tấm lòng
Thấu hiểu những nỗi nghiệt ngã, đau đớn mà những người dân xóm bãi ven sông Hồng phải gánh chịu, Sư cô Thích nữ Đàm Chung - trụ trì chùa Phổ Linh cùng các Phật tử của đã tổ chức chuyến “du xuân” giữa lòng đất bãi. Có đến nghe, trải nghiệm những gì đang diễn ra nơi đây mới thấm thía hai chữ “khổ khổ” mà khi xưa Đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng. Những gói quà Xuân, những thùng mỳ ăn liền, những phong bao lì xì chỉ có thể giúp họ vui vẻ, no đầy ba ngày Tết, còn cả một tương lai phía trước thì vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp. Ra về, hình ảnh những ngôi nhà, những phận người cứ bám riết lấy tôi. Băn khoăn lòng tự hỏi lòng đến bao giờ các tổ chức từ thiện xã hội sẽ vào cuộc, sẽ có sự quan tâm đúng mức đến những người dân xóm bãi ven sông Hồng này ? Sự phát triển chỉ có thể được khẳng định và mang tính bền vững khi đại bộ phận đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta đang ra sức thi đua, học tập, lao động và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để chào đón Hà Nội 1000 năm tuổi, chẳng lẽ chúng ta lại cứ “bằng lòng” để một xóm bãi ven sông Hồng nhếch nhác, tàn tạ ngang nhiên hiện hữu giữa Thủ đô ?
Chụp ảnh lưu niệm
Ai là người quan tâm đến họ, có thể sẻ chia với họ một chút vật chất tinh thần ? Tất nhiên không chỉ riêng gì các tổ chức từ thiện xã hội thuộc tôn giáo. Vẫn biết rằng có nhiều phận đời phải chấp nhận một mức sống dưới đáy xã hội này là điều không ai muốn, thế nhưng chúng ta vẫn có thể giúp họ thay đổi số phận bằng sự đồng lòng, sự giúp đỡ nguồn vốn để họ tự túc lao động kiếm sống. Và hơn nhất là cải thiện đời sống an sinh xã hội cho họ ở mức căn bản nhất.