Nghề Tết

GNO - Xuân về, đây thường là dịp để nhiều người nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình nhưng với một số người khác, hoàn cảnh chật vật, giá cả đắt đỏ, nên đây là thời điểm để kiếm tiền Tết, trang trải trong gia đình.

Vào khoảng thời gian cuối năm, nhiều công ty, xí nghiệp nghỉ Tết sớm,  một số người phải tranh thủ thời gian làm việc thêm để kiếm tiền sắm Tết. Dọc theo những con phố, và những... khu nghĩa địa, có rất nhiều người đang lam lũ với từng công việc khác nhau.

Người bán hoa thuê, người đánh bóng từng chiếc lư đồng, và có cả người kiếm tiền nhờ... người chết, ở các khu nghĩa trang ven Hội An. Thời gian này được xem là “mùa”cho một số nghề “lên ngôi”. Gọi là “mùa” theo cách gọi của dân lao động, chứ thực chất chỉ diễn ra vài ngày.

anh_2.jpg

Nghề đánh bóng lư đồng nở rộ ở Hộa An

 Dạo quanh các con đường ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn,Quảng Nam), dịch vụ đánh bóng lư đồng mọc lên như nấm. Những bộ lư đồng được cọ rửa sạch, phơi đầy trên bàn ghế, bên cạnh những người thợ cần mẫn. Giá cả của các bộ lư đồng được đánh bóng thường dao động từ 160.000đồng đến 200.000đồng nếu là loại lớn. Loại vừa thường có giá từ 100.000đồng đến 140.000đồng. còn loại nhỏ từ 60.000đồng đến 80.000đồng.

Mỗi khi Tết đến, ngoài làm các công việc khác để kiếm tiền, thì  có nhiều cư dân ở thị trấn Vĩnh Điện chọn nghề đánh bóng lư đồng làm nghề tay trái. Bởi lẽ ngày thường họ làm ở các công trình xây dựng, hoặc công nhân tại các khu công nghiệp nào đó. Mỗi “mùa” đánh bóng như vậy thường giúp họ thu nhập thêm vài triệu đồng.

Ông Lê Chín (47 tuổi) một người dân Vĩnh Điện chia sẻ: Tôi làm nghề đánh bóng lư đồng từ khi ông già tôi còn sống, cũng hơn hai mươi năm rồi. Ngày thường tôi làm nghề sửa xe, nhưng cứ Tết đến là tôi chuyển sang nghề đánh bóng lư đồng để kiếm thêm tiền. Đa số những người dân ở đây đều là khách quen của tôi. Để đánh bóng lư đồng hiệu quả, tôi thường dùng dung dịch dấm và nước để ngâm đồng, sau đó vớt ra và đánh khéo léo một chút để đồng được sáng, tránh thâm đen.

Lác đác trên những con phố ở Hội An cũng có một số “ông đồ” đang thong thả nắn nót từng dòng thư pháp kiếm tiền. Bạn Xuân, một sinh viên năm thứ 3 Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: Mình tranh thủ những ngày Tết để kiếm tiền bằng việc viết thư pháp. Nghề này kiếm tiền cũng khá, nên năm nào mình cũng làm đến 29 Tết mới về quê. Quê mình ở tận Quảng Bình. Thương bố mẹ, nên mình phải tự kiếm tiền để sắm sửa cho bản thân, và mua ít quà về cho em nhỏ.

Nhìn những dòng thư pháp như “phượng múa rồng bay” của Xuân, và những người bạn miền Trung khác nữa, tôi biết rằng nghị lực sống, nghị lực vươn lên để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, luôn song hành cùng với họ. Đa số những người bạn đó đều là sinh viên nghèo muốn bươn chải để kiếm tiền tiêu Tết và phụ giúp gia đình.

Mỗi năm chỉ vỏn vẹn có 3 ngày Tết nhưng với đa số người dân lao động nghèo khổ, đó còn là một gánh nặng. Nhắc đến Tết thì ai cũng cười, nhưng là một nụ cười buồn, cái buồn của gánh nặng mưu sinh.

Tết đến, giá cả tăng vọt, nên sắm tết đối với những người lao động nghèo, điều đó thật khó. Một số người làm thuê cả năm ở thành phố Hồ Chí Minh, được nghỉ Tết sớm, nên họ tranh thủ về quê kiếm thêm việc làm trong mấy ngày nghỉ.

Từ 7h sáng, tại các khu nghĩa trang ven thành phố Hội An và thị trấn Vĩnh Điện, có những người với mọi tuổi tác khác nhau tập trung lại đây, lỉnh kỉnh mang đủ thứ đồ đạc, thùng nước, chổi quét vôi, bàn chải...Để đợi người đến thuê.

Trong số đó, đa số các chị là nông dân bị mất mùa do trận lũ kéo dài vừa qua. Tết đã cận kề, nhưng họ chưa có tiền để mua sắm một thứ gì trong gia đình. Họ ra đây chỉ mong kiếm được vài đồng kha khá từ những gia đình có người đã khuất.

Chị Thủy (35 tuổi, trú tại Cẩm Thanh, Hội An) cho biết: “Nhà trồng mấy sào rau, nhưng mưa nắng thất thường. Chồng làm phụ hồ, nên gia đình tôi thu nhập bấp bênh quá, tranh thủ mấy ngày ni, tôi ra đây dọn dẹp mồ mả, nhổ cỏ và quét vôi để kiếm thêm tiền mua quà tết cho mấy đứa nhỏ. Nhìn gia đình khác chở nhau đi sắm tết, tôi cũng tủi thân lắm. Nhưng biết làm thế nào. Mình nghèo mà”.

Mong sao một cái Tết đầm ấm, yên vui với những phận người còn lầm lũi mưu sinh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày