Nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản

Đại Phật Kamakura tại đền Kotokuin (Nhật Bản)
Đại Phật Kamakura tại đền Kotokuin (Nhật Bản)
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thiền tông Nhật Bản gắn liền với hàng loạt các hình thức nghệ thuật nhất định, thường được nhắc đến với thuật ngữ “nghệ thuật thiền”.

Phần lớn các hình thức nghệ thuật đều gắn liền với các chùa chiền trong suốt tiến trình lịch sử của Phật giáo Nhật Bản, chẳng hạn như “trà đạo” (sadō), võ đạo (budō), hoa đạo (ikebana), hương đạo (kōdō), khô sơn thủy (karesansui) và thư pháp (shodō).

Ngay từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản ở thời kỳ Asuka (538 - 710), những nhà truyền đạo đã nhờ đến nghệ thuật để phát triển việc hoằng pháp và nâng cao lòng sùng kính của người dân đối với Phật giáo. Vào năm 604, Thái tử Shōtoku đã tuyên bố Phật giáo là quốc giáo của Nhật Bản trong bản hiến pháp 17 điều của mình. Sau đó, Phật giáo được áp dụng vào việc bảo vệ đất nước và nhờ đó tiếp cận được với những người chưa biết đến Phật giáo. Cũng với mục đích truyền bá, các cuộn tranh (emaki) đã được sử dụng để minh họa các đoạn trong kinh điển và các sự kiện trong lịch sử Phật giáo. Những cuộn tranh này đã mô tả Thái tử Shōtoku - người được xem là cha đẻ của Phật giáo Nhật Bản, hay những cảnh quan của cõi Tịnh độ, Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn những hành giả đã khuất, những câu chuyện giản dị về cuộc sống thiền môn và những thuyết ma quỷ. Vào thời trung đại, việc giảng giải Phật pháp thông qua tranh (etoki) cực kỳ phổ biến, nhưng ngày nay nó đã bị thay thế bằng truyện tranh và sách ảnh.

Thái tử Shōtoku và các quần thần

Thái tử Shōtoku và các quần thần

Tương tự như vậy, các bức tranh trong các ngôi chùa thường thể hiện những vấn đề cốt lõi của các truyền thống và thần thoại Phật giáo. Ấn tượng nhất là bức tranh cuộn khổng lồ hiện được trưng bày trong khu bảo tàng trên núi Hiei tại Enryaku-ji, bức tranh mô tả lịch sử của Phật giáo từ bài giảng đầu tiên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền qua đến Nam và Trung Á, Tây An và cuối cùng là núi Thiên Thai ở tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ở chính giữa bức tranh khổng lồ này, người ta có thể phát hiện ra Huyền Trang với hành lý của mình đang băng qua sa mạc trong chuyến hành trình gian khổ đến Ấn Độ để học tập và thỉnh kinh sách. Ngoài ra, trong một số ngôi chùa như Gokuraku-ji, ngôi chùa thứ 2 trong chuyến hành hương Shikoku, nghệ thuật thể hiện qua một bức tranh đồ họa mô tả địa ngục giống như thật và thể hiện một cách quy mô về sáu cõi luân hồi. Ở những ngôi chùa khác, chẳng hạn như Senkō-ji, ngôi chùa thứ 7 trong số 13 địa điểm Phật giáo nổi tiếng ở Ōsaka, ngôi chùa này thậm chí còn có cái gọi là “địa ngục” (jigokudō) bởi tại đây người ta có thể chứng kiến những vấn đề tồi tệ nhất trong tất cả các cõi tái sinh. Mặt khác, một số ngôi chùa, chẳng hạn như Tōdai-ji nổi tiếng ở Nara, đã được xây dựng theo cấu trúc ba chiều của Tịnh độ và chùa Garan trên núi Kōya được thiết kế như một mandala ba chiều.

Dĩ nhiên, không thể nói kể hết những tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản trong vài ba dòng. Trong quyển sách Thế giới tượng Phật (Butsuzō no sekai) của Shinnosuke Saijō, các bức tượng đã được mô tả một cách đặc sắc và chi tiết. Trong đó không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan và giải thích về biểu tượng của các vị Phật được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản, mà còn đưa ra một khuôn khổ bao quát để giải thích ý nghĩa đằng sau biểu tượng đó. Saijō đã sử dụng giáo lý Mật tông (mikkyō) của Đại sư Kūkai (Không Hải) để tạo ra một sơ đồ về sự phong phú của các bức tượng Phật trong các ngôi chùa Nhật Bản dựa trên triết thuyết về “tam giới” (traidhatūka): dục giới, sắc giới và vô sắc giới, và “mười cõi” (jikkai): 6 cõi dục và 4 cõi thức trong truyền thống Phật giáo Đại thừa. Saijō đưa ra năm loại tượng khác nhau: các vị Phật, các vị Bồ-tát, các vị Chuyển luân thánh vương (myō'ō), chư Thiên và các vị khác.

Chư Phật đã giác ngộ được Phật tánh của chính mình. Do đó, họ thường được thể hiện đang ngồi trên một bông hoa sen và được bao quanh bởi một vầng hào quang. Chư Phật được mô tả với một mái tóc xoăn đặc biệt, một chiếc y quấn nhã nhặn, ngoại trừ Đức Phật Dược Sư với hai bàn tay không và thủ ấn rất đặc trưng. Những vị gặp nhiều nhất ở Nhật Bản là Đại Nhật Như Lai, Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, và Phật Dược Sư. Đại Nhật Như Lai là hiện thân của vũ trụ và thường được miêu tả với hai bàn tay thủ ấn Kim cương, trong đó bàn tay phải nắm lấy ngón trỏ đang giơ lên của bàn tay trái. Thủ ấn này tượng trưng cho một sức mạnh siêu nhiên. Ngoài ra, Đức Phật Dược Sư cầm bình thuốc trên tay trái.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được khắc họa dưới bốn hình thức cơ bản: trong tư thế ngồi, đứng thẳng, ngồi thiền và cuối cùng là ở tư thế nằm tượng trưng cho sự nhập định của Ngài. Ở tư thế đứng thẳng, Ngài giơ tay phải của mình lên tạo thành hình chữ nhật, biểu trưng cho sự vô úy (semuiin), trong khi tay trái hướng xuống dưới tạo thành hình chữ nhật là biểu tượng của sự hoan hỷ chào mừng (yogan’in). Ở tư thế ngồi, cả hai tay của Ngài tạo thành hình bánh xe chuyển Pháp luân (tenbōrin’in). Trong tư thế thiền định, hai tay Ngài tạo thành thiền thủ ấn (jōin) thường được sử dụng cho thiền tọa (zazen) ở Nhật Bản, hoặc thủ ấn hàng phục ma quân (gōmain). Tư thế cuối cùng mô tả Đức Phật nằm, đưa tay trái đặt dọc với thân trong khi tay phải nâng lấy đầu. Đây là tư thế được cho là Đức Phật đã thực hiện vào lúc Ngài nhập Niết-bàn. Trên bàn chân của Đức Phật đang nằm thường được khắc bánh xe Pháp luân (hōrin). Ngoài ra, Đức Phật A Di Đà chủ yếu được khắc họa ở tư thế đứng hoặc ngồi, bắt tay theo một trong ba thủ ấn, mỗi thủ ấn biểu trưng cho thiền định hoặc giáo huấn (raigōin).

Hình Bồ-tát Quan Thế Âm 11 mặt của chùa Hasedera ở tỉnh Nara. Đây là một trong những cuộn giấy dài nhất ở Nhật Bản với chiều dài khoảng 16,5 mét và rộng 6,2 mét và nặng khoảng 125,5 kg, gần như bằng với chính bức tượng.
Hình Bồ-tát Quan Thế Âm 11 mặt của chùa Hasedera ở tỉnh Nara. Đây là một trong những cuộn giấy dài nhất ở Nhật Bản với chiều dài khoảng 16,5 mét và rộng 6,2 mét và nặng khoảng 125,5 kg, gần như bằng với chính bức tượng.

Tượng của các vị Bồ-tát thể hiện lòng từ bi và trí tuệ. Các vị Bồ-tát hầu hết được khắc họa trong tư thế ngồi hoặc đứng trên hoa sen và được thêm vào nhiều biểu tượng và pháp khí. Ví dụ, Bồ-tát Quán Âm (Kannon) có 11 đầu hoặc nghìn tay nghìn mắt, biểu trưng cho sự quán sát một cách rộng khắp và cứu giúp tất cả chúng sinh khỏi đau khổ. Bồ-tát Địa Tạng (Jizō) thường được miêu tả là một người du hành nhằm bảo vệ các du khách cũng như trẻ em và giải cứu người đã khuất khỏi địa ngục. Các vị Chuyển luân thánh vương là hiện thân của Đại Nhật Như Lai, bảo vệ Chánh pháp và cứu độ chúng sinh. Vị vua trí tuệ nổi tiếng nhất trong Phật giáo Nhật Bản là Bất Động Minh Vương (Fudō Myō’ō), ngài ngồi trên một tảng được đặt chính giữa ngọn lửa dục vọng đang bùng cháy, vẻ ngoài dữ tợn của ngài được cho là để hàng phục ma quỷ. Ngài vung thanh kiếm để chặt đứt phiền não, đồng thời mang theo một sợi dây để thu phục chúng sanh. Chư thiên được cho là các bậc hộ trì giáo pháp và chùa chiền. Trong số đó, người ta có thể tìm thấy các vị thần du nhập từ Đạo giáo và Ấn Độ giáo hoặc các nhân vật lịch sử, chẳng hạn như Không Hải đại sư (Kūkai) và các vị thần trong Thần đạo (Shintō). Thế giới tượng Phật phong phú ở Nhật Bản được biểu hiện như vậy.

Hệ thống đồ tượng này đã thể hiện giáo lý của Phật giáo và sức sống của các tín đồ Phật giáo Nhật Bản, những người đã liên tục khám phá ra cách thức mới để tu tập, thờ cúng và truyền bá giáo pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày