Ai cũng biết phóng sanh thục mạng là việc làm sinh phước, biểu hiện của lòng từ bi.
Hiện nay, phóng sanh không còn là việc làm của một riêng ai mà khá phổ biến, lan rộng trong quần chúng với mong muốn rằng việc làm của mình sẽ sanh phước đức, bạt trừ nghiệp chướng, kéo dài thọ mạng... Cũng vì thế mà phóng sanh trở thành một pháp biểu hiện lòng từ bi. Tuy nhiên, từ bi của đạo Phật luôn gắn liền với trí tuệ, có như thế từ bi mới đúng pháp.
Trong tất cả các việc làm, người ta đều quan tâm đến yếu tố nghệ thuật. Và việc phóng sanh cũng vậy, phóng sanh đúng pháp chính là một nghệ thuật.
Khi phóng sanh trở thành phong trào
Những ngày lễ lớn như Phật đản, lễ Vu lan mọi người chen chân đi mua cá, chim, ốc... để phóng sanh. Tranh nhau mua và hút hàng đến mức những chủ hàng cơ hội tăng giá thế mà các loài chúng sanh ấy vẫn không đủ để cung ứng. Thế là không ai nói với ai, cứ chuẩn bị đến các ngày lễ ấy mọi người lại đi tìm các ông chủ để “đặt hàng”. Mọi người đặt tiền trước để có cá, có chim... đến ngày lễ mà phóng sanh.
Trước nhu cầu của khách, các chủ hàng lại tăng cường thu gom sản phẩm. Rồi những người bẫy chim, chài lưới lại tăng cường đánh bắt suốt ngày đêm để cung cấp các loài sinh vật cho chủ hàng. Như thế các giống cá, chim, ốc bị khai thác một cách bừa bãi và tận thu từ loài lớn đến loài nhỏ dẫn đến hậu quả là một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.
Chúng sanh kêu khổ
Các ngày lễ lớn, mùa hội phóng sanh thì ai ai cũng hân hoan vui mừng. Thế mà các loài cá, chim lại than thở vì quá khổ.
Đang sống yên lành lại có người đến đặt bẫy, dùng lưới để bắt giam trong lồng, trong chậu mấy ngày liền. Không gian chật hẹp, thức ăn không có, tranh nhau ngoi ngóp... Đến ngày đem ra chợ, qua tay người khác lại mang đi hàng chục cây số. Rồi phải đợi đến làm lễ cầu nguyện xong chúng mới được thả ra. Có một điều quan trọng thật đáng lo là nơi các sinh vật ấy được thả ra lắm khi là một môi trường không phù hợp với chúng. Cá ao hồ đem thả ở sông; chim sống trong ruộng rẫy ở nông thôn lại đem thả ở vùng thành phố... Môi trường sống của chúng không phù hợp, sức khỏe của chúng bị suy giảm sau nhiều ngày giam cầm, thế là có không ít chúng sanh chết hoặc đuối sức sau khi phóng sanh.
Nghệ thuật phóng sanh
Thấy rõ cảnh ấy, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về việc làm của mình. Trước hết, phóng sanh không phải là phong trào, thấy người khác làm liền bắt chước. Hơn nữa phóng sanh không nhất thiết phải vào ngày lễ lớn. Nghệ thuật phóng sanh đơn giản là trong mọi hoàn cảnh ta đều có thể thực hành phóng sanh như cứu tổ kiến bị trôi theo dòng nước, giúp con giun đất đang nằm ở chỗ đất khô quằn quại tìm được chỗ trú ẩn, hay đi chợ gặp mấy con cá đang còn sống, đi đường gặp chú chim vừa mới mắc bẫy... ta mở lòng từ bi mua chúng và đưa đến thả đúng môi trường sống của chúng.
Ngoài ra, muốn tăng trưởng phước báu, thọ mạng dài lâu, không bệnh tật thì hàng ngày cần thực hành pháp ăn chay, niệm Phật.
Phóng sanh cần phải tùy hoàn cảnh, điều kiện và quan trọng hơn hết cần phải được soi tỏ bằng trí tuệ nhằm mang đến sự sống đích thực cho chúng sanh. Có như vậy phóng sanh mới đúng pháp, mới thể hiển được lòng từ bi nhiệm mầu của đạo Phật.