Nghề tranh kiếng ở huyện cù lao Chợ Mới

GN - Từ thị trấn Thanh Bình (Đồng Tháp) qua đò Chợ Thủ là đến địa phận huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi có nhiều làng nghề truyền thống rất nổi tiếng như: nghề mộc Chợ Thủ, nghề đan lát Kiến Thành, nghề đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp... Đặc biệt là nghề vẽ tranh trên kiếng ở xã Long Điền B...

Công phu tranh kiếng

Ông Trần Bá Thuận (Tư Thuận), một thợ vẽ tranh bậc thầy ở xã Long Điền B cho biết: “Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện khoảng đầu năm 1950 và phát triển mạnh ở các xã Long Điền, Long Kiến, Long Giang... Trong những năm gần đây, tại xã Long Điền B thế mạnh truyền thống của nghề tiểu thủ công nghiệp khá độc đáo này đã được phát huy...”.

TT.jpg
Thợ tranh kiếng ở huyện Chợ Mới

Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, việc thờ phụng chư Phật, Bồ-tát, tổ tiên luôn được coi trọng. Do đó, tranh thờ cần thiết cho mọi gia đình, vừa thể hiện lòng tín ngưỡng vừa tạo mỹ quan cho nội thất căn nhà. Do đó, ở nông thôn An Giang, mỗi bàn thờ gia đình đều thường tôn trí ít nhất một bộ tranh thờ, tạo được không gian tâm linh ấm áp ở mỗi gia đình.

Người dân ở cù lao Chợ Mới thường gọi các điểm vẽ tranh là “xóm tranh”, “làng tranh”. Một xóm tranh kiếng có hàng trăm hộ vẽ tranh. Phần lớn tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo lịch sử, truyền thuyết, truyện cổ tích như: Lịch sử Phật Thích Ca Mâu Ni, các truyện Tấm - Cám; Lâm Sanh - Xuân Nương, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa; Lục Vân Tiên; Lưu Bình - Dương Lễ; tranh phong cảnh; tranh hoa quả, tranh thờ với những câu đối như “Tổ công, Phụ đức, thiên nhiên thịnh/ Tứ hiếu, tôn hiền, vạn đệ vinh”...

Thông thường, một bộ tranh có 4 khung: một khung hoành phi, một khung giữa và hai khung liễn đối hai bên. Một sản phẩm tranh vẽ trên kiếng được chia thành 4 công đoạn: Trước tiên là cắt kiếng theo quy cách định hình bức tranh; kế tiếp là in lụa trên kiếng bằng mực tàu những đường nét, hoa văn, vành viền... Sau đó, thợ vẽ sẽ tô màu, gắn sao nháy, phơi bản... cuối cùng vô khuôn gỗ và xuất xưởng.

Tại một cơ sở vẽ tranh ở ấp Long Tân, chúng tôi thấy có 4 đến 5 thợ vẽ tranh từ 15 đến 17 tuổi đang cầm cây cọ trên tay. Họ miệt mài sơn phết thật uyển chuyển, điệu nghệ trên những tấm kiếng đủ mọi kích cỡ đã được định hình sẵn các loại hoa văn, vành viền và họa hình bên trong theo một chủ đề có sẵn bằng kỹ thuật in lụa với đường nét rõ ràng, sắc đẹp...  Sơn phết màu là khâu hoàn chỉnh bức tranh, công việc không khó nhưng đòi hỏi người thợ phải thuần thục, khéo léo và chính xác... Nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương cũng học và làm nghề vẽ tranh trên kiếng. Người có lưng vốn thì mở cơ sở làm chủ, người ít vốn thì đi vẽ tranh mướn, kiếm thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng…

Anh Sáu Đức ở xã Long Điền B có 3 đứa con đi vẽ tranh mướn cho một cơ sở bộc bạch: “Hàng tháng, mỗi cháu kiếm thu nhập trên dưới 1,2 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí ăn uống mỗi ngày. Trung bình, cứ sơn màu xong một bộ 4 tấm tranh được hưởng công 40.000 đồng. Thu nhập của mỗi cháu đi vẽ tranh mướn khá hơn so với đi làm ruộng mà lại không phải vất vả ngoài trời mưa, nắng...”.

Nỗi lo tranh thờ mai một

Hiện nay, các xóm tranh kiếng có hơn 1.000 hộ làm nghề này, thu hút khá đông lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận. Tranh kiếng được đông đảo người dân nông thôn ưa chuộng, từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Mỹ Tho đến Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên... Nhờ nghề vẽ tranh trên kiếng mà nhiều gia đình ở huyện Chợ Mới thoát khỏi cảnh nghèo.

Anh Lê Thanh Hùng, một thợ vẽ tranh kiếng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề ở ấp Long Thuận, xã Long Điền B tâm sự: “Trước kia, vẽ các mẫu tranh đều do các nghệ nhân làm nhưng từ ngày có kỹ thuật in lụa, các nghệ nhân dần dần thất nghiệp. Ngày nay, xóm tranh  kiếng phụ thuộc vào kỹ thuật in lụa màu rõ đẹp hơn, nhanh hơn, có thể sản xuất hàng loạt. Vì vậy, tính chất truyền thống thủ công của nghề cũng đã bị mai một”. Nhờ kỹ thuật mới, mỗi người thợ có thể đảm trách thực hiện nhiều khâu, trung bình từ 3 đến 4 ngày, một lao động làm hoàn thành 10 bộ tranh. Bình quân, mỗi hộ xuất xưởng từng đợt từ 500 đến 700 bộ tranh.

Tuy nhiên, hiện nay, các xóm tranh ở Long Điền, Long Giang, Long Kiến, huyện cù lao Chợ Mới vẫn còn một bộ phận gia đình nghèo, thiếu vốn mua gỗ, kiếng, nước sơn... phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao. Thêm vào đó, đầu ra của sản phẩm tranh kiếng ngày càng giảm do người mua tranh thờ hầu hết ở nông thôn, cả đời người chỉ mua một đến hai lần; còn người thành thị thì rất ít chuộng loại tranh này.

Do đó, nghề tranh kiếng dù có nguồn gốc từ lâu đời (khoảng 100 năm) nhưng nỗi lo thất truyền vẫn có thể xảy ra vì hiện nay khâu tổ chức giới thiệu sản phẩm ở làng nghề còn hạn chế, sản phẩm chưa thu hút nhiều đối tượng sử dụng. Đây cũng là những điều trăn trở của nhiều làng nghề vẽ tranh kiếng ở huyện cù lao Chợ Mới. Điều các xóm nghề trăn trở nhiều nhất là các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống độc đáo này ở địa phương. Đừng để nghề vẽ tranh trên kiếng bị mai một và lụi tàn theo thời gian.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày