Nghe "tụng kinh, trì chú"

Nghe "tụng kinh, trì chú"
Giác Ngộ - HỎI: Hàng ngày tôi đều nghe trì chú Đại Bi bằng cách mở máy vi tính, gắn tai nghe (headphone) để nghe, rồi cầm cuốn kinh để đọc thầm hoặc dò theo. Đôi lúc thì tôi ngồi (hoặc nằm) nghe kinh hoặc nghe niệm Phật cũng từ tai nghe nối với máy vi tính. Xin hỏi như vậy thì có được gọi là trì niệm kinh chú không?

Lại nữa vì ở trong phòng riêng nên tôi không mặc áo tràng, chỉ mặc quần áo ở nhà bình thường. Trì niệm kinh chú theo cách như vậy có mang tội bất kính không? Xin quý Báo cho biết để tôi tu niệm tinh tấn hơn.

(KT, trai_tim_bang_110@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn KT thân mến!

Ứng dụng các phương tiện hiện đại để nghe kinh, niệm Phật và trì chú cũng là một trong những phương cách tu học hay, sáng tạo. Ngày nay, khi mà những loại máy nghe, điện thoại hay máy vi tính có khả năng nghe nhìn nhiều thứ được xem như vật bất ly thân thì việc vận dụng các tiện ích của những phương tiện ấy cho tu học lại càng thuận tiện hơn.

Nói chung nghe kinh, niệm Phật và trì chú hàng ngày từ các phương tiện nghe nhìn hiện đại ở mọi lúc mọi nơi là điều tốt. Đây cũng là một cách gieo trồng những hạt giống thiện lành vào tâm thức, có tác dụng làm cho tâm tư an tịnh và thảnh thơi.

Cách nghe kinh, niệm Phật và trì chú này, ở mọi lúc mọi nơi, trong tinh thần phương tiện thì không có gì là bất kính hay phải tội với Tam bảo cả, tuy nhiên không thể xem đó là một thời khóa công phu tu tập tụng niệm bình thường.

Do vậy ngoài cách nghe kinh chú như từ trước đến nay, bạn cần xây dựng một thời khóa tu tập cố định với một thời điểm và thời lượng nhất định trong ngày, như khoảng 30 phút trước khi đi ngủ chẳng hạn. Mở băng đĩa trì tụng kinh chú lên, gắn tai nghe vào, không nên nằm mà ngồi ngay thẳng trên ghế (hay trên giường) để nghe. Nếu ngồi đối diện với màn hình máy vi tính có hiển thị hình ảnh Phật, Bồ tát càng hay.

Tốt nhất nên ngồi kiết già hay bán già, cũng có thể ngồi bình thường hai chân chấm đất như ngồi ghế. Lưng thẳng, thả lỏng toàn thân, tâm nhiếp vào kinh chú đang nghe, miệng niệm thầm theo.

Ngay giờ phút ấy, ba nghiệp thân khẩu ý được thâu nhiếp và trở nên thanh tịnh. Thực tập được như vậy mới có thể tạm gọi là công phu “trì niệm kinh chú”. Sau thời gian công phu (30 phút hay nhiều hơn), bạn cần xả thiền thư giản toàn thân rồi có thể tùy nghi làm việc hoặc nghỉ ngơi.

Chúc  bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày