GN - “Có lúc, tôi từng muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận, nhưng mỗi khi suy sụp thì chính ánh mắt hồn nhiên, trong veo của học trò và những đứa con thơ dại đã giúp tôi bừng tỉnh. Bản thân phải chấp nhận và ‘chiến đấu’ với căn bệnh quái ác...”.
Đó là những lời chia sẻ tận đáy lòng của cô giáo Phạm Thị Tường Vy, 42 tuổi, trú tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), hiện đang giảng dạy môn Hóa, ở Trường THPT Nguyễn Khuyến trong cuộc trò chuyện với phóng viên.
Tai họa bất ngờ
Nhớ về những ngày tháng “đấu tranh” với căn bệnh hiểm nghèo, cô Vy không giấu được sự xúc động. Đầu năm 2014, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, các bác sĩ tại đây chẩn đoán rằng cô Vy mắc ung thư vú nhưng ở giai đoạn sớm nên còn cơ hội, phải chữa trị nhanh chóng và đúng phương pháp.
“Khi mới cầm bệnh án, tôi không tin vào sự thật phũ phàng này. Cảm giác sốc, đau đớn và tuyệt vọng khi nghĩ đến bệnh tật và ai sẽ là người chăm sóc cho đứa gái út của mình khi con mới vài tháng tuổi”, cô Vy bật khóc, nhớ lại.
Cô giáo Phạm Thị Tường Vy đã vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề giáo
Lặng lẽ thu xếp công việc, cô vào TP.Hồ Chí Minh nằm viện gần hai tháng liên tục để hóa trị với nỗi lo phập phồng thường trực. Nhiều tháng sau đó, dù sức khỏe không được tốt và tóc bị rụng gần hết do ảnh hưởng của các đợt hóa trị nhưng cô Vy đã miệt mài lên bục giảng, tìm niềm vui trong công việc giảng dạy hàng ngày với học trò và đồng nghiệp.
Trước đó, năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô được phân công lên “cắm bản” ở một trường THPT thuộc huyện miền núi Đông Giang - nơi khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Nam.
“Các học trò của tôi là đồng bào Ca Dong, Cơ Tu hoàn cảnh cơ cực nhưng rất ham học. Nhiều em sau khi rời ghế cấp 3 đã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và về giữ nhiều vị trí quan trọng của địa phương. Thỉnh thoảng, các em cũng xuống thăm tôi và gửi tặng những sản vật vùng cao làm quà, tự nhiên tôi thấy rất ấm lòng”, cô Vy chia sẻ thêm.
Sau 8 năm gắn bó với huyện vùng cao Đông Giang, cô Vy được chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, địa phương nơi cô sinh ra cho đến nay.
Đến với thiền
Bệnh tật hành hạ, thời gian đầu cô không thể chợp mắt được khi nghĩ đến bệnh tật, nghĩ đến tương lai... Cơ thể bị sút cân nghiêm trọng, tóc rụng gần hết, các khối hạch, phù nề ở nách nổi lên ngày càng nhiều khiến cô Vy thêm lo lắng.
Với khát khao sống mãnh liệt, “nếu không thể cản những đợt sóng thì tốt nhất là học cách lướt trên con sóng”, cô Vy đã tự nhủ. Cô tìm hiểu về phương pháp chữa trị căn bệnh của mình qua sách báo và may mắn được sự giới thiệu của một người bạn về phương pháp thiền sinh học. Cô Vy đã cất công vào huyện Phù Cát (Bình Định), nơi có người thầy truyền đạt phương pháp này để tiếp thu.
Trở về nhà, mỗi sáng thức dậy, cô Vy đều ngồi thiền tĩnh tâm khoảng một giờ trước khi đi dạy và chọn ăn chay trường, đi chùa thường xuyên. Trong thời gian ngắn, các dấu hiệu phù nề ở nách của cô Vy biến mất hoàn toàn.
Sau nhiều lần tái khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, các bác sĩ tại đây đều rất ngạc nhiên, khi chỉ số đường trong máu của bệnh nhân Phạm Thị Tường Vy rất thấp. Xuyên suốt hai năm qua, cô Vy vẫn giữ cho mình một chế độ ăn kiêng hợp lý cùng với việc ngồi thiền tĩnh tâm mỗi ngày.
Gần mười năm qua, cứ mỗi kỳ tuyển sinh đến là cô Vy lại tất bật đi gõ cửa nhiều nơi để xin học bổng cho những học trò nghèo, hiếu học, và cô vẫn dành thời gian để luyện thi đại học miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Khi bệnh tật đã thuyên giảm một phần, cô Vy nguyện sống hết mình với bục giảng và công tác thiện nguyện. Cô thường xuyên quyên góp quần áo ấm, sách vở để sẻ chia với học trò vùng cao Đông Giang, nơi cô từng giảng dạy và gắn bó nhiều năm.
“Tôi nghĩ cuộc sống luôn có những thử thách nhưng khi vượt qua, nó sẽ giúp ta nhận biết, cảm nhận được những giá trị của cuộc sống. Tôi muốn nỗ lực để không phụ tình yêu thương của học trò và những người thân yêu đã giúp tôi vượt qua bạo bệnh”, cô Vy chia sẻ.