Nghĩ từ chuyện của Yushi

GN - Yushi Morimoto là một người bạn cũ của tôi. Khá lâu không liên lạc với Yushi nhưng tôi vẫn luôn nghĩ về cậu ấy - một nỗi nhớ mơ hồ, không chỉ nhớ về một con người, mà về một vùng đất, về những câu chuyện cũng như việc làm của Yushi.

Thỉnh thoảng tôi lên mạng dõi theo những bước chân Yushi, và mơ hồ đâu đó một sự thèm khát được quảy gói ra đi, mơ hồ cả sự ngưỡng mộ về con người hiến dâng tuổi thanh xuân cho nỗi đam mê và niềm tin bất tận.

Lúc ấy vào khoảng giữa năm 2007. Tôi đang trọ tại Dharamsala, Ấn Độ trong một căn phòng nhỏ ven đồi. Tôi hay lang thang đây đó tìm hiểu về cuộc sống của người Tây Tạng và tham gia những lớp tiếng Anh dành cho họ.

1 thay Kien1.jpg

Yushi và những phụ nữ Nepal tại một ngôi làng ở Damak, năm 2013

... Tôi kể chuyện của tôi và Yushi không đơn thuần như kể về một câu chuyện, mà muốn nói lên một nỗi niềm. Thực ra, Phật giáo hiện nay rất cần những hoằng pháp viên nhiệt tình, năng nổ, giản dị và dấn thân hết mình giống Yushi...

Vào một buổi chiều muộn, trong một lớp học, tôi bắt gặp Yushi. Gương mặt trắng trẻo, cặp mắt một mí, mái tóc dài cột túm đuôi gà trông như con gái, Yushi gây cho tôi một cảm tình đặc biệt vì sự thân thiện, dễ gần. Cậu ấy đến lớp để trò chuyện với các học viên, giúp họ trau dồi Anh ngữ. Sau này, tôi biết Yushi không chỉ đến dạy tiếng Anh, mà còn một sứ mệnh lớn lao hơn...

Cuối buổi học, tôi mời Yushi đi uống chai - một loại trà sữa Ấn Độ. Suốt hai giờ, Yushi kiên nhẫn ngồi nghe tôi trò chuyện bằng một thứ tiếng Anh bập bẹ. Lúc sắp chia tay, Yushi hỏi tôi liệu cậu ấy có thể đến chỗ tôi ngủ một đêm được không, vì Yushi mới tới và chưa tìm được chỗ trọ. “Nếu chật, tôi có thể ngủ dưới đất cũng được”, Yushi nói. Tôi gật đầu nhận lời: “Không sao, tôi ở một mình, giường rộng nên có thể chia đôi”.

Yushi kể, lúc đến Việt Nam, cậu ấy toàn ở những nhà trọ rẻ tiền, lắm khi ngủ trên sân thượng, một đêm chỉ tốn 30 nghìn đồng. Tôi mắt tròn mắt dẹt. Năm 2006, ở Việt Nam, tôi chưa nghe ai thuê chỗ nghỉ qua đêm giá “bèo” đến thế.

Về nhà, tôi tranh thủ nấu bữa tối. Chỉ là những món chay đơn giản nhưng Yushi ăn rất ngon miệng. Ăn xong, Yushi giành rửa chén, bảo như vậy mới công bằng. Tôi nói, vậy cũng được. Cả hai cùng cười.

Trong lúc Yushi rửa chén, tôi tranh thủ dọn giường, định nhường cái mền cho khách nhưng Yushi bảo cậu ấy dùng túi ngủ quen rồi. “Tôi từng qua đêm ở sa mạc, nằm trên cát với cái túi ngủ trùm kín người”, Yushi kể. Tôi không hiểu vì sao một người gốc Nhật nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ như Yushi lại có thể ăn đơn, sống giản, còn có phần “bụi bặm” như vậy. Lúc đó, Yushi vừa tròn 25 tuổi, nhưng đã đi qua được hơn 20 quốc gia. “Để thỏa niềm đam mê thôi”, Yushi nói. Và tôi đã tin như vậy. Tin và ngưỡng mộ!

Chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. Yushi “good night” rồi hỏi tôi liệu có thể để đèn một lát được không? Tôi bảo không sao. Yushi bèn lôi trong ba-lô ra một quyển sách - quyển sách duy nhất mà cậu ấy mang theo - đó là quyển Thánh kinh, “Holy bible”. Chúng tôi, trên cùng một chiếc giường, phía bên kia một người ngồi đọc Thánh kinh, phía bên này một người ngồi niệm Phật. Lát sau, Yushi gấp Thánh kinh bỏ trên đầu nằm và tôi cũng ngả lưng xuống. Chúng tôi ngủ. Lần đầu tiên trong đời tôi ngủ cùng với một người lạ, và ngủ trong một tình cảnh hết sức đặc biệt!

Đêm đầu tiên của tôi và Yushi diễn ra như thế. Sau đó, chúng tôi còn có những 60 đêm giống y như vậy. Bởi sáng hôm sau, trong bữa ăn đạm bạc, tôi đề nghị Yushi rằng, nếu không cần đến một chỗ ở tốt hơn, thì Yushi có thể ở cùng tôi. “Ồ, như vậy thì thật tuyệt”, Yushi nói. Vậy là chúng tôi trở thành bạn cùng phòng. Tôi nấu gì Yushi ăn nấy. Mỗi ngày tôi đều tranh thủ đến lớp tiếng Anh, còn Yushi đi giao lưu, dạy học đây đó, kết bạn với rất nhiều người, trong đó có những vị sư Tây Tạng. Thứ Bảy, chúng tôi thường đi chơi với nhau. Chủ nhật, Yushi lặn lội đến nhà thờ cách đó tầm 10km để cầu nguyện và hát. Ngôi nhà thờ Thánh John ấy, theo tôi biết, là ngôi nhà thờ Chúa duy nhất tại vùng này. Đêm đêm, Yushi vẫn đọc kinh, và tôi niệm Phật, “hồn ai nấy giữ”.

Yushi là người rất nhiệt tình, hoạt bát. Cậy ấy có thể làm bất kỳ việc gì trong khả năng để giúp đỡ người khác. Đến đâu Yushi cũng chụp ảnh, ghi chép cẩn thận. Ngược lại, cậu ấy cũng rất sẵn lòng nhận những món quà tặng đơn giản của ai đó. Chiếc tay nải màu vàng Yushi luôn đeo bên mình là do một vị sư tặng. Chiếc áo sọc tím là của một anh bạn Tây Tạng cho. Có lần Yushi về, mỉm cười khoe tôi đôi dép nhựa, bảo của một chú tiểu Tây Tạng mới đưa. Trước đó Yushi đi đôi dép đứt quai, phải lấy dây cột lại. “Chắc chú ấy thấy tôi mang dép đứt nên tội nghiệp”, Yushi nói.

“Sau khi tặng tôi xong, chú tiểu hỏi tôi từ đâu tới, tôi đáp từ Mỹ. Chú tiểu hơi ngạc nhiên nhưng chỉ mỉm cười”, Yushi kể. Tôi nghe mà chẳng biết nên cười hay nên mếu. Thực sự Yushi quá giản dị - chính xác là tiết kiệm. Hành lý cậu ấy mang theo chỉ có mỗi cái bình nước, túi ngủ, không quá 3 bộ đồ, kể cả áo khoác, và dĩ nhiên thêm một cuốn Thánh kinh!

Nhiều lần đi cùng Yushi, tôi nhận thấy Yushi đánh đàn và hát rất hay, nhưng chỉ hát toàn... Thánh ca. “Xin lỗi, tôi chỉ thuộc mỗi Thánh ca thôi”, Yushi thường nói như vậy mỗi khi ai đó đề nghị cậu hát. Sau này tôi còn biết Yushi dùng Thánh kinh để dạy cho những ai thích học ngoại ngữ. “Có mấy vị sư cũng học tiếng Anh bằng kinh Thánh với tôi”, Yushi khoe. Yushi gợi ý nếu tôi muốn, Yushi sẽ dành nhiều thời gian để giúp tôi trau dồi Anh ngữ bằng kinh Thánh. Tôi gật gù nhưng chưa một lần học với cậu ấy theo cách đó.

1 thay Kien2.jpg

Yushi kết rất nhiều bạn, trong đó có nhiều nhà sư. Ảnh chụp tại Dharamsala, 2007

Yushi rất ngoan đạo, điều đó khỏi phải bàn. Nhưng cậu ấy vẫn rất ham tìm hiểu Phật pháp. Nhiều lần Yushi hỏi tôi về thiền, về lòng từ bi và ý nghĩa giải thoát trong Phật giáo. Tôi trình bày không suôn sẻ lắm, nhưng Yushi vẫn chăm chú lắng nghe. “Đức Phật có phải là một Đấng toàn năng không?”, Yushi hỏi. “Ồ, nhiều người nghĩ vậy, nhưng với tôi, Đức Phật là một Đấng giác ngộ, một vị Thầy. Ngài hướng dẫn phương pháp và con đường đưa đến sự an lạc chứ không ban cho chúng ta điều đó”, tôi trả lời. Yushi nghe mà không hề tranh luận.

Hôm nọ, có Pháp hội của Đức Dalai Lama diễn ra trong suốt 3 ngày, Yushi nghe tin và về báo cho tôi biết. Cậu rủ tôi đi chụp hình và làm thẻ đăng ký. Yushi còn hào hứng mua 2 cái radio, tặng tôi một cái để đi nghe giảng. (Pháp hội hôm đó do Phật tử Đài Loan cung thỉnh; Đức Dalai Lama giảng bằng tiếng Tây Tạng, có người phiên âm ra tiếng Anh và tiếng Trung, phát qua sóng FM).

Trong 3 ngày đó, Yushi đi nghe không sót buổi nào, khen Đức Dalai Lama giảng rất hay, và ngài cũng thật vui tính, giản dị.

Một bữa, tôi gọi điện, kể cho bạn tôi nghe về Yushi. Nghe xong, cậu ấy giãy nãy, bảo tôi tiếp tay cho “kẻ dị giáo”. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì bạn tôi bảo Yushi đích thực là một người truyền giáo. “Cậu ta đi rao giảng và lôi kéo người khác theo tôn giáo của cậu ta. Như vậy cũng có nghĩa là phá hoại văn hóa và tôn giáo bản địa”, bạn tôi gay gắt. Tôi không biết trả lời thế nào, đành im lặng, nhưng trong lòng cũng có chút ấm ức. Tôi nghĩ tôi chỉ làm những gì tốt nhất có thể để Yushi hiểu người Việt là thế, và đặc biệt, người-con-Phật là thế.

Sau này, lúc gần chia tay, tôi hỏi thẳng Yushi rằng cậu có phải là một nhà truyền giáo? Yushi mỉm cười, nói: “Bạn nghĩ sao cũng được. Tôi cũng như bạn, tôi có niềm tin của mình. Tôi sống với niềm tin ấy và sẵn lòng chia sẻ với bất kỳ ai muốn lắng nghe. Tôi không bắt buộc họ, do vậy, tôi không phá hoại văn hóa hay tôn giáo ai cả”.

Ngày chia tay, Yushi gửi tiền phòng và tiền ăn nhưng tôi không nhận. “Tụi mình đã có những ngày thật tuyệt. Như vậy là đủ rồi. Hy vọng mình còn gặp lại nhau”, tôi nói. Vậy mà những 6 năm qua, chúng tôi không gặp. Thỉnh thoảng tôi lên mạng dõi theo Yushi và biết rằng Yushi lúc thì ở Nepal, lúc thì ở Ấn Độ. Yushi vẫn vậy, vẫn “rao giảng tin lành” theo cách của cậu.

... Tôi kể chuyện của tôi và Yushi không đơn thuần như kể về một câu chuyện, mà muốn nói lên một nỗi niềm. Thực ra, Phật giáo hiện nay rất cần những hoằng pháp viên nhiệt tình, năng nổ, giản dị và dấn thân hết mình giống Yushi.

Nhiều năm lang thang xứ người, với những ai đã theo đạo (như Yushi), Yushi sẽ tìm cách liên kết họ, khích lệ họ; những ai chưa theo đạo, Yushi đơn giản đem lại cho họ sự gần gũi, sẻ chia, và nếu cần, ban cho họ một “tin lành”.

Những khi cô đơn, đau khổ, hẳn sẽ có rất nhiều người nhờ Yushi cho họ một chỗ dựa. Ở Việt Nam, tôi từng chứng kiến không ít người đã đến với tôn giáo của Yushi theo cách như vậy...

Đỗ Thiền Đăng

________________

* Bạn đọc có suy nghĩ gì về vấn đề này? Gửi ý kiến về Giác Ngộ theo địa chỉ: baogiacngo@yahoo.com hoặc chia sẻ ở phần "Gửi ý kiến" ở cuối bài. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày