“Những chàng trai bao
đêm về trên phố
bất chợt mưa rào”.
(Đông Tùng, Cúc rộ mùa hoa)
Không ai nghĩ rằng đây là một bài Haiku. Bởi nó có “điều gì đó” mà ai đọc cũng hiểu nhưng chỉ dừng lại ở một nghĩa tầm thường và trần trụi nhất.
Ảnh minh họa
Tôi không muốn dùng từ “phản ánh hiện thực” ở đây. Bài thơ tự thân nó đã là một hiện thực cay đắng lắm rồi. Dưới ánh mắt của nhiều người, “những chàng trai bao” ấy là lớp người tận cùng trong xã hội, là những người đàn ông lười biếng, không muốn lao động chân chính nhưng thích được hưởng thụ. Và đây, công việc của họ:
“Hồng đôi nụ
nhựa no đầy
bướm mê say”
(Đông Tùng, Ngàn cánh mơ rơi)
Cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng. Những trận cười nghiêng ngả dưới ánh đèn khuya. Để rồi:
“Bất chợt mưa rơi
phôi phai hương sắc
bướm về tả tơi”.
(Đông Tùng, Ngàn cánh mơ rơi).
Đó là kết cuộc cho những con người đã chọn lấy một lối sống đến nỗi vong thân.
Có người sẽ cười thật to vì cho rằng đây không phải là một bài Haiku đúng nghĩa. Bởi nó tầm thường và … dung tục quá! Riêng mình, tôi đọc và cảm nhận sâu sắc tình cảm của tác giả đối với một lớp người dưới đáy xã hội.
Ta chỉ thích lên án và kết tội mà sao ta không chịu nhìn ở một chiều hướng khác? Tôi biết, có những người vì hoàn cảnh riêng vô cùng khó khăn nên họ phải chấp nhận hi sinh trong âm thầm và tủi nhục như vậy. Phải lặn sâu xuống tận cùng của khổ đau thì ta mới có thể cảm thông cho những người đang ở trong đau khổ.
Không có một triết lí hay một hình ảnh nào to tát nhưng bài thơ là công án của lương tri. Họ đi bên cạnh đời ta, ở ngay trước mắt ta mà có mấy khi ta chịu nhìn họ đâu. Ta chỉ thích ngắm nhìn những gì to tát, hào nhoáng và được khoác lên lớp giá trị của đạo đức, của giáo điều. Ta tự tôn mình là người trong sạch và cho phép mình chỉ trích, lên án thậm chí mạt sát họ.
Tinh thần Haiku không như vậy. Con ruồi, con muỗi, cành hoa dại, v.v… cũng là một sinh mạng trong trời đất này. Những cái tầm thường, nhỏ nhặt ấy đã đi vào thơ Haiku như một sự bảo chứng cho vẻ đẹp của cuộc đời mà không ai có quyền phủ nhận. Cũng vậy, ta hãy hiểu để có thể thương được những người mà một thời mình từng khinh rẻ.
Tác giả Đông Tùng khép lại bài thơ bằng một trận mưa rào bất chợt. Mưa có thể khiến người ta lạnh buốt, co ro nhưng mưa cũng có thể làm người ta tỉnh táo hơn. Và mưa cũng giúp cuốn trôi đi tất cả những rác rưởi của đời. “Bất chợt mưa rào” hay bất chợt mà thức tỉnh sau một giấc mộng dài? Và lúc ấy ta và họ liệu có còn khác nhau không? Xin đừng để một câu hỏi không lời đáp ở đây!
“Mắt thương nhìn cuộc đời” là vậy đó! Tinh thần từ bi trong Đạo Phật phải được hiểu và thực tập từ những điều gần gũi như thế. Hãy im lặng để nhìn thì tôi tin bạn sẽ “ngộ” ra nhiều thông điệp sống mà cuộc đời trao ban cho mình. Và đến một lúc nào đó, tâm hồn ta có thể đủ bao dung để cưu mang những người lầm lỡ như hình ảnh thật đẹp và mang đầy tính biểu tượng dưới đây:
“Lá sen tơi
nâng cuộc đời
hạt móc”.
(Đông Tùng, Ngàn cánh mơ rơi)
Đức Sơn Thái Trọng
Cùng bạn đọc: Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết... Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com. Giác Ngộ online |