GN - “Hãy biết yêu thương và trân quý cha mẹ, khi cha mẹ còn sống trên đời, đừng để cha mẹ mất rồi mới hối hận thì không còn kịp nữa”.
Bao nhiêu năm nay, có rất nhiều vở kịch, bộ phim đã được sản xuất để gửi gắm đến khán giả thông điệp như trên. Thế nhưng có vẻ chừng đó chưa thấm vào đâu so với hiện trạng xã hội đang ngày một suy đồi, chuyện con cái bất hiếu với cha mẹ cứ nhan nhản trên mặt báo. Ưu tư với thực trạng trên, nhạc sĩ Quý Luân đã “làm gan” bỏ tiền đầu tư làm bộ phim mang tên Nghịch tử, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh kéo con người trở về với vòng tay cha mẹ.
Tình cảm là điều quý giá nhất ở con người, nó làm nên sự khác biệt giữa người và cây cỏ mà trong đó, tình mẹ lại là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, bao la bền bỉ cho đến chết. Với bề dày kinh nghiệm hơn 60 năm diễn xuất trên sân khấu lẫn màn bạc, nghệ sĩ Ánh Hoa vào vai bà Sáu rất “ngọt”. Đôi mắt người mẹ của Ánh Hoa cứ sâu thẳm tình thương và chan chứa nỗi lo dành cho đứa con ngỗ nghịch để rồi những giọt nước mắt chảy ngược vào đáy mắt, óng ánh trong suốt như giọt ngọc.
Một cảnh quay trong phim do NS Ánh Hoa và Duy Mỹ diễn
Dù bao nhiêu lời khuyên giải mong con rời xa bạn xấu và những cuộc ăn chơi bài bạc, rượu chè không được tiếp thu, chỉ nhận lấy những lời nạt nộ mắng chửi, nhưng người mẹ vẫn cứ lẳng lặng chăm sóc con mình từng miếng ăn giấc ngủ. Hình ảnh bà mẹ già lưng còng nặng nề gánh hàng rong ruổi trên từng con phố, chắt chiu dành dụm từng đồng lời từ những hạt đậu phộng, những trái chôm chôm để mua cho đứa con trai một chiếc xe máy “mong nó có cái mà làm ăn” nhìn mà đau thắt lòng. Ánh Hoa diễn một cách tự nhiên mộc mạc nhưng lại khiến khán giả phải khóc, dù nhân vật của bà gần như không khóc.
Hạn chế về kinh phí, bộ phim không có nhiều diễn viên nổi tiếng nhưng lại mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là “nghịch tử” Duy Mỹ, tuy là “dân nghiệp dư” nhưng anh đã hoàn thành vai diễn người con bất hiếu rất xuất sắc. Từ lời thoại đến từng động tác, nét mặt, anh cùng bạn diễn Hoàng Vũ đều thể hiện tự nhiên, khắc họa nên một cặp bài trùng du thủ du thực, hết ăn không ngồi rồi lại đến ăn chơi bài bạc và lún vào con đường trộm cắp, cướp giật, để rồi khi mẹ không còn, đứa con mới ăn năn vì những lỗi lầm của mình, muốn sửa sai nhưng đâu còn kịp nữa.
Trường đoạn Mỹ lầm lũi chạy trên con đường khuya có thể nói là đoạn đắt giá nhất cho diễn xuất của Duy Mỹ, khi anh chuyển rất ngọt từ tâm trạng chán chường, mệt mỏi sau những ngày lang thang trên phố đến kinh ngạc, bi thương, ân hận khi biết mẹ đã qua đời vì bảo vệ mình. Nét diễn của anh khiến cả những diễn viên quần chúng có mặt tại chùa, trong cảnh Mỹ nghe được những lời thuyết pháp của thầy, phải cảm động rơi nước mắt mà không cần phải diễn. Phải chăng ở vị trí là tác giả nên Duy Mỹ cảm nhận nhân vật sâu đậm hơn.
Bất ngờ thứ hai là màn võ thuật của Tiết Cương và nhóm cascadeur Sao Việt. Nhờ tích lũy được một số thế đánh võ thuật khi đóng bộ phim Vật chứng mong manh của đạo diễn Võ Ngọc, nên khi vào vai đại ca giang hồ chuyên tổ chức đánh bài, chọi gà và sẵn sàng thanh toán lẫn nhau, thân thủ của Tiết Cương khá nhanh nhẹn, thể hiện những cảnh đỡ, đấm hay tung cước với đối phương rất dễ dàng và đẹp mắt.
Khó ai có thể ngờ với kinh phí khiêm tốn, đoàn làm phim vẫn có thể quay một màn trình diễn đẹp mắt như vậy, góp phần làm bộ phim hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với khán giả trẻ. Và ngay cả bài hát trong phim do chính Quý Luân sáng tác cũng khá hay, không chỉ làm nền cho bộ phim mà còn có thể đứng độc lập trong làng ca nhạc Phật giáo.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót. Góc máy có phần nghèo nàn, chuyển cảnh chậm và nhiều lúc zoom in - zoom out, lia máy không hợp lý. Khâu dựng phim cũng chưa được gọn gàng khiến nhịp phim có phần lê thê.
Lỗi chính tả cố hữu trong một số đoạn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình thưởng thức của khán giả. Ví dụ, ngày giỗ chồng bà Sáu mà trên bàn thờ chẳng thấy cơm canh gì để cúng…Dù sao với kinh phí và thời gian không nhiều, đây vẫn là một thành quả rất đáng khen.