GNO - Con sông quê mùa này cạn nước, bèo cũng chẳng buồn trôi, nằm ủy mị hai bên bờ lơ đãng. Nó trở về quê hương sau nhiều năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người, nếm đủ mùi cay đắng đầy xót xa của cuộc sống thiếu thốn tình người. Nó trở về nắm lấy bàn tay già nua của ngoại, run rẩy đầy xót thương. Giọt nước mắt lăn dài trên má, nó chợt nhận ra rằng có một người vẫn luôn luôn dõi theo sau lưng của nó, vẫn bao dung độ lượng cho nó dù nó có vấp trăm ngàn nỗi đớn đau hay sa đọa trong vô vàn cám dỗ của cuộc đời.
Ngoại - Ảnh minh họa
Năm nay nó không chờ nổi được dịp Tết để về thăm ngoại, nó muốn trở về trong những tháng ngày mà khắp nơi nơi chốn chốn trên quê hương người ta cài cho nhau những đóa hoa thắm hồng, những lời chúc đong đầy yêu thương, những lời nhủ khuyên dạy con người phải biết hiếu kính với mẹ cha. Nó muốn trở về nắm đôi tay gầy guộc của ngoại, muốn cài lên ngực đóa hoa hồng hạnh phúc vì nó vẫn còn ngoại để yêu thương. Ngoại chính là mẹ, là cha, là cả cuộc đời.
Có người yêu thương quá khứ, bởi quá khứ họ chính là những chuỗi ngày hạnh phúc được bên mẹ bên cha, được đến trường với tình thương mến của thầy cô bè bạn. Quá khứ đối với nó chính là những chuỗi ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chính là những tháng ngày bè bạn nhìn nó với ánh mắt không đủ cảm thông. Nó chưa bao giờ muốn ngoảnh mặt nhìn lại những năm tháng kinh hoàng đó. Nó muốn chối bỏ quá khứ, chối bỏ quê hương tràn ngập những ký ức đau thương. Tuổi thơ của nó chỉ có mái tranh nghèo của ngoại, chiều chiều chạy ra triền đê ven sông ngồi hát khúc hát bất hạnh với một chút buồn và một chút hận.
Sự hiện hữu của nó không được sự đón nhận của tất cả mọi người, nó được xem là nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến tưởng lai của ba mẹ nó. Khi mà tương lai rạng ngời của ba mẹ đang trên đường đi đến vinh quang, những sinh viên ưu tú trên giảng đường đại học thì nó xuất hiện. Một sự xuất hiện đã khiến cho bao nhiêu người phải đau khổ. Ba đã không nhận nó, mẹ nó về với ngoại, nhờ ngoại cưu mang, từ lúc biết nhận thức được tất cả đang xảy ra xung quanh cuộc sống, nó đã không nhìn thấy mẹ và tất nhiên ba thì càng không.
Nó từ bỏ bạn bè và trường lớp lúc đang học cấp hai, nó không hạnh phúc ở trường, không hạnh phúc ở nhà, nó muốn tìm một môi trường mới, một cuộc sống mới, nơi đó sẽ chẳng ai biết về quá khứ của nó. Nó có thể thỏa sức mà vẫy vùng. Vậy là nó khăn gói ra đi, mặc cho mái tóc bạc của ngoại sau cánh cửa chiều quê liêu xiêu, đơn độc. Ngoại không còn giọt nước mắt nào nữa để biểu hiện cho tất cả những điều bất như ý đến với cuộc đời ngoại, nhưng đôi mắt đầy khắc khổ ấy một đời theo nó đi muôn nơi, nó luôn cảm thấy có lỗi với đôi mắt ấy.
Cuộc đời không màu hồng như những gì nó nghĩ, với trình độ chưa tốt nghiệp cấp hai, thật khó để có một công việc ổn định ở thành phố xa hoa tráng lệ này. Nó đành chấp nhận sống vất vưởng qua ngày, bữa có bữa không với những tấm vé số lúc bán được, lúc không, đêm ngủ gầm cầu, ngày ngày phơi mình nữa cái nắng gắt của sự biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nó gục ngã không biết bao nhiêu lần, muốn bỏ tất cả lòng kiêu ngạo của đứa con trai chạy về bên ngoại, nhưng lý trí không cho phép nó bỏ cuộc, đây là con đường nó chọn, nó phải học cách chấp nhận và lớn lên.
Năm năm tháng tháng lần lữa trôi qua, đoạn đường chông gai nào cũng phải chịu sự bào mòn của sự chuyển biến thế gian. Dần dần nó đủ kinh nghiệm, đủ trưởng thành, đủ tuổi để xin được một công việc thật sự ổn định, dành dụm được đôi chút để gửi về cho ngoại. Sao một cuộc sống đầy đủ vẫn không khiến cho lòng nó thanh thản, nó cảm thấy thiếu, thiếu một thứ gì đó khó định hình trong tâm mà không ngôn từ nào có thể giải thích được. Đúng rồi, nó thiếu một gia đình để quay về, nó thiếu hơi ấm tình thương của gia đình, của mẹ của cha.
Trưởng thành trong một môi trường đầy khắc nghiệt nhưng nó vẫn nhận ra được những điều ngọt ngào trong cuộc sống. Chùa chính là một trong những nơi ngọt ngào mà nó được hưởng thụ. Vì sao? Vì ở chùa mỗi tháng, vào ngày rằm và mồng một đều có cơm chay miễn phí cho những đứa không mấy đầy đủ trong cuộc sống như nó. Nó không có khái niệm vẹn tròn nào về chùa ngoài những buổi cơm chay miễn phí đó. Hôm nay cũng như bao nhiêu ngày tháng khác, nó vui vẻ đến chùa như một thói quen, như một ân sủng của cuộc đời để cảm thấy rằng cuộc đời vẫn còn nhiều lý do để cười.
Trong lúc ở sân chùa đợi cơm, tiếng mõ tiếng chuông đều đều thức tỉnh tâm hồn lơ đãng của nó, nó rón rén đến gần chánh điện và có nhân duyên được nghe quý thầy tụng kinh Vu Lan và Báo Ân Cha Mẹ. Từng lời kinh như dòng suối tươi mát, dội sạch những tham sân và chấp ngã trong lòng nó. Nó nhận ra bản thân đó quá sai lầm khi nuôi dưỡng tâm thù hận đối với mẹ cha, mẹ cha đã cho nó hình hài, dù cuộc sống không cho phép họ thể hiện tình yêu thương đối với nó, nhưng nó tin rằng cha mẹ vẫn yêu thương nó như bao nhiêu người cha người mẹ trên khắp thế gian.
Có một khoảnh khắc thiêng liêng, khiến con ngựa hoang trong lòng nó dừng chân và thổn thức, chính là lúc nó nhận ra vị Phật sống trong nhà nó, trong mái tranh nghèo đầy sương gió. Ngoại chính là mẹ là cha, là Phật sống mà suốt đời suốt kiếp này nó không thể nào báo đền được. Nó bỏ lỡ bữa cơm chùa hôm đó để bắt xe về với ngoại. Nó hạnh phúc khi nhìn thấy những đóa hồng thắm tươi trên ngực áo của những dòng người đi qua. Ngoại đón nó với nụ cười đầy mãn nguyện, nó quỳ gối dưới chân ngoại, thì thầm rằng “ Nó yêu ngoại nhiều lắm”. Một cuộc sống mỹ mãn không phải là sung túc về vật chất, mà chính là lúc chúng ta nhận ra quanh mình vẫn còn những người để trân trọng để yêu thương, có một bến đợi để quay về…
* Tin, video liên quan: