Ngỗng thần Hamsa ở chùa Phật

Ngỗng thần Hamsa ở chùa Phật
NSGN - Hamsa xuất hiện trong văn hóa các nước Đông Nam Á, trước hết là từ ảnh hưởng của Bà-la-môn và sau đó, hội nhập vào trong mỹ thuật Phật giáo.

Trong các di vật phát lộ trong khai quật Hoàng thành Thăng Long có nhiều tượng ngỗng thần Hamsa, bị gọi nhầm là uyên ương. Điều này cho thấy ngỗng thần Hamsa đã từng có mặt trong lịch sử văn hóa - tín ngưỡng xứ ta, song sau đó lại bị khuất lấp đến nỗi người đời sau không nhận dạng để định danh được chúng1. Bài viết này nhằm cung cấp những dữ liệu liên quan về con vật thiêng này.

1. Hamsa là một từ tiếng Phạn, chỉ một loài chim sống ở nước, thường được cho là ngỗng hay thiên nga; song nó luôn được hiểu là linh điểu, biểu trưng thiêng của nền văn hóa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Theo tín lý Hindu, Hamsa là loài ngỗng vào mùa hạ luôn di trú đến hồ thiêng Manasarovar trên dãy Tuyết sơn (Himalaya). Manasarovar có nghĩa là “Hồ tâm trí” bởi nó được thần Sáng tạo Brahma nghĩ đến đầu tiên trong tâm trí ngài. Hồ được đồng nhất với sự tịnh khiết: ai uống được nước của hồ này thì khi chết sẽ được siêu sinh lên cảnh giới của thần Siva và nước hồ có khả năng thanh tẩy tội lỗi của một trăm kiếp đời. Chính vì được sống ở nơi hồ nước thiêng liêng thanh tịnh như vậy nên Hamsa là một yếu tố quan trọng trong hệ biểu tượng của trí tuệ và cái đẹp2. Hamsa có tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ của các nền văn hóa khác: tiếng Hindi là hans, Miến Điện thường gọi là hintha hay hinthar, Mon là hongsa, Shan là hong, Khmer là hong, Thái là hong... Ở Tây Tạng, thiên nga được gọi là ngang pa (Phạn: hamsa) và ngỗng là so bya (Phạn: karanda) thường được pha trộn/lẫn lộn trong sự mô tả tranh tượng Hindu và Phật giáo dưới một tên gọi chung là Hamsa3.

Hamsa là vật cưỡi của cả thần sáng tạo Brahma. Trong Upanishads, Hamsa sở hữu trí tuệ thiêng liêng của thần Brahman. Và cũng là vật cưỡi cho người phối ngẫu của thần Brahma là Sarasvati - nữ thần của sự thông thái, trí tuệ. Hamsa được tin là ăn những hạt ngọc trai và có khả năng tách sữa từ hỗn hợp sữa với nước, đó là biểu tượng của sự hiểu biết sáng suốt và uyên thâm. Trong truyền thống Hatha Yoga Ấn Độ, từ hamsa biểu thị sức mạnh sinh lực (prana) của bản ngã cá nhân (jiva), ở đó hơi thở đi ra tạo nên âm “ham” và hơi thở đi vào tạo nên âm “sa”. Những âm của hơi thở lặp đi lặp lại thở thành “so-ham” mang nghĩa “tôi là anh”, tại đó bản thân cá nhân hay nhận thức bản thân (Tôi) hòa tan hoàn toàn vào thể vô định hình (không có hình dáng rõ rệt) (Nó). Những yogin Ấn Độ vĩ đại thường được ám chỉ như là paramahamsa, có nghĩa là “con thiên nga tối thượng”. Thiên nga trắng cũng được nhận dạng với garuda trắng của Tây Tạng (mkha’lding), như là vua của loài chim nước4.

Sự bay lượn trên bầu trời bao la của Hamsa cũng biểu trưng cho sự giải thoát ra khỏi vòng/chu kỳ luân hồi. Con vật cũng có ý nghĩa đặc biệt trong thuyết nhất nguyên luận của Advaita Vedanta - khi thiên nga sống trên nước nhưng lông chúng không bị ướt bởi nước5.

Trong suốt thời kỳ Veda, Hamsa được cho rằng có sự liên hệ với Surya. Khi đó, nó biểu thị cho sức mạnh và sự kiên cường/ hùng dũng. Với sự xuất hiện và thống nhất trong các kinh Upanishad, Hamsa có những thuộc tính như: biểu tượng của sự thuần khiết, riêng biệt, sự hiểu biết siêu phàm, hơi thở vũ trụ (prana) và sự thành tựu thiêng liêng nhất. Chủ nghĩa tượng trưng ở mức độ cao gắn liền với Hamsa vượt quá giới hạn của sự sáng tạo xung quanh nó: nó có thể đi trên mặt đất (prithvi), bay lượn trên trời, và cả bơi dưới nước6.

Trong quan điểm nối kết Hamsa với một vài thuộc tính biểu thị bề trên, những vị thánh và đối tượng linh thiêng nhận được danh hiệu paramhamsa, ấy là Hamsa tối cao. Danh hiệu này được thêm vào trước/ sau tên để biểu thị cho những người đặc biệt có vị trí cao trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư7.

2. Trong Phật giáo, một trong những tiền thân của Đức Phật được kể trong Jataka là một Hamsa, lúc đó Ngài là một Hamsa đầu đàn, cai quản 96.000 Hamsa khác. Có lẽ từ câu chuyện bổn sanh này, Đức Phật được tôn là “Hamsaraja”, và trong ngữ cảnh văn hóa Hán được dịch là “Nhạn vương”. Theo đó, “Nhạn môn” được dùng để chỉ “Phật môn”; “Nhạn đường” đồng nghĩa với “Nhạn vũ”, dùng để chỉ cho chùa Phật; và ngôi tháp “Hamsa-stupa” của xứ Ma-yết-đà, thuộc Ấn Độ xưa được dịch là “Nhạn tháp”... Nói chung, Hamsa/ Nhạn trong Phật giáo Đại thừa được đồng nhất với Phật và các danh lam Trung Quốc cũng được định danh là Đại Nhạn Tháp, Tiểu Nhạn Tháp... (8). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Hamsa trong các quốc gia Phật giáo Đại thừa có phần hạn chế hơn so với các quốc gia Phật giáo Tiểu thừa.

Hình tượng Hamsa cũng được dùng rộng rãi trong nghệ thuật Phật giáo thuộc trường phái Gandhara, cùng với hình ảnh của Đức Phật Shakyamuni. Nó được tôn kính linh thiêng trong Phật pháp. Motif thiên nga hay ngỗng Bà-la-môn được phát triển rộng rãi vào giai đoạn đầu của mỹ thuật Phật giáo, đặc biệt được chạm khắc đá trang trí các trụ tròn hay đường viền trên tranh tô vẽ hay thiết kế ở các tranh thêu kim tuyến.

Ngoài Ấn Độ, Hintha/ Hamsa được mô tả đặc biệt phổ biến trong nghệ thuật Miến Điện và là biểu tượng tộc người Mon. Nó cũng được vẽ trên cờ của phân khu Bago và quốc bang Mon, cả hai đều là thành trì Mon nổi tiếng trong lịch sử.

Con Hintha đẹp đẽ còn là biểu tượng tôn quý của người Mon. Đây là biểu tượng bất tử của chùa tháp - Hintha Gon Paya. Một trong những vị vua vĩ đại cai trị Bago là Dhammazedi, nắm quyền từ 1471 đến 1492. Trong 21 năm, ông không chỉ xây dựng nhiều chùa tháp ở Bago mà còn cho mạ vàng lại chùa Shwedagon của Yangon (sau đó nó được gọi là Dagon) 4 lần...

Thần thoại về loài chim nước phổ biến Hintha9 (Hamsa) của Miến Điện có nguồn gốc từ con sông Bago - một con sông chảy mạnh vào sông Yangon và từ đó đổ ra biển. Xưa kia, đây là một vùng rộng lớn chìm trong nước và chỉ duy nhất chóp của một cồn đất là đứng vững trước dòng chảy của con sông. Theo thần thoại, hai hoàng tử - người sau đó đã dựng nên vương quốc thấy một cặp chim Hintha với chiếc cổ lông màu vàng kim sáng rực, nghỉ trên chóp đất này. Cồn đất khô này quá nhỏ nên con chim mái phải đậu trên lưng của con chim trống. Hình tượng này sẽ không bị phát hiện nếu như những tin đồn về việc các tiểu thư Bago luôn lấy được một người chồng tốt lan truyền rộng ra khắp nơi.

Trong điêu khắc gỗ Miến Điện, con chim thần Hintha có nguồn gốc từ tộc người Mon. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật đã từng bay qua nơi Pegu tọa lạc ngày nay, khi nhìn xuống đã thấy hai con vịt trời có lông màu sáng sống ở vùng ven biển bằng vàng. Con chim mái đậu trên đỉnh/ đầu con chim trống, và con chim trống đứng trên một hòn đá nhỏ. Đức Phật sau đó đã tiên đoán rằng ngày sau sẽ có một thị tứ to lớn phát triển ở nơi đây. Ngày nay, nơi đây được ghi dấu bởi chùa Hinthagone tuyệt đẹp.

Ngoài ra, nơi đây theo truyền thuyết Shan, kể rằng có một con chim khổng lồ gọi là tilanka đã mang hoàng hậu từ cung điện đến gần nơi Đức Phật được sinh ra, trong một khu rừng xa xôi. Hoàng hậu sau đó đẻ một bé trai. Khi đứa bé lớn lên, thagyas/ thần linh ban cho chàng một chiếc đàn hạc thần kỳ. Giai điệu réo rắc của chiếc đàn hạc đã dẫn tất cả voi trong khu rừng trở lại quê nhà, nơi con chim đã cắp mẹ chàng mang đi. Khi chàng lên ngôi vua, chàng đã gọi vương quốc là Muang Mao. “Mao” có nghĩa là chóng mặt/ hoa mắt, bởi sau khi con chim cắp mẹ chàng, bà đã bị hoa mắt/ chóng mặt. Do đó, con số chim Hintha hay Hamsa cũng được dùng nhiều trong đơn vị hệ thống đo lường thuốc phiện của Miến Điện (!).

3. Hamsa xuất hiện trong văn hóa các nước Đông Nam Á, trước hết là từ ảnh hưởng của Bà-la-môn và sau đó, hội nhập vào trong mỹ thuật Phật giáo. Hamsa trong di tích Bà-la-môn giáo là vật cỡi của thần Sáng tạo Brahma hay Sarasvati (vợ của Brahma) - nữ thần trí tuệ; theo đó, Hamsa được coi là linh điểu biểu tượng của trí tuệ10. Từ biểu tượng cho trí tuệ đó, Hamsa được Phật giáo tiếp nhận làm biểu trưng cho sự phổ truyền Phật pháp (flight doctrine) và các chùa Phật giáo Tiểu thừa thường đặt tượng Hamsa trên đỉnh cột phướn dựng giữa sân chùa một cách trang trọng. Việc dựng cột phướn với tượng Hamsa - gọi là Hong, như vậy phổ biến ở chùa Khmer và chùa Thái Lan. Mặt khác, Hong/ Hamsa cũng thấy trong các đồ án trang trí chùa tháp...

Ở Thái Lan, Hamsa được gọi là chim Hong11. Nó cũng được cho là một con vật không tưởng đẹp nhất. Con vịt thần thoại này, giống thiên nga ở mình dài, cổ mảnh mai/ thon thả, và lù xù lông với đuôi xòe, duyên dáng ở nhiều chùa Phật miền Bắc Thái Lan. Ngoài ra, còn có những biến thể với đôi má phồng to đặc thù vốn là dạng chim Hong của Miến Điện/ Lan Na.

Một dạng hình tượng chim Hong tao nhã xuất hiện trên cổng, cửa và cửa sổ tòa nhà tu viện, nơi chúng hòa quyện vào các đồ án trang trí trau chuốt, tỉ mỉ và trở thành phần không thể thiếu của khung/cửa tò vò. Chim Hong cũng được đặt trên cột đỉnh/chóp mái của đền điện, chúng thường chiếm vị trí trung tâm hay lắc lư/đi lạch bạch dọc theo sống mái nhà cùng với anh chị em của chúng.

Chim Hong đặt trên đỉnh của loại cột phướn saothong, cột gỗ cao, thấy ở miền Bắc Thái. Đỉnh của saothong treo miếng gỗ mỏng và dài hay là phướn vải gọi là thong. Khi đóng vai trò quan trọng, chim Hong thường trang nghiêm với một cái lọng hoặc mũ miện mọc lên từ lưng. Ở các chùa phía Bắc Thái Lan, chim Hong thỉnh thoảng được thể hiện thành tượng chạm trổ mỹ lệ gắn đầu mái thuyền rồng. Có thể những kiểu thức chim Hong trừu tượng là đặc điểm con chim canh gác/ hộ pháp, những kiểu thức khác của hình chạm đầu mái thấy ở một vài chùa Lan Na và Lào. Sự khác biệt là ở sự cách điệu thon dài, uốn cong nơi đầu và cái mỏ hình móc, dài hay ngắn tùy theo từng nghệ nhân. Chim Hong được xem là vật trung gian giữa con người và thần Phật. Chim Hong thường ngậm ở mỏ một sợi dây hay dây leo treo một chiếc lá bồ-đề: sự chuyển động theo những cơn gió nhẹ mang những lời cầu nguyện từ mặt đất lên cõi trên của Trời Phật.

Kiểu thức chim Hong hay Hamsa Miến Điện thấy ở chùa tháp Bắc Thái Lan mập lùn hơn và giống vịt hơn các kiểu thức của Thái Lan. Chim Hong làm bằng gốm đất nung Phan cho thấy sự chuyển tiếp/quá độ giữa cổ vật dài. Chim Hong được trang trí với motif đường tròn trên cánh và các mẫu trang sức trên cổ chim. Những tua dây leo xoắn cuộn từ mỏ chim trong khi đuôi mắt hình tam giác xoắn cuộn dài ra từ con mắt tròn nhỏ. Kích cỡ Hamsa thông thường phù hợp với trọng lượng. Con vật thuộc về thiên giới này thường được làm bằng đồng thiếc hoặc gốm, có đặc điểm mỏ dày, mập mạp và ngắn ngủn như bị cắt ngang đột ngột...

Nhìn chung, Hamsa từ một linh điểu thần thoại Hindu đã tiếp tục hóa thân thành Hongsa, Hintha, Hong…  trong Phật giáo Tiểu thừa và trong ngữ cảnh văn hóa Hán đã thành chim nhạn trong văn hóa Phật giáo Đại thừa12. Ở xứ ta, Hamsa chỉ thấy trong di vật Hoàng thành Thăng Long, tức khá hiếm hoi so với chim phượng, uyên ương. Có điều, như đã nói trên, hình dáng cột phướn saothong có chim Hong/ Hamsa đứng trên đầu cột ngậm lá phướn (gọi là thong) dường như khá tương đồng với cây cột phướn được kể trong các truyện dân gian truy nguyên về nguồn gốc cây phướn ở xứ ta. Có điều, ở đây, ngỗng trời Hamsa đã được thay thế bằng con quạ (có dị bản là diều)13. Phải chăng để khế hợp với tình tiết của câu chuyện về bộ lòng/ ruột bị vất bỏ hôi thối, tác giả dân gian đã biện sự bằng cách thay ngỗng trời bằng loài chim ăn tạp là quạ? Dù đổi thay như vậy, ý nghĩa biểu trưng của cây phướn vẫn hàm chứa nguyên nghĩa của nó. Ở đây cũng cần lưu ý thêm rằng, bộ lòng, với ruột già, ruột non lòng thòng (được cho là hình tướng nguyên mẫu của lá phướn) trong Phật giáo là biểu thị cho sự biến đổi vô thường: mọi vật thực vào đến ruột đều bị biến hóa thành cái khác, hoặc hữu ích hay chất thải hôi thối vô ích14.

 Chú thích

(1) Xem Con uyên ương lẻ bạn và một số di vật của Hoàng thành Thăng Long, Tạp chí Tia Sáng, số 5, tháng 5, 2004.

(2) Xem The search for Shangri-la: A journey into Tibetan history, Charles Allen, Little, Brown xb, 1999; tái bản Abacus, London, 2000.

- In search of myths & heroes, Michael Wood.

(3) (4) (14) Theo The encyclopedia of Tibetan symbols and motifs, Robert Beer, Serindia xb, 2004.

(5) (6) (7) Xem: - Dictionary of Hindu Lore and Legend, Anna Dallapiccola.

- The goose in Indian literature and art, J. Ph. Vogel, Leiden, 1962.

(8) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên.

(9)  Theo goldentriangleantiques.com

(10) Có thể thấy trong các di tích tiêu biểu sau đây: - Ở Cambốt: 1/Angkor Wat (đầu thế kỷ XII): Brahma trên Hamsa; 2/ Hamsa trên bệ tượng Brahma ở điện thờ phía Nam của di tích Phnom Krom (cuối thế kỷ IX - đầu thề kỷ X)... [Theo M. Freemanx C. Jacques: Ancient Angkor. River Books Ltd, Bangkok, 2003, tr. 65,66,190] - Ở mỹ thuật Chăm: 1/ Di tích Chánh Lộ (cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI); 2/ Tháp Mẫm (cuối thế kỷ XI); 3/ Tháp Mẫm: phù điêu “huy chương Hamsa” (cuối thế kỷ XII). Hamsa này có mồng được cho là chịu ảnh hưởng con ngỗng của mỹ thuật Việt [Xem Emmanuel Guillon: Cham art, Riverbooks Ltd, Bangkok, 2001, tr.134,139,141,156,157,160].

(11) Theo Buddhist sculpture of northern Thailand, Carol Stratton, Buppha xb, 2004.

(12) Nhạn: Con ngỗng trời; Nhạn đường: Nhà thờ Phật - Như chữ Phật đường. (Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển).

Nhạn: chim nhạn, bay có thứ tự, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu - chim mùa (Thiều Chửu: Hán-Việt từ điển).

(13) Xem Cây phướn ở chùa Phật, Huỳnh Thanh Bình, Nguyệt san Giác Ngộ số 195, 6-2012.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.
Bàn giao giếng khoan đến bà con thôn 2, xã Ia Rvê

Bàn giao giếng khoan và tặng quà đến bà con H.Ea Súp (Đắk Lắk)

GNO - Ngày 20-4, Ni sư Thảo Liên, Trưởng Từ thiện xã hội Phật giáo TP.Buôn Ma Thuột, trụ trì tịnh xá Ngọc Ban (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cùng Đại đức Thích Minh Sơn, gia đình Phật tử Phước Minh đến từ TP.HCM đã đến H.Ea Súp trao giếng khoan và trao quà cho bà con tại xã Ia Rvê, H.Easúp.

Thông tin hàng ngày