Ngũ Hành Sơn

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7km, thuộc quận Ngũ Hành Sơn, kề bên khu du lịch Non Nước, Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi đá (Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hỏa sơn và Thổ sơn) trông giống như những hòn non bộ nổi lên giữa một cồn cát đá mênh mông, quanh năm sóng vỗ dưới chân. Nếu đứng trên đèo Hải Vân phóng tầm mắt nhìn về hướng Đông Nam sẽ thấy thấp thoáng xa xa những cụm núi lẫn trong màu mây, nước, biển trời.

Theo truyền thuyết, Ngũ Hành Sơn được sinh ra từ quả trứng rồng. Sau khi rồng đẻ trứng và quay về biển thì rùa vàng hiện lên, bới cát ủ cho trứng nở. Trước khi đi, rùa vàng dặn một ông lão ở gần đó rằng: “Ta là thần kim quy, ta muốn nhà người bảo vệ giọt máu này của Long quân”. Lão
nhân hỏi rùa vàng: “Làm cách nào để bảo vệ?”. Rùa vàng tháo chiếc móng chân của mình trao cho ông cụ. Ông lão nhờ vật đó mà giữ được quả trứng. Trứng rồng mỗi ngày một lớn và nở ra một nàng tiên. Còn vỏ trứng thì cứ lớn mãi, lớn mãi và thành Ngũ Hành Sơn.

Có nhiều con đường dẫn lên núi và các hang động Ngũ Hành Sơn, nhưng thích hợp nhất là đi con đường từ tây sang đông núi Thủy Sơn. Từ điểm bán vé, nơi đầu tiên sẽ đến là chùa Tam Thai, nằm ở phía đông bắc núi Thủy sơn. Từ điểm này có nhiều nhánh rẽ xương cá đi vào điểm khác như Vọng Giang Đài, là nơi có thể nhìn thấy được một phần cảnh Ngũ Hành Sơn.Người xưa gọi đây là nơi ngắm mây trời. Tại đây nhìn thấy dòng sông trải dài trước mặt như một tấm lụa mềm, có cảm giác như mình có thể cưỡi mây mà ngắm cảnh hoàng hôn đang dần xuống. Có một tấm bia đá ghi “Vọng Giang Đài” và dòng chữ Hán ghi năm Minh Mạng thứ 18 (1838).

Động Huyền Không là động đẹp nhất của cụm di tích Ngũ Hành Sơn. Động cao rộng như một ngôi nhà lớn, trông lên thấy mái nhà cao hun hút, có 5 lỗ trống nhìn thấy được mặt trời, mặt trăng. Trong động lúc nào cũng mát mẻ. Trên vách đá có nhiều thạch nhũ. Lòng động cao khoảng 30m, trong ánh sáng mờ mờ sẽ thấy bàn thờ Phật, tượng Chàm. Bên trong động có nhiều bàn thờ, đặc biệt có bàn thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Tiếp đến sẽ là động Linh Nham, rồi đến động Vân Thông có đường lên tận đỉnh núi. Lên đến đây sẽ ngắm được toàn cảnh Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn ảnh 3

Bắt đầu đi xuống sẽ gặp chùa Linh Ứng, rồi đến Vọng Hải Đài (nơi ngắm biển), tại đây có thể nhìn ngắm phía trước mặt là biển Đông bao la, ngày đêm sóng vỗ. Và cuối cùng là động Âm Phủ. Để đi một vòng tham quan như trên mất khoảng 3 giờ. Nếu muốn, khách có thể tiếp tục tham quan các động khác ở núi Kim Sơn. Ở chân núi này có động Quan Âm, trong động có khối thạch nhũ tạo thành hình Phật bà Quan âm đứng trên mình rồng. Đến Ngũ Hành Sơn, đi thăm hết các hang động, từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ thấy một bức tranh tuyệt đẹp: lẫn trong tàng cây phượng, những chùm hoa màu đỏ in trên nền trời xanh, mây trắng, biển xanh, mái ngói cong cong... Tại đây, không khí trong lành, gió mát, thoang thoảng mùi hương trầm. Nghe tiếng chuông chùa ngân lên vang dài trong không gian yên tĩnh buổi chiều, du khách sẽ thấy lòng thật bình an.

Dưới chân Ngũ Hành Sơn có một làng nghề truyền thống: làng đá Non Nước. Tại đây bạn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đá được bàn tay các nghệ nhân địa phương cần cù tạc nên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày