Người dân miền Trung chống chọi với lũ dữ

GNO - Mùa nắng lửa vừa đi qua, người dân miền Trung đang căng mình chống chọi với mùa lũ lụt trên mảnh đất cằn cỗi lắm thiên tai…

Những dòng sông cuồng nộ

Người dân miền Trung đang chống chọi với lũ nguồn, có nơi nước dâng lên nóc nhà, những dòng sông cuồng nộ cuốn phăng đi tất cả từ thượng nguồn, cuốn phăng bao thành quả đang chờ thu hoạch trên đồng bãi.

Chỉ vài tháng trước, nhiều tỉnh miền Trung phải quay quắt với nắng hạn, cây cối chết khô do thiếu nước tưới, giờ bỗng ngập chìm trong nước lũ và phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

ANHAB (5).JPG

Người dân chạy lũ ở đường phố Quảng Trị

Người miền Trung đang gồng mình chống lũ, chạy lụt. Trong tiếng gọi thảng thốt của từng người vẫn chứa bao sự xót xa. Năm nay, miền Trung gặp đại họa, hai đợt dịch Covid-19 vừa qua thì bão số 5 ập tới. Bão số 5 chưa dứt vì những tàn dư, người miền Trung chưa kịp gượng lại thì mưa lũ lại đổ về.

Mưa nhiều, nước cuộn chảy tạo thành những trận lũ lụt đáng sợ. Người dân Đại Lộc (Quảng Nam) thấp thỏm lo nước lên bên dòng sông Thu Bồn và Vu Gia, sợ tái diễn cảnh kinh hoàng của trận lụt nhiều năm về trước.

Người dân phố cổ Hội An chỉ sau 1 đêm đã ngơ ngác khi thấy nước sông dâng ngập nhà, ngập phố. Ngay cả những vùng nông thôn của Đà Nẵng như huyện Hòa Vang, nhiều nơi nước cũng ngập đến ngang ngực. Bà con nông dân khốn khổ từng ngày.

Phía ngoài đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đang là hai địa phương ngập lụt nặng nhất. Mưa lớn kéo dài đã gây ra thiệt hại nặng nề tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, có nhiều trường hợp mất tích và tử vong.

ANHAB (3).JPG

Những cánh đồng nước ở Quảng Trị

Ngày 8-10, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), mưa lớn khiến nước sông Sê Pôn dâng cao, tràn vào các khu dân cư gây ngập nặng. Tại thị trấn vùng biên này có nhiều nơi bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m, nhiều tuyến đường hóa thành sông, người dân phải dùng đò, thuyền để đi lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Hướng Hóa đã tiến hành di dời hơn 1.100 hộ dân với trên 4.500 nhân khẩu ở 7 xã, thị trấn đến khu vực cao ráo.

Tại huyện miền núi Đakrông, nước sông dâng nhanh khiến các điểm cầu, đập tràn ngập sâu, hàng ngàn hộ dân chịu cảnh cô lập. Ngay trong đêm 7-10, huyện này đã tiến hành di dời 575 hộ với gần 2.500 nhân khẩu đến nơi an toàn.

ANH (2).JPG

Những mái nhà ở Quảng Trị bị chìm trong nước

Hiện tại, trên các tuyến đường 588, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 đoạn qua huyện này bị sạt lở nặng, nước ngập sâu, chia cắt nhiều điểm. Đường vào Trung tâm xã A Vao, xã Ba Nang cũng bị chia cắt tại nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc, A La.

Mưa lớn còn khiến những vùng thấp trũng ở các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và TP.Đông Hà (Quảng Trị) bị ngập trên diện rộng, lực lượng chức năng phải túc trực, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến trực tiếp đến vùng xung yếu chỉ đạo. Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ công trong các hoạt động cứu hộ cứu nạn.

ANHAB (9).JPG
Lực lượng chức năng cứu người dân mắc kẹt trên mái nhà tại huyện Hướng Hóa

Lũ đổ về chôn lấp nhà cửa, ruộng vườn, tài sản mà người dân phải bao năm tích lũy. Rất nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhiều người không còn nổi một tấm áo lành; những đứa trẻ đào bới trong đống đổ nát với hy vọng vớt vát lại những cuốn vở chưa bị nước thấm; rồi cả nỗi lo mai táng cho người chết do lũ chưa rút…

Trong dòng nước đục ngàu

Mưa lớn, nước lên nhanh khiến nhiều địa phương bị chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà, hàng ngàn ha hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm hồ thủy lợi lớn nhỏ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị đe dọa. Theo thống kê sơ bộ (tính đến 12 giờ ngày 9/10), đã có 11 người chết, 9 người mất tích, hơn 11.000 ngôi nhà, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập, hơn 3.500 hộ dân phải sơ tán.

ANHAB (7).JPG

Hỗ trợ người dân đi tránh lũ

Riêng tỉnh Quảng Trị có hơn 200 con trâu, bò bị trôi theo dòng lũ, gần 33 nghìn con gà bị chết, gia súc các loại bị nước cuốn trôi hơn 22 nghìn con, hơn 730 ha nuôi trồng thủy sản như tôm, cá bị ngập, trôi. Thiệt hại nhiều không kể hết.

Mưa vẫn trắng trời. Hàng ngàn ngôi nhà ở Quảng Trị chìm trong nước lũ. Ca-nô của các cơ quan chức năng đã đến tận cửa giải cứu người dân bị mắc kẹt. Công an huyện Cam Lộ cũng triển khai lực lượng sơ tán nhiều hộ dân ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ).

ANH (1).JPG

Người dân Cam Lộ chạy đến nơi an toàn

Bà Nguyễn Thị Khoan (89 tuổi ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) thảng thốt cho biết, đợt mưa lũ này nước về đột ngột và lớn nhất trong mấy chục năm nay. Nhà bà Khoan ngập quá nửa, bà may mắn được Công an huyện Cam Lộ dùng ca-nô tới đưa đến vùng an toàn hơn.

Rạng sáng ngày 9-10, người dân đã cứu sống một thanh niên tên tên Trương Đình Toàn (sinh năm 1994) trôi dạt vào bờ biển. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, trên vùng biển Quảng Trị hiện có 6 tàu với tổng cộng 53 thuyền viên đang gặp nạn. Trong đó, có 2 tàu bị chìm, 2 tàu bị mắc cạn, 2 tàu trôi dạt và chưa thống kê được thương vong cụ thể.

ANHAB (1).JPG
Nhiều gia súc, gia cầm chết trong nước lũ ở Quảng Trị

Những ngày này, người dân khắp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đang phải oằn mình chống chọi với lũ dữ. Miền Trung máu chảy ruột mềm…

Quốc Tuấn - Triệu Phong - Minh Huy - Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày