GN - Tôi nhớ mãi ngày mình nhận được tin P. nhập viện. Tin nhắn của má tôi: “Thằng P. nó đi bệnh viện vì bị tâm thần”. Trời đất! Tôi thầm nói, không tin vì P. đã từng rất hiền, lại giỏi, là bạn quen biết lâu năm. Nhưng rồi phải tin, vì đó là sự thật.
Tôi tìm hiểu sau đó thì mới biết, P. bị nhiều áp lực, từ công việc tới tài chánh, rồi kế đến là gia đình không hạnh phúc. Đỉnh điểm là lúc P. hay tin mẹ mình bị ung thư. Những nỗi đau dồn dập khiến con người ta không thể nào chịu đựng được nổi. Sốc và trầm cảm, cuối cùng là tâm thần.
Bác sĩ nói P. bị tâm thần (dạng thứ phát), và cần phải được động viên, an ủi nhiều để bình phục. Bạn bè biết tin, những người làm việc ở gần quê đều đến thăm, chia sẻ với P. khi bạn trong bệnh viện. Với sự điều trị từ bệnh viện và lòng nhiệt tâm của bạn bè cùng người thân, P. dần bình phục, nhất là khi P. được mọi người khuyên bạn ấy phải vững chãi để đối mặt, giải quyết cuộc sống của chính mình, để là điểm tựa cho mẹ trong những ngày bà ngã bệnh…
Cuộc sống áp lực - nguyên nhân khiến người ta bị tâm thần - Ảnh minh họa
Có lẽ tình thương mẹ đã cứu P.: làm cậu ấy tăng thêm sức mạnh, tăng thêm khả năng chịu đựng và vượt qua. Sau thời gian hơn một tháng ở bệnh viện, P. trở về, tuy vẫn còn uống thuốc, nhưng tinh thần bạn khá lên rất nhiều. Sau đó, tôi khuyên bạn nên thử đến chùa để tĩnh tâm, vừa làm việc, vừa lo cho mẹ nhưng cũng phải lo cho mình, nếu thật sự thương mẹ.
Thời điểm đó, tôi nói chuyện với P. nhiều về nhân-duyên trong cuộc đời, “chúng ta phải trải qua những khúc quanh vì đã từng gieo trồng hạt giống tương ứng”.
P. dần được thuyết phục bởi những điều tôi nói, bạn bắt đầu vừa học Phật, vừa chăm mẹ. Chỉ sau một thời gian ngắn, có lẽ do đã là một trí thức chuyển tâm, đã từng trải qua những mất mát lớn nên P. nhanh chóng hiểu và hành Phật pháp theo cách của mình. Bạn buông dần những suy nghĩ tiêu cực, trách móc, đồng thời còn khuyên mẹ mình cố gắng chấp nhận bệnh tật để trải qua đau đớn nhẹ nhàng hơn. Vừa thương con, vừa là người tin tưởng, hiểu con mình nên bà nghe lời chia sẻ của con để rồi hai mẹ con cùng thực tập phương pháp: chấp nhận mọi biểu hiện hiện tại và phát nguyện sống tốt từ hôm nay.
Mỗi ngày P. trao đổi tin vui với tôi về thay đổi tâm của cả hai mẹ con, trong tâm thế: từ người chưa biết gì về Phật pháp sang người biết Phật pháp; từ người mê, người điên sang người tỉnh. Với P., chữ tỉnh đó mang cả nghĩa đen của bệnh nơi thân và con đường sáng nơi bước chân phía trước - là con đường tin, hiểu nhân quả để buông bỏ phiền não, kiến lập an vui.
Thực sự, việc một người đang tỉnh hóa điên rồi có hành xử không đứng đắn, thậm chí gây tội lỗi, phạm pháp không phải là hiếm. Một người bạn của tôi - ThS.BS Lê Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, chính ngôi trường bạn dạy cũng có những sinh viên bị tâm thần vì không chịu nổi áp lực học hành. Dù việc chọn ngành nghề để học là chủ động và việc học trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, với chương trình cụ thể nhưng không phải sinh viên nào cũng đủ “cứng” để chịu đựng những áp lực. Theo BS Tuấn, đó còn là bệnh mà người hiện đại có nguy cơ mắc phải bên cạnh đột quỵ, tai biến mạch máu não do cường độ học tập, làm việc cao gây ra.
Nguyên nhân đưa đến bệnh lý có thể hiểu được, với những biểu hiện ban đầu là người ta sẽ gắt gỏng hơn, dễ nổi nóng so với thường ngày, trầm cảm, lo lắng, mất ngủ… Đó là những gì BS Tuấn chia sẻ với tôi.
Thực ra, trong cuộc sống thường ngày, ngoài câu chuyện người hóa điên như P. hay những bạn sinh viên ở Đại học Y Dược TP.HCM như bác Tuấn kể thì vẫn có những người đã “điên” một cách tạm thời.
Ta vẫn hay nghe câu: Có điên mới làm vậy! Và sự vụ trong “làm vậy” ở đây chính là những việc làm sai trái, thiếu kiềm chế ở một ai đó. Có khi họ thân quen với mình và chưa từng có biểu hiện gì đến việc làm không hay, không đẹp nhưng bỗng một ngày họ làm thật.
Một câu nói nặng lời đến mức gây đổ vỡ một mối quan hệ lâu dài - đó là kiểu hành xử “có điên mới làm như vậy”. Nóng nảy là một dạng của điên. Bởi lúc đó, việc nói năng, hành động không dựa trên “hệ điều hành” thông thường mà bởi một “hệ điều hành bị nhiễm virus sân si”. Ít bữa, báo chí lại đăng một sự vụ mà người trong cuộc là hung thủ đã gây ra với một ai đó điều cực kỳ kinh khủng. Họ có thể có địa vị, như một thầy giáo vì từ hôn, đã xuống tay giết hại người yêu chung trường, rồi sau đó phải lãnh mức án cao nhất. Hối hận về việc làm của mình là biểu hiện chung của tất cả bị cáo khi đứng trước tòa, nhưng giây phút hành động gây ra tội ác họ không hề nghĩ tới hậu quả, chỉ nghĩ làm cho lại gan, hả cơn tức giận. Vì lúc đó họ đang… điên.
Câu nói “Làm gì cũng nghĩ đến hậu quả của nó” trở thành lời răn nhắc thực sự cần thiết cho mỗi người và mỗi người muốn an ổn phải nhớ “thần chú” này trước mỗi khi quyết định, làm một điều, nói một câu, thậm chí suy nghĩ một sự việc gì đó.
Chúng ta là người tạo tác và cũng là người nhận về kết quả/ hay hậu quả của mọi sự, mọi việc. Cuộc sống, tất nhiên, vận hành theo nhân-duyên nên có những điều chúng ta phải đối mặt một cách tất yếu. Cuộc sống hiện đại thì luôn nhiều áp lực, chúng ta do nhân-duyên riêng mà sinh vào thời đại này nên không thể tránh khỏi được hoàn cảnh sống đó. Nên việc tìm cách cân bằng cho phù hợp với bản thân mình, lắng nghe cơ thể lẫn tâm hồn mình để biết cách đối xử với chính mình ổn thỏa nhất. Đó chính là thương mình.
Ngày nay, không ít người trẻ đã tập sống tỉnh thức, sống thảnh thơi bên cạnh bận rộn vốn dĩ, bên cạnh lôi kéo, tác động không thể cưỡng của mạng xã hội, công nghệ thông minh… Ở nhiều nước tiên tiến, như Anh đã bắt đầu đưa thiền vào trường học (bản tin truyền hình trực tuyến báo Giác Ngộ - Giác Ngộ TV mới đây), ở các tập đoàn lớn như Google cũng cho nhân viên, kỹ sư tập thiền; các nhà tù ở Mỹ cũng đưa thiền vào chữa trị tinh thần, góp phần chữa lành những lỗ hổng nhân cách cho tù nhân…
Sự tỉnh thức được nêu cao trong đời sống hiện đại chính là một lựa chọn để con người không lạc lối, trước khi trở thành người mất tự chủ cả trên phương diện bệnh lý của thân lẫn tâm. Xét cho cùng thì thân-tâm không tách rời nhau, nương nhau biểu hiện: thân khỏe, tâm an và ngược lại!
Có những người “điên” Lâu lâu tôi lại đọc được thông tin khiến lòng ấm lại, khắc sâu vào trong lòng mình, như bài học lớn về nhân cách sống, của những con người “to lớn” trong cuộc đời. Ví dụ như bản tin cách đây tới 13 năm về tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (78 tuổi).
Theo đó, tháng 8-2006, giới truyền thông cho biết, tỷ phú Lý Gia Thành học tập kinh nghiệm từ Bill Gates và Warren Buffet, ông đã lập di chúc sẽ để lại ít nhất 1/3 tổng tài sản trị giá 18,8 tỷ USD cho quỹ từ thiện mang tên mình. Ông Lý có hai người con trai và coi quỹ Lý Gia Thành là “đứa con” thứ 3 của mình. Ông Lý cho biết, tổng quỹ sẽ không thể ít hơn 1/3 tổng tài sản của mình và không ai trong gia đình được phép tiêu xài số tiền trong đó. “Dù là 20 triệu, 50 triệu, 100 triệu hay thậm chí 1 tỷ USD tôi cũng sẽ không chần chừ nếu việc ủng hộ là cần thiết”, Lý Gia Thành nói về hoạt động của quỹ. Thời điểm đó, dù gần 80 tuổi, Lý Gia Thành vẫn chưa có ý định nghỉ hưu. “Tôi vẫn còn khỏe chán, vì thế chẳng có lý do gì phải nghỉ sớm”, ông nói vui. Nếu một ngày nào đó không còn đủ khỏe để làm kinh doanh, ông Lý cho biết sẽ dồn sức cho hoạt động từ thiện thay vì ngồi một chỗ. Nhiều người đọc tin này hẳn sẽ buột miệng, “trời, giàu vậy mà không hưởng phước, làm chi nhiều”, hoặc sẽ nói “tiền mình khổ cực làm ra, có điên mới cho không vậy”. Nhưng cuộc sống luôn có những người “điên” như thế, vì họ đã tỉnh, đã thấy của cải vật chất là vật ngoài thân, khi chết đi không thể nào mang theo được. Nghe giảng nhiều sẽ thấy, các vị giảng sư đều nhắn nhủ: ta chỉ có thể mang theo nghiệp (lành/ dữ) đã tạo, vì vậy phải biết “đầu tư” đúng đắn, biết cái gì nhẹ, cái gì nặng để dấn thân, để gieo hạt giống cho mai hậu. Người tỉnh là người sẽ biết sống cho người, phụng sự cuộc đời, nhưng họ hay bị nhiều người nghĩ là họ bị “điên”, vì họ trông lập dị, khác thường… |