“Người đường hoa”

Có một họa sĩ đã gắn bó với đường hoa Nguyễn Huệ suốt mấy năm qua. Thời gian cận tết là lúc anh miệt mài với những công việc thầm lặng để làm ra những tác phẩm mà nếu thiếu chúng thì con đường với bao loài hoa khoe sắc đón xuân sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Minh Phương đang hoàn tất những chi tiết cuối của con hổ lớn nhất - dài 3m - sẽ đến với đường hoa Tết Canh Dần - Ảnh: Đăng Nguyên
Nguyễn Minh Phương đang hoàn tất những chi tiết cuối của con hổ lớn nhất - dài 3m - sẽ đến với đường hoa Tết Canh Dần - Ảnh: Đăng Nguyên
Những chú heo trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Hợi - Ảnh: Đăng Nguyên

Những chú heo trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Hợi - Ảnh: Đăng Nguyên

Trong số những hình ảnh gây được ấn tượng mạnh, đáng nhớ của đường hoa hai năm trước là mấy chục chú heo nhiều kích cỡ, hình dáng và đầy màu sắc được trưng bày khắp nơi, trong đó có một “ông ột” to tướng, dài đến 2,5m, phủ nhũ vàng rực rỡ - biểu tượng chính của năm Đinh Hợi thịnh vượng, sung túc. Những ngày giáp tết ấy, tác giả của cả bầy heo - vừa thiết kế mẫu vừa trực tiếp thi công - lúc nào người cũng lấm lem thạch cao, phẩm màu, chỉ huy một đội hơn chục họa sĩ, sinh viên mỹ thuật làm việc không ngơi tay trong xưởng vẽ của anh ở một khu vườn rộng đến vài ngàn mét vuông tại quận 7 (TP.HCM) nhằm đưa bầy heo ra đường hoa đúng tiến độ!

Phải kể thêm một chút về quá trình làm... heo của Nguyễn Minh Phương - gã họa sĩ bụi đời nói trên. Để có được bầy heo ấy, anh đã lăn lộn - cả nghĩa đen - nhiều tuần không chỉ ở một lò gốm tại Bình Dương: tạo dáng, làm khuôn, thực hiện những chú heo nhiều dáng vẻ trên cơ sở mẫu chính là con heo đất bỏ ống ngày xưa cũng được làm tại xứ gốm Bình Dương. Có khi anh ăn ngủ liền hàng tuần tại lò gốm, người thường trần trùng trục, chỉ mặc chiếc quần soóc vì trời đã nóng mà lò gốm thì lúc nào cũng đỏ lửa nung sản phẩm.

Trước khi có bầy heo cho đường hoa, Nguyễn Minh Phương đã có một bầy heo với số lượng nhỏ hơn, thật ngộ nghĩnh trưng bày tại Liên hoan gốm phương Nam (khu du lịch Văn Thánh). Và đến với đường hoa Tết Đinh Hợi, khách trẩy hội xuân còn tìm nhiều góc để có thể đưa vào ống kính những cánh diều đủ cỡ, đủ màu đang tung bay trên một góc trời đường Nguyễn Huệ. Tác giả của những con diều ấy cũng là Nguyễn Minh Phương, người sáng lập Câu lạc bộ diều TP.HCM và cũng mê mải với những cánh diều chẳng kém gì các tác phẩm mỹ thuật.

Tết Kỷ Sửu vừa qua, lại một loạt trâu đủ kiểu và thật ngộ nghĩnh, đáng yêu được Phương thả rông trên đường hoa. Năm ấy không có diều nhưng Phương có mấy quả dưa hấu khổng lồ bày ở một đầu đường mà ai cũng thích chọn làm bối cảnh để chụp ảnh.

Tết này hẳn nhiên sẽ không thể thiếu những con hổ Canh Dần và vài món độc chiêu khác của Phương trên đường hoa. Nhưng hãy đợi đấy! Phương còn bận rộn với chúng cho đến giờ chót, trước lúc đường hoa được bắt tay thi công...

Hồi tháng 10 năm ngoái, trước giờ khai mạc một triển lãm sắp đặt tranh và tượng gốm tại bãi biển khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn không thấy tăm dạng Nguyễn Minh Phương dù anh là một trong những thành viên nòng cốt của triển lãm. Rồi anh xuất hiện cùng với mấy thùng đựng sản phẩm gốm của làng Chăm Bàu Trúc, đưa về Hồ Tràm bằng xe tải thuê, sau mấy ngày lang thang tìm kiếm ở xứ gió cát Ninh Thuận.

Mà Phương không chỉ lang thang xứ mình, anh còn đi đến nhiều chân trời xa, dự các trại sáng tác hay triển lãm tác phẩm của mình ở nước ngoài.

Tác phẩm sắp đặt nổi tiếng của Nguyễn Minh Phương - Ảnh: Đăng Nguyên

Tác phẩm sắp đặt nổi tiếng của Nguyễn Minh Phương - Ảnh: Đăng Nguyên

Cả cuộc đời dành cho nghệ thuật

Nguyễn Minh Phương sinh năm 1964, tuổi con rồng - một con rồng ưa lang bạt giang hồ. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1984, sau đó sang Pháp tu nghiệp với học bổng toàn phần tại Trường Mỹ thuật D’Aix-en-Provence trong hai năm 1995-1996. Vốn liếng kiến thức trường lớp Phương có đầy đủ, anh lại thừa sự say mê và những khát khao nghề nghiệp đồng thời không ngừng tìm tòi sáng tác, không ngừng làm việc. Gặp Phương, anh có thể nói say sưa hàng giờ liền những ngẫm ngợi của mình về tranh pháo, về nghệ thuật đương đại mà anh là một trong những người tiên phong tại TP.HCM.

Có một tác phẩm sắp đặt nổi tiếng của Phương được biết đến ở nước ngoài, đó là một giàn sào tre được quấn thổ cẩm nhiều màu sắc từng được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và trong khu du lịch Bình Quới 1.

Năm 1999, anh sang Berlin (Đức) cùng với tác phẩm này. Năm 2002, khi tác phẩm đến với triển lãm Vietnam Art Actuel tổ chức tại Đại học Québec ở Montréal (Canada), giáo sư Marcel Saint- Pierre thuộc khoa lịch sử mỹ thuật của trường, nhận định: “Tác phẩm của Nguyễn Minh Phương được dựng trước đó trong khung cảnh vùng đầm lầy ven Sài Gòn nhưng không hề khập khiễng trong các bảo tàng và phòng trưng bày. Các sào tre dài quấn vải sặc sỡ được cắm rải rác đây đó lẫn trong đám hoa sen của cánh đồng như người ta cấy lúa. Các dải màu sặc sỡ tạo thành một tác phẩm sắp đặt theo chiều đứng, thoạt tiên trông giống các công trình kỳ lạ và tượng trưng, tựa như nhà sàn ở miền Nam VN. Cảm giác đầu tiên này bớt dần rồi thay đổi, bởi tác phẩm độc đáo này được sáng tác dựa trên điều tra dân tộc học của tác giả về trang phục truyền thống của nhiều dân tộc ở VN. Những chiếc sào tre quấn vải màu tương ứng với nghề thủ công truyền thống dệt các hoa văn sặc sỡ và cũng tương ứng với chức năng cộng đồng, hoặc gợi những ký hiệu để phân biệt các dân tộc thiểu số khác nhau tại VN. Nhìn chung đó là hình ảnh biết nói về một dân tộc lao động cực nhọc và rất đa dạng về nguồn gốc cũng như ngôn ngữ, tôn giáo...”.

Gần đây, Phương quan tâm đến chất liệu sơn ta nhiều hơn và anh đã có những thể nghiệm đáng chú ý tại triển lãm “Hành trình mới - sơn ta tổng hợp” tổ chức năm qua tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Anh còn dự hàng loạt triển lãm trong nước cũng như tại Thái Lan, Úc, Hong Kong, Pháp, Đức từ hơn một thập niên trở lại đây.

Mải mê với một cánh diều... - Ảnh: Đ.N.

Mải mê với một cánh diều... - Ảnh: Đ.N.

Nghệ thuật vì cộng đồng

Trên hành trình nghệ thuật của mình, dường như Nguyễn Minh Phương vẫn “khoái” được dấn thân vào các hoạt động mang tính cộng đồng. Chỉ có thể giải thích điều đó bằng niềm hạnh phúc lớn lao anh có được khi trưng bày thành quả lao động nghệ thuật của mình cho số đông công chúng thưởng lãm và đem đến niềm vui cho họ. Phương hồn nhiên kể có những kỳ triển lãm hầu như anh chẳng bỏ túi được đồng nào vì “miễn vui là đủ rồi”.

Đó là lý do anh đến với triển lãm sắp đặt tại công viên 23-9 suốt mấy tháng của năm 2006 trong một chương trình cổ xúy “Hàng VN chất lượng cao”, tham gia chương trình “Đêm trắng” gây quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại đường Lê Duẩn năm 2004, Festival diều quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm ngoái...

Đó cũng là lý do để Nguyễn Minh Phương tham gia lễ hội tết tại TP.HCM từ nhiều năm qua và gắn bó với đường hoa Nguyễn Huệ như thể đó là một phần không thể thiếu của cuộc đời mình.

Và phải chăng đó cũng là lý do để chàng nghệ sĩ lang thang vẫn sống một mình dù đã ở tuổi quá 40?

Gã bụi đời giàu có

Họa sĩ Lê Triều Điển, đàn anh gần gũi và gắn bó với Nguyễn Minh Phương trong nhiều hoạt động nghệ thuật, bảo: “Nhiều khi thằng Phương chẳng có đồng nào trong túi dù nó có tới mấy ngàn mét vuông đất ở quận 7, sát Phú Mỹ Hưng, trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng!”. Sự thật là gia đình Phương hiện sở hữu vài chục hecta đất mà anh lại là con út trong nhà, phần đất đai được hưởng từ gia đình đủ để sống một cuộc sống hết sức thoải mái. Nhưng Phương lúc nào cũng tất bật, áo quần, tóc tai có phần luộm thuộm. Không vẽ hay làm các công việc nghề nghiệp tại nhà thì anh lại lên đường, lúc ở trại sáng tác này, khi ở làng gốm nọ, có khi chỉ lầm lũi đi một mình đến nơi nào đó mà anh thích chỉ để ngắm nhìn, để chiêm nghiệm cuộc sống. Những lúc khác lại mê mải với những cú chao lượn trên bầu trời cao của cánh diều mới mà anh vừa làm được...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày