Người Phật tử đất Quảng nhiệt tâm với thiện nguyện

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1151- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1151- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nguyễn Thành Giang (sinh năm 1988), một Phật tử, người hoạt động từ thiện sôi nổi và cũng là cây bút cộng tác của nhiều báo. Anh viết khỏe từ thơ, văn đến phóng sự báo chí.

Hiện anh Giang đang sống ở Quảng Nam, cùng vợ con mở một tiệm cơm chay với giá bình dân. Dù đời sống cá nhân còn khó khăn nhưng anh vẫn đều đặn làm từ thiện, kêu gọi giúp đỡ người khó hơn mình, tinh tấn tu tập, phóng sanh, làm các hạnh lành. Anh Giang đã có cuộc trò chuyện với Giác Ngộ, về động lực để anh làm nhiều việc thiện:

- Từ những ngày đầu chập chững bước vào con đường thiện nguyện, mục đích của tôi là trả ơn cuộc đời. Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó ở Quảng Nam, từ nhỏ đã ốm yếu, lớn lên nhiều bệnh tật. May mắn, trên bước đường đời, luôn luôn có người cứu giúp. Công ơn cha mẹ, công ơn các cô chú bác, anh chị em đã cưu mang, tôi luôn ghi nhớ và tự nghĩ rằng đem tình yêu thương lan tỏa - cho đi, chính là cách trả ơn mọi người hợp lý nhất.

Khi còn nhỏ, ba mẹ luôn dạy tôi sau này lớn lên, nếu có được cơ hội, nên hết lòng hết sức giúp đỡ mọi người xung quanh, tôi luôn nhớ mãi những lời dạy ấy. Sau này, khi tiếp cận một cách sâu hơn với Phật pháp, khi đã có thể nói mình là một người Phật tử, thì tôi càng có động lực hơn để làm thiện nguyện, vì sự cho đi, tình yêu thương, lòng từ bi không giới hạn chính là những điều mà người Phật tử cần làm để cuộc sống đẹp hơn, và để cùng mọi người đi qua những nghiệp nạn mà ai trong thế gian cũng có thể phải trải qua…

Vui buồn đều là động lực

* Trong quá trình làm thiện nguyện, bạn có gặp khó khăn nào không? Có khi nào bạn cảm thấy chùn chân, muốn bỏ cuộc?

- Như bất cứ việc gì trong đời sống, có thành tựu phải trải qua vô số khó khăn. Con đường thiện nguyện của tôi cũng vậy. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận kỹ lưỡng, đó có lẽ là những thử thách, là những lời nhắc nhở để mình tiến bộ hơn, để mình đi từng bước vững vàng hơn.

Khó khăn nhất có lẽ là vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết việc tôi làm, cho nên ở đâu đó còn có sự gièm pha, sự ngăn cản bằng cách này hay cách khác… Nhưng dần dần, thêm nhiều người hiểu thấu. Quan trọng, là gia đình hiểu, chung lòng, động viên. Vậy là vui rồi.

Những lần chùn chân với ý nghĩ bỏ cuộc thoáng qua cũng có… Nhưng ngay sau đó, tôi trấn tĩnh ngay, vì biết rằng đó là những thử thách mình cần phải đi qua. Nếu phát tâm làm việc thiện, mà từng ngày không đối mặt được với những thử thách tăng cấp dần, thì coi như đã thất bại…

Tôi nhớ nhất hồi tháng 11-2017, lúc tôi kêu gọi tiền ủng hộ bà con bị thiệt hại lũ lụt ở miền Trung, không may, tôi bị kẻ gian lừa đảo trên mạng lấy mất 50 triệu đồng. Lúc ấy thật sự tôi bị sốc. Có người động viên, nhưng cũng có rất nhiều người nghĩ tôi giả tạo thông tin để chiếm đoạt 50 triệu đồng ấy…

May sao, gia đình và vợ bên cạnh, mọi chuyện được giải quyết, tôi có tiền để đền lại 50 triệu đồng cho các tấm lòng thiện tâm. Cú sốc ấy theo tôi một thời gian dài, và lấy đó làm một kinh nghiệm rất quý cho mình.

* Và trong công việc ấy hẳn cũng khiến bạn có nhiều niềm vui?

- Tất nhiên, việc thiện nguyện đem đến cho tôi nhiều niềm vui. Đó là những người cô chú, anh chị, bằng hữu thân tình khắp nơi trên cả nước và nước ngoài. Đó là những hoàn cảnh tôi từng giúp lâu lâu gọi điện chia sẻ cuộc sống họ đã đổi thay và phát triển thế nào… Và, mỗi lần giúp được ai, tôi vui một cách hồn nhiên, nhiều khi chạy một mình ra ngoài hô to lên, như chính mình vừa được giúp vậy.

Chính vợ tôi cũng là quen nhau và đến với nhau nhờ thiện nguyện… (cười).

Trải tấm lòng ra nhờ học Phật

* Đức Phật và những lời dạy của Ngài đã giúp gì cho Giang trong cuộc sống, công việc, cũng như hạnh nguyện phụng sự bền bỉ của mình?

- Từ khi tiếp cận với Phật pháp bằng con đường học hỏi kinh sách, học hỏi các vị thầy đạo hạnh lớn, học hỏi các vị thiện tri thức và tinh tấn thực hành những lời dạy của Đức Phật - tôi được chuyển hóa rất nhiều.

Đầu tiên là mở rộng tình yêu thương hơn, ít dần sự so đo tính toán, nếu có thể hy sinh điều gì thì cứ hy sinh. Tôi hiểu, chỉ có tình yêu thương chân thành mới xoa dịu được các nỗi đau, mới là chìa khóa hóa giải các oán thù, sự hiểu nhầm nhau trong kiếp này, cũng như vô lượng kiếp trước…

Sau nữa là hiểu thấu sự vô thường của thế gian này. Thọ mạng con người là hữu hạn, không ai biết hôm này mình còn nói cười với nhau thì ngày mai có còn được như vậy không. Nên việc thiện nào có lợi cho mọi người, việc gì có lợi ích cho Phật pháp, tôi đều cố gắng làm ngay, làm khi có thời gian chen vào được. Thật sự, trong kiếp vô thường này không thể hứa hẹn, vì rất nhiều người một lời hẹn có thể đi qua rất nhiều kiếp không thể thực hiện được…

Và cuối cùng, tôi tâm đắc và luôn luôn dặn mình: lòng từ bi phải luôn luôn đi kèm với trí huệ, như lời Đức Phật dạy. Tất nhiên, trong các nỗi khổ của người thế gian đều đáng thương như nhau, đều đáng cần phải giúp. Nhưng giúp cách nào, giúp bằng phương tiện gì, giúp vào thời điểm nào, giúp ai trước, đó không phải là việc dễ. Cũng người đó, nếu giúp đúng ta có thể cứu cả họ và gia đình họ; nhưng nếu giúp sai cách, sai thời điểm, ta sẽ hại cả họ và gia đình. Nên, Phật pháp hay là chỗ đó - giúp tôi nhìn nhận rõ và có những phương pháp làm thiện nguyện ngày càng hợp lý hơn.

* Tất nhiên, với người làm thiện nguyện thì cần không thấy việc mình làm, không kể thành tích, nhưng nếu được nhìn lại quá trình đã trải, bạn có thể chia sẻ với bạn đọc được không?

- Nếu nói một cách ngọn ngành, tôi bắt đầu tập tành làm thiện nguyện từ năm 2010, bằng việc tìm các hoàn cảnh khó khăn - bất hạnh, viết bài gửi các báo, sau đó lại thay mặt bạn đọc chuyển tiền ủng hộ đến các hoàn cảnh khó khăn ấy…

Từ cuối năm 2013, tôi bắt đầu tiếp cận việc đăng thông tin các hoàn cảnh trên Facebook cá nhân để kêu gọi. Ban đầu thì rất khó, vì chẳng ai biết mình là ai, nhưng dần dần đây là kênh chia sẻ thông tin rất quý, được nhiều người quan tâm.

Với gần 9 năm hoạt động thiện nguyện trên Facebook, rất nhiều chương trình kêu gọi của tôi đã đạt hiệu quả như tâm nguyện ban đầu. Có thể tính đến con số hàng mấy trăm hoàn cảnh tôi kết nối hỗ trợ chữa bệnh - phẫu thuật, xin học bổng, xây nhà, mua xe đạp… Số tiền tổng cộng có khi hàng tỷ đồng.

Ngoài các việc kêu gọi cho người khó khăn, bất hạnh, tôi còn kết nối được hàng chục lần sẻ chia với bà con miền Trung chịu thiệt hại bão lụt; từ Quảng Nam ra đến Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Mỗi lần như vậy, số tiền kêu gọi được có khi lên đến gần 100 triệu đồng. Đến nay, tôi cũng duy trì chương trình “Lì xì Tết cho bệnh nhân”, thực hiện vào mùng 2 Tết hàng năm. Tết Nhâm Dần vừa rồi là cái Tết thứ 8 liên tục chương trình thực hiện. Mỗi chương trình như vậy, kêu gọi và trao hết số tiền tầm 20 triệu đồng

Rồi có nhân duyên, tôi cũng đã kết nối kêu gọi xây dựng chùa, đúc tượng Phật, đúc chuông, in kinh sách và nhiều Phật sự khác. May mắn, hầu hết các tâm nguyện khi phát tâm kêu gọi đều được mọi người ủng hộ chân thành và nhiều…

Từ giữa năm 2018 đến nay, tôi mở quán chay Tịnh Lạc ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam). Đến nay, quán đã hình thành mô hình quán chay 2.000 đồng gieo duyên đến bà con cô bác lao động khó khăn. Gần 4 năm trôi qua, hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thay mặt các tấm lòng thiện tâm, kết nối và nấu - phát tầm 100 suất ăn chay 2.000 đồng (xen kẽ nhau ngày bún, ngày cơm, ngày mì) để bà con cô bác lao động khó khăn đến nhận về ăn.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, mỗi tháng chúng tôi còn thay mặt các tấm lòng thiện tâm, nấu 600 suất mì chay và kèm theo 600 hộp sữa đậu nành chia sẻ với các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Với vợ chồng tôi đây là tâm nguyện lớn nhất và cũng là niềm vui nhất ở hiện tại. Vẫn còn nhiều khó khăn vì phải thuê nhà, vật giá leo thang, nhưng tôi tin mình sẽ cố gắng ổn định mô hình này, đem niềm vui đến cho mọi người…

* Ngoài chia sẻ vật chất thì theo Giang, bố thí trong nhà Phật còn có những gì và mỗi người thực tập ra sao để an lạc trong cuộc sống?

- Tôi nghĩ, như lời Phật dạy, bố thí gì cũng tốt, nhưng tốt nhất là bố thí Pháp. Pháp của Phật mở ra trí huệ, mở ra cả tình yêu thương cho muôn người muôn vật. Vật chất mình cho kẻ khổ tất nhiên là quý, nhưng nếu không có trí huệ, không có tình yêu thương, họ sẽ lại khổ và sẽ tiếp tục làm người khác khổ. Nên song song với các việc thiện nguyện, hằng ngày, tôi có chia sẻ lời Phật dạy, bài giảng pháp trên Facebook, trước hết là mình học và thực hành, sau đó là sẻ chia với mọi người đang cần.

* Trải qua đại dịch Covid-19, dưới đôi mắt của người con Phật, điều bạn tâm đắc nhất là gì?

- Đại dịch đã làm con người gần nhau hơn, khơi dậy và thổi bùng tình yêu thương chân thành. Những sự cho đi, kết nối, ủng hộ, sẻ chia đến từ nhiều tầng lớp khác nhau, với chỉ mong muốn duy nhất là đồng bào mình bớt khổ, cùng nhau vượt qua đại dịch… Tôi nghĩ đó là điều quý nhất. Trong hoạn nạn, con người mới khởi phát và tìm lại tình thương vốn ẩn sâu trong chính mình.

Đại dịch càng khiến cho mỗi người nhận ra sự vô thường của thế gian, từ đó sống tốt với nhau hơn, sống trách nhiệm hơn, sống đầy sự từ bi và cho đi hơn. Nhìn ra xung quanh, tôi vui vì thấy được sự diễn tiến này suốt hơn 2 năm qua…

Một điều quan trọng nữa đó là vô úy bố thí, bằng nụ cười hằng ngày, bằng sự lắng nghe - thấu hiểu - bằng sự tùy duyên cứu giúp những sinh mạng dù là người hay vật đang ở gần cái chết nhất…

Và tất nhiên, bố thí gì mình phải an vui trước rồi mới đem được sự an vui cho người khác. Các việc thiện nguyện tôi làm vợ tôi đều hoan hỷ, gia đình đồng thuận. Ngoài thời gian làm các việc lành, phải dành thời gian cân đối cho các thành viên trong gia đình. Khi tình yêu thương có nền tảng từ gia đình, sự thấu hiểu có nền tảng từ gia đình mới có thể vững chắc được…

Với tôi, bố thí vô tư bằng tất cả tấm lòng, làm cho người cũng như cho mình thì sẽ luôn an lạc. Không cần cảm ơn, không cần báo đáp, không cần lợi ích gì hay danh vị gì, thì người bố thí, người cho đi sẽ luôn luôn an lạc và có động lực để làm tiếp việc lành trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày