Người phụ nữ của "Đừng say điệu nhảy"

Với ngòi bút sắc sảo, khí giới của trí thức, của nhà văn, tác giả tập sách này, một người phụ nữ, đã làm nhiệm vụ gạn đục khơi trong cần thiết cho một thế hệ doanh nhân trẻ mà thời đại đang kêu gọi.

Qua những bài viết giản dị, đặt vấn đề thẳng thắn, trình bày mạch lạc, lý luận chặt chẽ, lời gọn ý mới, người đọc nhận ra chân dung của một doanh nhân mẫu, có chuyên môn cao, có đạo đức sáng, lấy phục vụ đất nước làm lý tưởng cho bản thân, lấy “tự lợi lợi tha” của nhà Phật làm phương châm cho nghề nghiệp. Đây là một doanh nhân biết nhìn tiền cả hai mặt “có” và “không” như một thiền sư nhìn núi: tiền là tiền mà tiền cũng không phải là tiền. Nhìn tiền như vậy thì không bị đồng tiền lôi kéo, làm ra tiền một cách thanh thản, bởi vì đâu phải chỉ làm tiền cho riêng mình mà còn để cho đất nước giàu lên…

ND.jpg

Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo

Tự chị, chị đã khẳng định như vậy, chị cần gì đến tôi? Cho nên, thay vì giới thiệu tác giả, tôi nghĩ đến một mơ ước của chị, mơ ước thành khẩn của những doanh nhân mở đường: gầy dựng một lớp doanh nhân trẻ, tự lập tự cường, đặt lý tưởng làm giàu không phải cho riêng mình mà cho cả đất nước. Lời mở đầu này dành cho mơ ước đó, cho lý tưởng đó. Với thế hệ doanh nhân trẻ của mơ ước, tôi xin mở đầu bằng một chuyện đời xưa.

Chuyện đời xưa? Cũng không xưa lắm, chừng hai thế kỷ. Thuở đó, hầu hết các nước trên thế giới đều có vua, hầu hết nơi nào có vua đều có quý tộc, hầu hết quý tộc đều có nhiều đất đai, tất cả đất đai đều do nông dân canh tác, và hầu hết mồ hôi của nông dân đều đổ ra trên đất không phải của mình. Trong các nước như vậy, nơi nào cũng có thợ thủ công, nơi nào cũng có thương nhân. Bỗng nhiên, trong một lục địa mà sách vở gọi là châu Âu, vua cũng đổi, quý tộc cũng đổi, thợ cũng đổi, thương nhân cũng đổi: một cuộc cách mạng bùng lên, làm biến đổi tất cả, mở màn cho một rạng đông mà lịch sử gọi là thời đại tư bản. Đó là cách mạng kỹ nghệ. Cái gì đã mớm sữa cho cách mạng ấy ? Một thay đổi sâu xa, toàn diện, về giá trị, về ý nghĩa của lao động. Từ thay đổi ấy, một giai tầng xã hội mới trổi lên, khước từ cửa ngỏ mời đón của quý tộc, tự tạo cho mình một ý thức riêng về giai tầng của mình, tự vũ trang bằng những giá trị mới, độc lập, sáng tạo: đó là tầng lớp mà lịch sử gọi là doanh nhân.

Trong văn minh cổ Hy Lạp, cổ La Mã, lao động là một cố gắng cực nhọc, là đau khổ, bị khinh rẻ. Đó là công việc của hạng nô lệ; nô lệ làm việc để người tự do khỏi làm, dành hết thì giờ cho giải trí, thể thao, nghệ thuật, chính trị.

Suốt thời Trung cổ, dưới ảnh hưởng của nhà thờ, lao động là cực hình mà con người phải chịu để chuộc tội, để ngăn chận lòng tham, hoặc để cảm thông với khổ đau của người khác, để thực hiện bác ái. Lao động không hề được quan niệm như một cứu cánh, tự nó có giá trị. Lao động cũng không phải là phương tiện để làm giàu, vì làm giàu bị chê bai, bị kết án; hà tiện là tội nặng nhất, bị định nghĩa là thú vui tích lũy của cải quá mức cần thiết để duy trì địa vị.

Quan niệm đó bị xét lại dưới thời Phục hưng, nhất là tại Pháp, rồi bị biến đổi hoàn toàn dưới thời Khai Sáng. Với thế kỷ 18, lao động trở thành một giá trị, chưa phải như cứu cánh, nhưng như phương tiện để làm giàu, nền tảng của mọi của cải. Cho dù các nhà kinh tế hồi đó có xem lao động như là hàng hóa đi nữa, lao động vẫn được vinh danh: con người sẽ tạo ra thiên đường trên trần thế bằng lao động và bằng tiết kiệm. Không gì tiêu biểu hơn cho quan niệm lạc quan đó bằng mấy câu sau đây của triết gia Mỹ Benjamin Franklin trong “Lời khuyên một công nhân trẻ”:

“Bạn hãy nhớ: thì giờ là vàng bạc, tín dụng là vàng bạc… Bạn hãy nhớ: bản chất của tiền là sinh sản dồi dào, tiền đẻ ra tiền, và con cái của tiền lại đẻ ra tiền dễ dàng hơn nữa, và cứ thế mà tiếp tục. Năm quan được sử dụng có giá trị bằng sáu; sử dụng nữa có giá trị bằng bảy quan hai và cứ tỷ lệ như thế mà tiếp tục mãi cho đến một đồng tiền vàng. Đầu tư càng nhân lên càng lớn và lợi nhuận sản sinh càng lúc càng nhanh. Kẻ nào giết một con heo cái đang mang thai tiêu diệt luôn cả một dòng họ cho đến cả ngàn thế hệ. Kẻ nào phung phí một đồng tiền vàng tiêu diệt luôn tất cả những gì mà đồng tiền đó có thể sản xuất, và như thế cho đến hàng trăm quan”.
“Bạn hãy nhớ: bạn có thể tích lũy mỗi năm một món tiền năm mươi đồng êcu bằng cách để dành không quá tám xu mỗi ngày. Bằng cách tiết kiệm mấy xu như vậy hàng ngày không cần để ý, bạn có thể, với bảo đảm của tín dụng, làm chủ và hưởng thụ ngàn đồng êcu với lãi suất 5%. Số vốn đó, khi được một người chăm chỉ làm ăn sử dụng, sẽ làm sản sinh ra không biết bao nhiêu lợi lộc …”.

Đây không phải là lý thuyết: bao nhiêu người đã thành công như vậy, đã xây dựng từ hai bàn tay trắng những gia tài khổng lồ trong vòng một đời người. Ở bình minh của thế kỷ 19, họ là những ông thánh mới được thời đại vinh danh, thay thế những ông thánh cũ mà hào quang mờ nhạt như sao buổi sáng.

Nhưng không phải tại Pháp mà cách mạng kỹ nghệ đã bùng lên. Cách mạng này xảy ra tại Anh, trong một môi trường khác, với một quan niệm khác về lao động: đó là quan niệm do hệ phái Tin lành Calvin xướng lên từ 1545. Nhà thờ Công giáo cấm lãi suất? Calvin tán dương vì, với thương mãi phát triển, lấy tiền đâu để sản xuất nếu không phải tiền cho vay? Trên bình diện tôn giáo cũng vậy: căn cứ vào đâu để quả quyết rằng một người nào đó được Thượng đế ân sủng? Vào thành công nghề nghiệp! Vào kết quả cụ thể của hành động! Lao động, do đó, không còn là phương tiện nữa, mà chính là bằng chứng của cứu rỗi, của thánh ân. Lao động cũng không phải nhắm mục đích tạo ra của cải, càng không phải cốt để vui thú: đó là kết quả bình thường của đời sống nội tâm của con người. Hơn nữa, lao động cũng không bao giờ chấm dứt, phải luôn luôn tiếp tục, bởi vì kết quả càng cao, dấu hiệu ân sủng của Thượng đế càng rõ. Nhưng kết quả, lợi lộc tạo ra được do lao động của một người sẽ không bao giờ thuộc về người ấy: đó chỉ luôn luôn là một dấu hiệu, một ân huệ, một phương tiện đặt vào tay người ấy để tiếp tục làm việc. Cho nên kết quả của lao động không bao giờ được xài phí vào những tiêu pha xa xỉ - dấu hiệu của quỷ Sa Tăng - mà phải được tái đầu tư để lao động tạo ra lao động, hiệu quả hơn, năng động hơn. Làm việc chỉ cốt để sáng danh Thượng đế mà thôi, người Tin lành theo phái Calvin sống khắc khổ, tránh phồn hoa, kỵ quý tộc : xa hoa là tội lỗi nặng nhất.
Quan niệm đó về lao động đem lại những hậu quả xã hội quan trọng dần dần lộ ra trong những nước Tin lành ở châu Âu.

Trước hết, xã hội từ bỏ thái độ của đạo Công giáo, nhất là của dòng franciscain, về người nghèo và về bố thí: Công giáo xem người nghèo như đại diện của Chúa ở trần thế, và xem bố thí như công quả thánh thiện. Đối với người tín đồ của Calvin, bố thí là nhục mạ Thượng đế vì biểu lộ một tình cảm thương xót đối với một khổ cực được người cho và người nhận đều xem như không cứu chữa nổi. Khổ cực không phải do thiên nhiên mà ra, mà là hậu quả của tội lỗi, tội lỗi của kẻ khổ cực nếu y lười biếng, tội lỗi của những người khác nếu y không tìm ra được việc làm; khổ cực đó phải được xóa tan bằng lao động và công bằng xã hội. Bố thí làm kẻ ăn xin cứ ăn xin suốt đời thay vì phải giúp y thoát ra tình trạng đó, và nếu y không chịu thoát ra, phải trừng trị. Khác với đạo Công giáo, tín đồ Calvin quan niệm rằng người phải được kính trọng không phải là người nghèo mà là người lao động.

Doanh nhân hiện ra dưới mắt Calvin như là người lao động kiểu mẫu. Doanh nhân làm giàu, nhưng của cải của họ không phải của họ, của cải đó là phương tiện để họ thực hiện chức năng xã hội căn bản, đem lại công ăn việc làm cho mọi người, hướng lao động vào phúc lợi. Doanh nhân đó trái ngược với quý tộc như nước với lửa: quý tộc là kẻ hưởng thụ những đặc quyền, đặc lợi, đặc ân, sống trên lợi tức của một tài sản không do mình làm ra. Đối với tín đồ Calvin, con người chỉ có một quyền mà thôi là thực hiện bổn phận, còn thì tất cả: máu huyết, của cải, thông minh, tài năng, chỉ là những ân huệ mà Thượng đế ban cho, hoàn toàn không dính dáng gì đến sự xứng đáng của riêng mình, để thực hiện chức năng phụng sự đồng loại. Làm việc, để dành, không phung phí, làm việc mãi, để dành mãi, tích lũy tư bản mà không bao giờ hưởng thụ, không bao giờ xem như của cải của mình: đó là giá trị cao nhất của người tín đồ Calvin.
Đầu óc mới đó mở màn cho cách mạng kỹ nghệ ở Anh : trong kỹ nghệ tơ sợi cũng như trong kỹ nghệ sắt thép, đầu óc đó tạo ra những người cầm đầu trong phần đông các xí nghiệp mới của thời đại mới.

Tôi dài dòng về chuyện đời xưa này vì chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh lịch sử hiện nay của nước ta. Đi chậm sau thế giới gần hai thế kỷ, vì đô hộ thực dân và chiến tranh ngoại thuộc, bây giờ ta mới bắt đầu mở mang kinh tế, bây giờ ta mới thấy xuất hiện tầng lớp doanh nhân, bây giờ rạng đông mới mở ra trước mắt. Điều làm chúng ta lo lắng khi nghĩ đến chuyện xưa, là cái gì đáng lẽ phải đi trước đã không đi trước: cái đầu của chúng ta đã không đi trước, cái đầu của chúng ta đã bị thời cuộc dẫn đi. Giá trị gì đã mở đầu cho việc xuất hiện tầng lớp doanh nhân hiện nay ở nước ta? Đạo đức gì? Lý tưởng gì? Doanh nhân trong chuyện đời xưa tách rời với giai cấp quý tộc cầm quyền, tự tạo cho mình một uy thế độc lập với những niềm tin độc lập, tiến bộ; doanh nhân ngày nay vũ trang với sức mạnh tinh thần gì, phụng sự ai? Doanh nhân ngày xưa không nhìn vào áo mão, xe cộ, nhà cửa, yến tiệc, cung đình; họ nhìn xa và nhìn lên, họ hướng thượng. Doanh nhân của chúng ta ngày nay nhìn vào đâu? Nhìn gần hay nhìn xa, nhìn lên hay nhìn xuống? Đã đến lúc doanh nhân phải thấy vai trò lịch sử tiên phong của mình, vai trò vén mây cho rạng đông trước mắt, không phải lờ mờ đi đêm, lộn cổ xuống ao với con cò.
Tất nhiên, mỗi thời đại mỗi khác, và ta cũng không cần phải mượn giá trị của ai để làm giá trị của mình. Ngày xưa là thời đại của hài nhi tư bản. Ngày nay, và ở nước ta, là thời đại của tư bản hoang dã, tư bản sói lang mà doanh nhân phải tự mình chấn chỉnh lại. Bằng cách nào trước hết? Chấn chỉnh hàng ngũ của mình. Chấn chỉnh bằng cái gì ? Bằng tài và đức. Tài, chúng ta có thừa, nhưng phải học, học mãi. Doanh nhân phải là trí thức mới của ngày nay, bởi vì ta phải lấy lại cái đầu đã mất vì ngoại thuộc. Đức, chẳng cần tìm ở đâu xa, cũng không cần phải cầu viện một ông thượng đế nào, chỉ cần nhìn vào lương tâm, chỉ cần làm sáng chữ Tâm mà Truyện Kiều bất hủ của ta đã ký thác cho hậu thế như gia bảo. Ta không có một nhà thờ bảo thủ như Âu châu ngày xưa để phải sáng tạo ra một nhà thờ tiến bộ cho doanh nhân. Nhưng ta có một đống bùn phải tránh như doanh nhân ngày xưa đã tránh đống bùn xa hoa, hào nhoáng, ăn bám, bóc lột của giai cấp quý tộc. Cái mà ta thiếu không phải là đạo đức mới: vỏn vẹn và giản dị, ta hãy sống đạo đức của cha ông mà ai cũng vẫn còn giữ trong tâm. Đó là cách mạng văn hóa khai thông cho thời đại mới mà doanh nhân là những người tiên phong.

Tôi mơ mộng chăng? Chẳng lẽ tôi không biết câu nói của Milton Friedman, ông thần kinh điển của trường phái tự do kinh tế: “Một xí nghiệp tạo ra là để kiếm lời, mọi chuyện khác đều là văn chương nhảm?” Tác giả quyển sách này, một nữ doanh nhân độc lập tạo nên cơ nghiệp và tăm tiếng từ hai bàn tay trắng và một tấm lòng trung hậu, đã không cho phép tôi bi quan như thế. Hiển nhiên, có lúc chị cũng thở dài: “Thể chế nào doanh nhân nấy”. Nhưng chị lại lướt ngay trên đầu sóng, cương quyết: “Doanh nhân nào thể chế nấy!”. Những gì tôi vừa nói, tôi đã tìm thấy ở đây. Chữ Tâm vừa nhắc phảng phất trong từng trang giấy, qua những câu chuyện bình dị, trong đời sống thường ngày của chị với những người chung quanh: với người khổ, với nhân viên, với đồng nghiệp, với đối tác, với Nhà nước, với chính bản thân mình. Nguyễn Du đã mượn một nhân vật nữ, nàng Kiều, để làm sáng danh chữ Tâm. Có lẽ đó cũng là chức năng thiên phú của người phụ nữ, nhất là trong một xã hội bùn nhiều sen ít.

Với ngòi bút sắc sảo, khí giới của trí thức, của nhà văn, tác giả tập sách này, một người phụ nữ, đã làm nhiệm vụ gạn đục khơi trong cần thiết cho một thế hệ doanh nhân trẻ mà thời đại đang kêu gọi. Qua những bài viết giản dị, đặt vấn đề thẳng thắn, trình bày mạch lạc, lý luận chặt chẽ, lời gọn ý mới, người đọc nhận ra chân dung của một doanh nhân mẫu, có chuyên môn cao, có đạo đức sáng, lấy phục vụ đất nước làm lý tưởng cho bản thân, lấy “tự lợi lợi tha” của nhà Phật làm phương châm cho nghề nghiệp. Đây là một doanh nhân biết nhìn tiền cả hai mặt “có” và “không” như một thiền sư nhìn núi: tiền là tiền mà tiền cũng không phải là tiền. Nhìn tiền như vậy thì không bị đồng tiền lôi kéo, làm ra tiền một cách thanh thản, bởi vì đâu phải chỉ làm tiền cho riêng mình mà còn để cho đất nước giàu lên, để cho dân tộc vùng dậy: đó là đạo đức mới, cao hơn cả đạo đức trong chuyện đời xưa.

Trong đạo đức thiền, châm ngôn “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” là kinh nhật tụng. Một ngày không làm là một ngày không ăn. Làm việc, lao động, đã được đưa lên nấc thang tối cao của giá trị, thiêng liêng như kinh sách không chữ. Đem áp dụng châm ngôn thiền đó vào doanh nhân của thời đại mới, tác giả mơ ước một tầng lớp doanh nhân có “làm” thực, có “lao động” thực, nghĩa là có kiến thức, có tay nghề, dám chơi lương thiện, minh bạch, trong cuộc tranh đua thực sự với cả thế giới, chứ không phải làm giả ăn thật, không vì mảnh vườn riêng mình mà lấn lướt hoa màu của người khác, móc bụng của xã hội ra mà ăn. Chỉ chừng đó thôi, không cần phải lý thuyết cao xa, đạo đức thực tiễn đó đã có thể mở ra một chân trời mới cho đất nước. Tác giả gởi mơ mộng đó vào đâu? Vào lớp doanh nhân trẻ mà chị đã bắt tay vào việc đào tạo, truyền nghề. Chị tin ở sự quật cường của dân tộc. Chị tin vào tánh Phật sẳn có của con người. Chị tin giới trẻ sẽ nhàm chán, khinh bỉ đống bùn.

Trong tập sách này, chữ “tâm” và chữ “tầm” chói sáng như hai vầng nhật nguyệt, tóm tắt gọn gàng đạo đức mới của thời đại mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày