GN - Giữa lòng thành phố, sáng nào cũng vậy, cứ vào khoảng 7 giờ, tại số 289 Bến Vân Đồn (P.2, Q.4, TP.HCM) trước khi dọn hàng bán, cô Thảo đều làm thức ăn cho mèo hoang.
Gần 8 năm nay, cứ ai bỏ rơi mèo, là cô nhặt về nuôi. Biết cô cưu mang những con mèo bị bỏ rơi, người trong xóm có dư cơm nguội, thức ăn thừa, sẵn sáng đi chợ là để ở chỗ cô bán, để cùng làm việc thiện. Nhiều người lớn tuổi cũng dạy cho con, cho cháu lòng hướng thiện từ việc đem thức ăn thừa đến gửi cô Thảo chia sẻ bữa cơm cho những chú mèo.
Thương mèo bị bỏ hoang
Sống độc thân, cô Thảo làm cái tủ nhỏ, gắn bánh xe rồi đẩy đi bán các thứ lặt vặt như bánh, kẹo, card điện thoại, cô đặt sát mép nhà người quen để mưu sinh. 7 giờ sáng, vừa ra đến chỗ buôn bán là cô mở cửa nhà kho bị bỏ hoang mà người ta nhờ cô trông hộ, rồi tháo những tấm bìa carton, bắt từng con mèo ra, cho chúng sưởi nắng. Cẩn thận làm thức ăn cho những chú mèo ăn uống xong, cô mới dọn hàng. Vừa làm thức ăn cho mèo, cô Thảo vừa kể: “Ngày xưa, tôi không có ý định xin con vật gì về nuôi hết, vì mình nuôi mình còn khó khăn, huống chi...
Nhưng khi thấy mấy con mèo hoang người ta bỏ rơi, nó cứ kêu vì đói, người nó còm nhom, thấy thương cho nó lắm. Tôi lao động bình dân mà còn có cơm ăn, áo mặc, chỗ ngủ, còn mấy con mèo, mạng sống của nó mong manh quá. Có thể cưu mang nó, nên chịu khó chút để cho nó sống khỏe ngày nào hay ngày đó. Mà tôi nuôi được con mèo này là có con mèo hoang khác xuất hiện, phải nuôi luôn”.
Cô Thảo đều làm thức ăn cho mèo hoang
Nuôi mèo như cưu mang mạng sống, một ngày cô Thảo có bao nhiêu bữa ăn là mèo cũng có bấy nhiêu. Thậm chí, cô dành phần ăn của mình để cho mèo. Thức ăn cho chúng thường có cá vụn mà cô nhặt từ những xương cá của người bán cơm ngoài chợ. Cô Thảo cẩn thận gỡ từng miếng xương cá bỏ đi, dầm thịt cá nhỏ ra rồi trộn đều với cơm, chia từng phần trên tấm giấy báo cho từng con. Lúc mèo ăn, cô đi làm nước cho mèo uống. Đâu đó xong xuôi hết, vệ sinh sạch sẽ rồi cô Thảo mới dọn hàng bán.
“Mèo chỉ cần một con bệnh là cô Thảo lo. Như sáng nay, một con mèo con chạy ra đường bị xe cán chết, tôi đi chạy xe ôm sáng sớm thấy nên đem bỏ vào chỗ cô Thảo. Cô Thảo vừa dọn hàng ra, thấy con mèo bị vậy nên cô buồn luôn. Cô cứ nói thương nó quá, nó bị xe cán chết vậy đau lắm. Rồi cứ nói sanh về cõi lành nha con. Cô Thảo thương mèo dữ lắm”, chú chạy xe ôm ở hẻm 289 Bến Vân Đồn cho biết.
Nhìn cách cô Thảo chăm sóc, dành tình thương cho mèo, mỗi lần nhìn thấy, ai quen biết cô Thảo cũng nói “chăm sóc mèo hoang đúng quy trình”. Cô Lệ, nhà trong hẻm 289 cho biết: “Xóm này hỏi cô Thảo nuôi mèo hoang là hầu như những bà nội trợ, những người sống lâu ở đây đều biết. Có bao nhiêu con mèo hoang đến chỗ cô là cô nuôi hết. Cô Thảo hiền lành, lương thiện lắm, đến mèo mà cô nuôi, thương, nói chuyện như bạn. Thương nhất là khi nuôi mèo lớn, mấy thằng xì ke, người vô gia cư rình rình tối bắt mèo đem bán. Sáng ra cho chúng ăn, đếm thấy mất con nào là coi như cả ngày cô Thảo không muốn buôn bán gì”.
Em của cô Thảo nói: “Mèo bị bắt, chị Thảo buồn, tại vì nuôi mến tay, mến chân. Chị quen rồi. Có con mèo nuôi từ lúc nó vừa sanh, người ta bỏ nó lúc nó chưa mở mắt, tưởng đâu chết mà đến lúc nó gần 2 ký là biết dồn rất nhiều tình cảm. Có người thấy cũng kêu thôi đừng nuôi nữa, để mất rồi buồn mà chị không chịu. Buồn chốc đó rồi lại thôi, chị Thảo nói nuôi được một ngày coi như tụi mèo sống được một ngày. Ai cũng có phần số, chứ đâu riêng gì những con mèo. Cứ vậy mà chị Thảo nuôi miết…”.
Những con mèo cô Thảo cho ăn, từ lúc cô dọn hàng bán đến lúc dọn hàng nghỉ ngơi, chúng cứ luẩn quẩn theo cô ngay chỗ cô buôn bán, như không rời chân. Vậy nên, ngày nắng thì cô Thảo lấy tấm bìa carton che cho mèo ngủ. Ngày mưa, có khi đêm hôm cô Thảo cũng từ trong nhà đi ra, rọi đèn pin ở các hóc xem mèo thế nào, có bị nước mưa cuốn trôi không. Hỏi cô Thảo, vì sao thương mèo nhiều như vậy, cô chỉ trả lời: “Mèo cũng có mạng sống, nó cũng biết lạnh. Nghĩ đến nó lạnh, tôi không yên tâm, không ngủ được, lòng bồn chồn”.
Biết cô Thảo thương mèo, không bỏ rơi mèo hoang đến chỗ mình nên nhiều nhà có mèo không nuôi “gửi” tại chỗ cô. Có khi người ta bỏ một con, hai con, có khi là cả bầy mèo bốn, năm con.
Cô Thảo dí dỏm cho biết: “Vừa sáng sớm, đang dọn hàng bỗng có một bà chạy xe đến, thắng xe lại quăng cho một cái thùng rồi bỏ đi. Mở cái thùng ra, thấy mấy con mèo con nó kêu như gọi mẹ. Con nào mắt mũi cũng tèm lem, bé xíu. Biết là nó đói bụng, bỏ mặc làm ngơ là nó chết, tôi chịu không nổi, thấy thương quá nên nuôi. Nuôi rồi mến tay, mến chân lúc nào không hay.
Tôi nuôi được chúng ngày nào là vui ngày đó, giúp nó sống được ngày nào là vui ngày đó. Ít ra, có tôi nó sống đỡ khổ sở, đau đớn hơn. Tôi không đủ sức để cưu mang một con người nhưng cưu mang được những con mèo, dù một con cũng nên làm, để con người mình đỡ khô khan, sẽ nuôi lớn tình thương…”.
Khơi dậy tình yêu thương
Mèo hoang có ở khắp nơi nhưng không phải nơi nào chúng cũng được yêu thương, chăm sóc. Thấy cô Thảo có tâm thương mèo hoang, người trong xóm đôi khi cũng góp chút thức ăn cho mèo.
Hàng xóm cô Thảo cho biết: “Cô Thảo nuôi không biết bao nhiêu con mèo hoang. Hết đàn này, con này đến đàn khác, con khác. Không có cô Thảo là mấy con mèo hoang, người ta vứt ngoài đường chết hết rồi. Cứu người cũng là cứu, cứu vật cũng là cứu, trong khả năng của mình, cứu được ai, giúp được ai cũng quý giá hết. Tôi thấy cô Thảo nuôi mèo hoang, giống như giáo lý Phật giáo có nói, việc thiện nhỏ cũng nên làm. Tôi cũng có phát tâm, ngày nào có cơm thừa là tôi đem ra cho cô Thảo, để cho bầy mèo”.
Gửi thức ăn cho bầy mèo, cô Tư, gần 70 tuổi cho biết: “Có thức ăn để qua đêm bị hỏng, nên nhớ ngay đến bầy mèo hoang sống ngoài đường, chỗ cô Thảo bán. Bỏ thức ăn là mang tội, cũng nhờ có mấy con mèo mà thấy không hoang phí. Từ ngày biết có bầy mèo ngoài đường, ăn cơm có gì dư là tôi túm lại, gom gom đem ra cho mèo. Mèo có cái ăn, nó no bụng, mình cũng ấm lòng”. Cô Thảo cười hiền nói: “Sáng dọn hàng, thấy bịch thức ăn là biết người trong xóm gửi cho mèo. Bữa nào có nhiều đồ ăn thì mèo được ăn nhiều, có ít ăn ít. Miễn sao, chúng không bị đói mà chết là được”.
Vì muốn dạy con chia sẻ từ điều nhỏ nhất, cũng nhờ bầy mèo hoang của cô Thảo nuôi mà những bài học tình người, tình thương dành cho động vật cũng được gợi mở. Tuần nào hễ có thời gian rảnh là chị Tâm lại hướng dẫn con đem thức ăn cho mèo. Chị Tâm nói: “Mỗi lần đưa con đi cho mèo ăn, tôi có quan niệm là để dạy con. Việc làm nhỏ nhưng tôi nghĩ là bổ ích vì nó thiết thực và sinh động lắm. Đi thế này vừa dạy con biết con mèo có hình dáng thế nào, màu sắc ra sao, vừa dạy con biết yêu thương con vật. Khi con có tình yêu thương ngay từ nhỏ thì tin chắc rằng, lớn lên con sẽ không làm được các việc ác”.
Chăm sóc, nuôi và cưu mang những con mèo bị bỏ hoang, không bỏ mặc, làm ngơ để chúng chết vì đói, việc làm này dù nhỏ, nhưng với nhiều người thì đây là việc rất quý giá. Quý, bởi nó xuất phát từ trái tim lương thiện, từ tâm từ của một người có tình yêu lớn lao muốn chia sẻ với những con vật yếu ớt, không được nuôi dưỡng như chúng từng có.
“Việc cô Thảo làm cho thấy, người nào cũng có thể làm được việc từ thiện, xuất phát từ sự bao dung và tình thương. Người có nhiều tiền thì nuôi người nghèo những bữa cơm, còn ít tiền thì vẫn có thể nuôi sống những con mèo hoang cần sự nuôi dưỡng. Chỉ cần có tâm lương thiện thì đều có thể làm việc tốt cho cuộc đời. Và, đến con mèo còn ôm vào lòng, khóc khi chúng bị bắt trộm hay bị xe cán chết thì người đó không thể ác với bất cứ ai được”, cô Giang, P.2, Q.4 cảm kích.